Hai mục tiêu 100 năm khát vọng hòa bình, ổn định, phồn vinh
- Vị thế đất nước và những mục tiêu chiến lược
- Chính phủ đề ra mục tiêu, nhiệm vụ phấn đấu tăng trưởng GDP 6,5% năm 2021
Dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Mục tiêu cụ thể:
- Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Như vậy, dự thảo đã xác định hai mốc quan trọng: Năm 2030 nhân 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, nhân 100 năm thành lập Nước.
Trong bài viết về chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điểm lại, đã gần một thế kỷ nay (hơn 90 năm kể từ ngày có Đảng), đối với nước ta, cứ mỗi lần tổ chức, tiến hành Đại hội toàn quốc của Đảng là một lần được coi như một sự kiện trọng đại, có ý nghĩa lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó dự báo; đất nước đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức với rất nhiều vấn đề mới đặt ra; cán bộ, đảng viên và nhân dân ta đặt kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đảng.
Với phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”, Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm tròn 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).
Vì vậy, đây chắc chắn cũng sẽ là một dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng ta, dân tộc ta, đất nước ta, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.
Làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) ngày Tết. |
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần này được chuẩn bị một cách rất công phu, bài bản, chu đáo; quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển; trên cơ sở phát huy tối đa dân chủ, lắng nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, cán bộ, đảng viên và nhân dân; lựa chọn, chắt lọc, tham khảo các đề xuất tâm huyết, trách nhiệm; kết tinh trí tuệ và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.
Các mục tiêu trên được đề ra trên nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, khả thi và thực tiễn; kế thừa và bổ sung phù hợp với những thay đổi trong từng giai đoạn phát triển của đất nước; đồng thời tham khảo kinh nghiệm của các nước và những chuẩn mực phát triển chung của thế giới. Mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể mà Đại hội đề ra là cơ sở hết sức quan trọng để xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; bảo đảm tính đồng bộ, khả thi, vừa đáp ứng được các yêu cầu lâu dài, vừa có trọng tâm và các khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên triển khai thực hiện; tạo sự thống nhất từ nhận thức cho đến hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong giai đoạn từ nay đến giữa thế kỷ XXI.
Thực tế, kể từ sau đổi mới, chúng ta cũng từng đặt ra một mục tiêu phát triển với tầm nhìn 25 năm. Quan điểm của Đảng về xây dựng nước công nghiệp lần đầu tiên xuất hiện trong Văn kiện Đại hội lần thứ VIII của Đảng (năm 1996). Đó là thời điểm rất đặc biệt: Đất nước trải qua 10 năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đạt kết quả có tính bước ngoặt: Thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và tiến vào giai đoạn mới, giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH). Đại hội VIII của Đảng đặt ra lộ trình “từ nay (1996) tới năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại”.
Mô hình nước công nghiệp được vạch ra khi đó là: Lực lượng sản xuất lúc đó sẽ đạt trình độ tương đối hiện đại, phần lớn lao động thủ công được thay thế bằng lao động sử dụng máy móc, điện khí hóa cơ bản được thực hiện trong cả nước, năng suất lao động xã hội và hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn nhiều so với hiện nay. Ở thời điểm năm 1996, nếu nói về mốc năm 2020 “trở thành nước công nghiệp”, ta thường có cảm giác còn xa. Bởi thế, khi đặt mục tiêu nước công nghiệp năm 2020 thì thực tế, trong quan điểm các nhà soạn thảo văn kiện ngày đó cũng chỉ áng lượng một cách chung nhất chứ chưa thể định hình nội hàm, mục tiêu cụ thể của “nước công nghiệp” có hình dáng, quy mô ra sao.
Từ năm 1996 tới trước Đại hội XII, qua 4 kỳ đại hội Đảng, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại là chiến lược xuyên suốt, nhất quán, được nêu rõ trong các văn kiện đại hội. Tuy nhiên, đến 2016 thì mục tiêu đã có sự điều chỉnh về thời gian. Theo đó, văn kiện trình Đại hội XII của Đảng đã xác định mục tiêu tổng quát 5 năm (2016-2021) về kinh tế là “đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Như vậy, sau 20 năm, mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được điều chỉnh về mặt thời gian, không còn xác định cán đích vào năm 2020. Cụm từ “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” đã được điều chỉnh linh hoạt hơn, không ấn định cụ thể thời gian.
Điểm lại tiến trình như vậy để thấy, mục tiêu “nước công nghiệp” đặt ra 25 năm trước đến nay chưa về đích đúng hẹn, do đó hướng tới mốc 25 năm sau kể từ Đại hội XIII, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Hiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII đã không còn dùng khái niệm “cơ bản trở thành nước công nghiệp” để xác định đích đến cho kế hoạch phát triển đất nước. Thay vào đó là các mục tiêu: Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.
Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đây thực sự là khát vọng, là hoài bão của nhân dân ta về tương lai, tiền đồ đất nước.
Mục tiêu cụ thể: * Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. * Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. * Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao. |