Tham nhũng như dịch bệnh, xảy ra ở nhiều nơi
“Phòng chống tham nhũng trong suốt 30 năm qua đã đạt được rất nhiều kết quả đáng trân trọng, nhiều thành tựu ý nghĩa. Chúng ta phải khẳng định mặt được rất lớn. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng thấy tham nhũng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có nơi còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Đấy là một thực tiễn, chúng ta phải nhìn nhận khách quan để có giải pháp phù hợp” – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu trong thảo luận tổ về Luật phòng, chống tham nhũng chiều 9-11.
Có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khác nhau, một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa có cơ chế để người không muốn tham nhũng, không thể và sợ tham nhũng. Bên cạnh đó, có nguyên nhân cơ bản là việc ban hành luật pháp còn điểm sơ hở, có chỗ chưa phủ kín được hết hành vi, đối tượng, dẫn đến tham nhũng.
Việc mở rộng phạm vi ra ngoài nhà nước, theo tôi là nên mở rộng, bởi vì trên thực tế chúng ta đang xác định DN ngoài nhà nước là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Mặt khác, đã ngăn chặn thì phải ngăn chặn cả chủ thể dẫn tới tham nhũng và đối tượng liên quan tới tham nhũng.
Nền kinh tế của chúng ta đa thành phần, tham nhũng cũng diễn ra theo hướng này, vì tham gia vào hoạt động chung của nền kinh tế, rõ ràng tham nhũng cũng đa thành phần, trong đó có khu vực ngoài nhà nước.
Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính |
Cần mở rộng nhưng phải tổng kết kỹ càng, có bước đi thật chậm, chắc chắn, có lộ trình, có khả thi, có hiệu quả trong việc xác định hành vi, đối tượng có liên quan.
Về việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng kê khai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho rằng “Phải xác định được hiệu quả kê khai trong phòng chống tham nhũng”.
“Tham nhũng diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, như vậy tham nhũng len lỏi trong cuộc sống của chúng ta, không từ bỏ cấp nào, ngành nào. Vậy nguyên nhân không hiệu quả là vấn đề kê khai. Muốn hạn chế được nó cả hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, có bài bản... Nếu mở rộng ra mà hệ thống chính trị nơi nào không có hiệu quả, không nghiêm túc, không quyết liệt thì vẫn là sơ hở, không ngăn chặn được. Tham nhũng rơi vào cán bộ có chức, có quyền hay cán bộ công chức, viên chức có chức, có quyền, ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành chứ không phải tập trung ở chỗ nào” – Trưởng Ban Tổ chức nêu quan điểm.
“Bên cạnh đó, phải phân cấp mạnh mẽ, triệt để, chứ không phải có chỉ cấp Trung ương mới phải tập trung chống tham nhũng. Tham nhũng, tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành, trên có, dưới có, thực tế là vậy, như dịch bệnh nhiều nơi, giờ khoanh lại thì cũng chưa ổn. Theo tôi, vẫn nên mở rộng đối tượng ra. Ở cấp nào, ngành nào, địa phương nào thì có sự phân cấp về quản lý cán bộ và anh phải chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát. Đây là việc có tính chất tổng thể và liên thông, cả thệ thống chính trị vào cuộc thì ta mới đẩy lùi được tham nhũng. Không nên khoanh lại phạm vi hẹp hơn, nếu ta chỉ tập trung ở trên thì ở dưới ai làm? Rõ ràng chủ tịch xã, hay ông trưởng thôn cũng có thể xảy ra tham nhũng chứ không phải chủ tịch tỉnh, huyện. Tham nhũng vặt giờ rất nhiều”- Trưởng ban Tổ chức nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông cũng cho rằng “Ngoài quy định Đảng, Nhà nước, phải dựa vào nhân dân để chống tham nhũng”...