"Cởi trói" cho TP Hồ Chí Minh: "Thoáng" đến đâu là đủ?

Thứ Hai, 20/11/2017, 13:35
Hoàn toàn thống nhất với nhau quan điểm về việc TP HCM đang bị trói buộc quá chặt, cần có những cơ chế thoáng hơn, điều các ĐB tranh luận là “thoáng” đến đâu là đủ. 



Sài Gòn đã trở nên “trầm uất” vì thiếu tầm nhìn?

Cho rằng thời điểm tạo cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh đã “chín mõm” chứ không phải “chín muồi” như một số đại biểu phát biểu trước, đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh: TP HCM từ một đô thị sầm uất đã trở nên “trầm uất” vì những cơ chế trói buộc nó.

Lật lại lịch sử, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng từ thời chúa Nguyễn đã ý thức được tiềm năng của TP HCM, sau đó khi thực dân Pháp xâm lược cũng sớm phát hiện ra Nam Kỳ là một trong những mảnh đất rất trù phú, màu mỡ. Khi vào xâm lược, một trong những việc đầu tiên của Pháp là phá thành Sài Gòn, nhưng đã phát triển Sài Gòn rất mạnh mẽ về kinh tế với thủy xưởng của nó.

Năm 1860, cảng Sài Gòn đã được mở thành cảng tự do. Đến những năm 1930 của thế kỷ trước, cảng này xếp thứ 8 trong các cảng của hệ thống thuộc địa trên toàn thế giới.

“Danh xưng ngày nay ta nhắc đến như 1 niềm tự hào - “Hòn ngọc Viễn đông” nảy nở, soi sáng trong thời kỳ thuộc địa là nhờ tầm nhìn... Thời điểm Sài Gòn là kho hàng lớn nhất của Viễn Đông, Singapore mới chỉ là một xóm chài. Tầm nhìn là rất quan trọng” – ĐB nhấn mạnh.

Đại biểu Dương Trung Quốc trong phiên thảo luận sáng 20-11 về cơ chế đặc thù cho TP HCM

“Muốn nhắc nhiều đến tầm nhìn”, ĐB Dương Trung Quốc cho rằng ta  hay nhắc đến một đạo lý: Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, nhưng hiện nay Sài Gòn đang phải phá rào, cố gắng bứt phá trong một cơ chế hết sức hạn chế, nên thí điểm này là cần thiết.

“Thí điểm nào cũng đều đứng trước rất nhiều thách đố. Bên cạnh sự ủng hộ tinh thần, cần sự giám sát rất chặt chẽ của xã hội. Nhân dịp này, tôi không thể không nhắc đến thí điểm bãi bỏ Hội đồng nhân dân ở một số địa phương -  một thí điểm lớn, nhưng kết thúc không kèn không trống. Tôi hi vọng điều này không lặp lại, thí điểm cơ chế đặc thù cho TP HCM kết thúc với kèn trống mừng thắng lợi” – ĐB Quốc bày tỏ.

Chia sẻ quan điểm này, ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cũng nêu thực tế

Một thời chúng ta dàn đều để phát triển nên các “đầu tàu” bị bó hẹp trong tấm áo quá chật. Tuy nhiên, ngược lại, các đầu tàu “vẫn mãi chạy bằng đầu máy hơi nước, trong khi thế giới đã chạy bằng năng lượng nguyên tử”. “Hiện cả nước có 16 tỉnh nộp ngân sách về trung ương nuôi thêm 47 tỉnh còn lại. Các tỉnh đó phải biết tri ân các đầu tàu này. Đến giai đoạn này, tính đến giải quyết sức ì cho đầu tàu này để nó có xung lực mới, lay chuyển cả khu vực là đương nhiên, lẽ ra chúng ta phải tính toán từ lâu để cởi trói cho TP HCM và cá TP trực thuộc Trung ương khác”.

