Thủ tướng: Ngân hàng không để thiếu vốn cho các doanh nghiệp

Thứ Bảy, 26/12/2020, 17:47
Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng không được để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao…

Ngày 26/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Tổng kết của Ngân hàng Nhà nước năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, chưa bao giờ Chính phủ, các cơ quan quản lý và ngân hàng Trung ương nhiều nước trên thế giới áp dụng các biện pháp hỗ trợ để vực dậy nền kinh tế như năm 2020.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xác định việc hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, do thiên tai là trọng tâm, đã tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, phí thanh toán.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Cũng theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 18/12 vừa qua, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,83% so với cuối năm ngoái và tăng 14,62% so với cùng kỳ ngoái. Thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng thông suốt.

Tính đến tháng 11 vừa qua, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng tiền Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.

Để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngành ngân hàng đã vào cuộc rất sớm và ban hành 2 văn bản quan trọng là Thông tư 01/2020 và Chỉ thị 02, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; tiết giảm chi phí hoạt động, để có điều kiện giảm lãi suất ở mức tối đa; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, đa dạng các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ để hạn chế giao dịch trực tiếp mà vẫn tạo điều kiện cho khách hàng dễ dàng tiếp cận tín dụng và dịch vụ ngân hàng.

Đến nay, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng. Đặc biệt, các tổ chức tín dụng đã cho vay mới với lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch, doanh số lũy kế từ ngày 23/1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng.

Mặc dù không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 01, nhưng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 168.000 khách hàng với dư nợ 4.183 tỷ đồng, cho vay mới trên 2 triệu khách hàng với số tiền 72.531 tỷ đồng.

Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước nhiều lần giảm lãi suất điều hành, từ đầu năm đến nay, 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5-2%/năm, giảm sâu nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng mặc dù Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng đã rất nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. Nhiều ngân hàng thương mại có lợi nhuận khá lớn, coi lợi nhuận là tối đa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành ngân hàng năm 2020 và phương hướng năm 2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, do ảnh hưởng của COVID-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng. Vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Tiếp tục chấn chỉnh và xử lý kịp thời các tồn tại, nhất là ở các ngân hàng mua bắt buộc, ngân hàng yếu kém và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân.

Cảnh báo “thành công lớn nhưng không được chủ quan,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ rằng các nghiên cứu cho thấy, tình hình tài chính, tiền tệ quốc tế có thể diễn biến phức tạp, đòi hỏi chúng ta phải tính toán kỹ, có những phương án, đối sách phù hợp kịp thời.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có chiến lược, kế hoạch cụ thể để ứng phó trong tình trạng mới trên các lĩnh vực, nhất là tài chính, ngân hàng. Thủ tướng quán triệt tinh đối với các cấp, các ngành, toàn ngành ngân hàng là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, phải có bước tiến mạnh mẽ trên phương án chặt chẽ.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cần tính toán tăng trưởng tín dụng năm 2021 là bao nhiêu để đóng góp vào tăng trưởng vì với Việt Nam tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển. Cần tập trung hoàn thiện thể chế về tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

“Bài học kiểm soát lạm phát của nước ta thời gian qua cũng như thời gian đến là bài học xương máu, nếu để lạm phát tăng vọt lên thì trách nhiệm của chúng ta rất lớn,” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng không được để thiếu vốn tín dụng cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao… Ngân hàng không chỉ cho vay vốn mà còn hỗ trợ thiết thực, giúp doanh nghiệp có phương án sản xuất hiệu quả, bền vững, vừa có lợi cho ngân hàng, vừa có lợi cho doanh nghiệp, đồng thời, cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ rủi ro.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn trong bối cảnh còn khó khăn này ngành ngân hàng chưa nên nhằm tới mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển sản xuất. Đi liền với đó là cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Chính phủ đặt ra bài toán và yêu cầu các ngân hàng vừa giảm thiểu nợ xấu gia tăng, vừa xử lý thành công nợ xấu tồn đọng, vừa bảo đảm hệ thống các tổ chức tín dụng và từng tổ chức phát triển ổn định, bền vững, trong đó hướng đến mục tiêu có một số ngân hàng thương mại lọt vào tốp đầu các ngân hàng lớn nhất, chất lượng tốt nhất, hiệu quả nhất trong khu vực.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: Chúng ta có 49 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân với số dư tín dụng đến 9 triệu tỷ đồng, con số rất lớn nên cần phải giám sát, thanh tra. Có 6.500 cán bộ thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, hơn 352.000 cán bộ, nhân viên thuộc hệ thống tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại; do đó, ngành ngân hàng cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực với yêu cầu mới, con người là yếu tố quyết định.

Ngành ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, thu nhập cao vào năm 2045 nhân kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Chính phủ mong muốn tập thể lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các chủ ngân hàng, từ ngân hàng nhà nước đến ngân hàng tư nhân, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức “có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tạo niềm tin lớn, ý chí hành động quyết liệt, bàn tiến, không bàn lùi”./.

B.S (Theo VGP)
.
.
.