Thường vụ Quốc hội ghi nhận sáng kiến lập sổ hộ tịch

Thứ Sáu, 14/09/2012, 13:16
Với đề xuất của Bộ Tư pháp trong dự án Luật Hộ tịch là cấp một mã số định danh cho mỗi người và căn cứ vào con số này có thể tra cứu tất cả các sự kiện trong đời của công dân được các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 13/9 ghi nhận “có tính cải cách”.

Theo đó, Nhà nước sẽ chỉ thiết lập một loại sổ gọi là sổ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch - nơi công dân đăng ký khai sinh (do UBND cấp xã, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trực tiếp quản lý). Ngoài ra để tạo thuận tiện cho người dân (không cư trú tại nơi đăng ký khai sinh), dự luật quy định các sự kiện hộ tịch phát sinh sau khi đăng ký khai sinh (như kết hôn, ly hôn…) không bắt buộc phải đăng ký tại nơi quản lý sổ hộ tịch, mà người dân có thể yêu cầu đăng ký tại nơi cư trú của mình.

Công dân được giữ một sổ hộ tịch cá nhân, được cấp khi đăng ký khai sinh theo quy định của dự luật này. Khi cần chứng minh tình trạng hộ tịch của mình, người dân chỉ cần xuất trình sổ hộ tịch cá nhân. Theo đánh giá của Chính phủ, việc đổi mới 2 loại sổ hộ tịch như trên và cải tiến phương thức đăng ký hộ tịch sẽ góp phần quan trọng khắc phục tình trạng tản mát dữ liệu hộ tịch, là tiền đề hình thành cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, bảo đảm thuận lợi cho tổ chức, công dân có yêu cầu khai thác sử dụng.

Tuy nhiên, các ý kiến của các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn với quy định “nơi quản lý sổ hộ tịch”. Trong trường hợp cá nhân thay đổi nơi cư trú mà có phát sinh, thay đổi sự kiện hộ tịch thì lại phải chuyển dữ liệu phát sinh, thay đổi đó về nơi đăng ký khai sinh để bổ sung, điều chỉnh trong sổ hộ tịch là rất khó bảo đảm tính khả thi, kịp thời và chính xác.

Về việc làm hai loại sổ trên và việc cấp mã số định danh cá nhân, các ý kiến cho rằng nếu đã làm thì phải làm cho tất cả 87 triệu dân để đồng bộ. Một số ý kiến cho rằng cơ quan thực hiện cũng phải xác định 5 - 10 năm sau sẽ hoàn thành việc cấp các loại sổ này

P.Đăng
.
.
.