“Chúng ta đang nâng niu, gom góp từng đồng để xây dựng cơ đồ, mà  theo tính toán, trong giai đoạn 2021 - 2030 nếu có cơ chế này, TP HCM sẽ đóng góp hơn 632.000 tỷ đồng cho ngân sách thì không có cớ gì không tạo điều kiện cho TP HCM thực thi” – ĐB Đặng Thuần Phong bày tỏ.

Đặc thù cũng có thể “lợi bất cập hại”

Hoàn toàn thống nhất với nhau quan điểm về việc TP HCM đang bị trói buộc quá chặt, cần có những cơ chế thoáng hơn, điều các ĐB tranh luận là “thoáng” đến đâu là đủ. Trong các điểm đề xuất, việc thí điểm đánh thuế tài sản gây tranh luận nhiều hơn cả. Theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), nếu chỉ có người sở hữu tài sản ở TP HCM bị đánh thuế thì sẽ gây ra sự thiếu công bằng, vi phạm nguyên tắc nền tảng của việc đóng thuế.

Về cơ chế lương cho cán bộ, viên chức TP không quá 1,8 lần trên mức lương chức vụ và ngạch bậc, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng: Đã cho TP HCM một cơ chế rất rộng, tại sao lại đặt ra trần 1,8? “Lực lượng vũ trang được hưởng mức lương 1,8 là lao động đặc biệt. Nên sửa lại Nghị quyết, khoán lương cho TP, dựa vào vị trí công việc, năng suất, hiệu quả làm việc mà HĐND TP tự quyết định mức lương, chứ có ĐB còn đề nghị điều chỉnh cả lương hưu (với lý do tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng lên, ảnh hưởng đến đời sống những cán bộ đã về hưu - PV) nữa thì nguy quá”.

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cho rằng nếu đặc thù không giúp TP HCM chuyển đổi mô hình tăng trưởng thì có thể lợi bất cập hại

ĐB Đặng Thuần Phong thì muốn mở rộng thẩm quyền liên quan đến đất đai cho TP, từ chuyển đổi đất lúa, mở rộng ra đất nông nghiệp, sau đó đất rừng, đất thủy sản... để có dư địa phát triển, vì an ninh lương thực đã có các tỉnh khác lo.

Ngược lại với ý kiến này, có ĐB lại muốn khống chế mức trần diện tích đất TP được quyền chuyển đổi, vì hiện nay dự thảo Nghị quyết chỉ quy định mức sàn là 10 ha trở lên.

Góp ý thêm cho TP, ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) bày tỏ tiếc nuối khi có một vấn đề TP HCM đã trăn trở rất lâu nhưng lại đề cập rất mờ nhạt ở lần “xin” cơ chế này – đó là Chính quyền đô thị. “Hiện TP HCM không đủ khả năng kiềm chế tăng cơ học dân số vào TP. Với quan điểm cá nhân, tôi thấy rằng nếu đặt mô hình chính quyền dô thị gắn vơi tinh giản bộ máy sẽ giảm bớt xu hướng mà TP đang lo ngại là chuyển thành mô hình Mega City. Nếu chuyển được sang chính quyền đô thị thì TP tăng được quyền chủ động hơn.

Về lương, ĐB Nguyễn Đức Kiên cho cho rằng nên khoán quỹ lương cho TP, trên cơ sở Cách mạng 4.0, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả, HĐND TP tự quyết định mức lương phù hợp hơn,

“Đề xuất lần này mới chỉ tập trung vào cơ chế tài chính, với cơ chế này có góp phần cho TP HCM đổi mới mô hình tăng trưởng đã hết động lực không? đủ cho TP tạo lập 1 mô hình tăng trưởng mới bền vững không? Nếu việc TP HCM thí điểm đánh thuế tài sản và điều chỉnh các loại thuế khác để điều chỉnh hướng đầu tư, giảm bớt đầu tư bất động sản và tăng đầu tư vào sản xuất... thì việc ban hành Nghị quyết là phù hợp. Nếu không vì 1 mô hình tăng trưởng bền vững mà điều chỉnh thế này thì theo báo cáo của cục Thống kê TP HCM đưa ra là lợi bất cập hại”.


Vũ Hân
.
.
.