Sẽ bỏ "biên chế" đối với giáo viên

Thứ Sáu, 19/12/2008, 11:35
Vấn đề khá mới vừa được Bộ GD& ĐT khẳng định: sẽ nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác; năm 2009 bắt đầu thí điểm chủ trương này ở một số trường phổ thông và ĐH, tới năm 2010, có 100% giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế như hiện nay.

Mở đầu cho việc xin ý kiến rộng rãi của xã hội về Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD) Việt Nam 2009 - 2020, chiều 18/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT cùng  Bộ GD & ĐT đã gặp gỡ các cơ quan báo chí và truyền thông, các phóng viên theo dõi về giáo dục và đào tạo để thông báo và mời góp ý cho bản dự thảo CLPTGD lần thứ 13.

Bản dự thảo đã chỉ ra 6 thành tựu và 5 yếu kém của hiện trạng giáo dục Việt Nam, đồng thời đưa ra các quan điểm, mục tiêu của chiến lược cũng như các giải pháp được coi là đột phá cho giáo dục trong thời kỳ tới. Song còn rất nhiều vấn đề cần phải được bàn bạc chi tiết, cụ thể về bản dự thảo này mới có thể thuyết phục được dư luận xã hội.

Sẽ có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút học sinh giỏi vào học sư phạm

Ông Nguyễn Hữu Châu, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho biết, 2 giải pháp được coi là đột phá của CLPTGD lần này chính là đổi mới mạnh mẽ quản lý giáo dục và xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, triển khai các chương trình để hình thành đội ngũ nhà giáo và hiệu trưởng đáp ứng yêu cầu của giai đoạn 2010 - 2020.

Về giải pháp đột phá thứ nhất, sắp tới việc quản lý nhà nước đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ do Bộ đảm nhận và thực hiện dần việc bỏ cơ chế Bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục ĐH.

Trong thời gian trước mắt, các Bộ, các địa phương còn quản lý các trường ĐH, CĐ phải phối hợp với Bộ xây dựng quy chế quản lý trường ĐH, CĐ. Vấn đề đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế một cửa trong toàn bộ hệ thống quản lý giáo dục nhằm tạo ra một cơ chế quản lý gọn nhẹ, hiệu quả và thuận lợi cho người dân cũng được đề cập trong bản dự thảo.

Tất cả giáo viên sẽ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động. Ảnh minh họa.

Vấn đề khá mới trong CLPTGD lần này được Bộ khẳng định: sẽ nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng và sử dụng các giáo viên, giảng viên và các viên chức khác; năm 2009 bắt đầu thí điểm chủ trương này ở một số trường phổ thông và ĐH, tới năm 2010, có 100% giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế như hiện nay. Vấn đề này được các cơ quan báo chí đặc biệt quan tâm.

Câu hỏi được đặt ra là, liệu phương án này sẽ được triển khai như thế nào để "thay thế" dần đội ngũ giáo viên biên chế hiện nay? Và những giáo viên biên chế cũ khi về hưu sẽ hưởng chế độ ra sao?

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thì chủ trương này không phải là mới, cũng không phải là sáng kiến của ngành Giáo dục vì theo Nghị định 43 thì sẽ không còn cán bộ biên chế nữa, tất cả theo chế độ hợp đồng, các ngành đều thực hiện theo Nghị định.

Mỗi năm mỗi địa phương có từ 500 - 1.000 giáo viên ra khỏi ngành hoặc được sắp xếp công việc khác, do đó, tinh thần là ngành vẫn tiếp tục sắp xếp lại, không chỉ chờ việc tuyển mới giáo viên.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, sắp tới sẽ có chính sách học bổng đặc biệt để thu hút các học sinh giỏi vào học tại các trường sư phạm...

Sẽ có nhiều bộ SGK

Rất nhiều các giải pháp khác cũng được bản dự thảo đề cập, tuy nhiên theo ý kiến của một số đại biểu tham dự buổi góp ý thì dự thảo cần có thêm những cơ sở khoa học định tính, định lượng rõ ràng hơn để "minh họa", "chứng minh" cho từng giải pháp đưa ra.

Ví dụ, chiến lược nêu: "sẽ mở rộng mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để đến năm 2020 có thể tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS và 30% số học sinh tốt nghiệp THPT vào học một ngành nghề", vậy vì sao lại là con số 30%? Cơ sở khoa học của con số này là gì? Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chưa được đào tạo nghề là bao nhiêu?...

Liên quan đến giải pháp "Đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục", CLPTGD đã đưa ra một số định hướng, đó là sẽ hoàn thành việc thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới vào năm 2008 để chính thức triển khai trên phạm vi toàn quốc từ năm 2010, thực hiện chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho lớp mẫu giáo 5 tuổi vùng núi, vùng dân tộc.

Sẽ tổ chức biên soạn một số bộ SGK dựa trên chương trình giáo dục phổ thông quốc gia; sẽ thiết kế thêm 200 chương trình khung trình độ CĐ nghề và 300 chương trình chung trình độ trung cấp nghề và từ năm 2015 trở đi, các cơ sở đào tạo nghề sẽ tự quyết định chương trình đào tạo của mình. Đến năm 2020, có các chương trình tiên tiến quốc tế được sử dụng tại ít nhất 30% số trường ĐH Việt Nam.

Nhìn tổng thể bản dự thảo lần này, nhiều đại biểu băn khoăn, dự thảo nên nói rõ hơn trách nhiệm của cộng đồng với giáo dục, kết hợp giữa dạy chữ, dạy tiếng Anh, vi tính với dạy làm người cho học sinh.

Đây là vấn đề rất cốt lõi; những bài học đạo đức làm người cần phải được tăng cường trong chương trình giảng dạy, như thế mới phù hợp với quan điểm chỉ đạo được nêu ra trong dự thảo: "giáo dục có sứ mạng đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện".

Một số đại biểu khác kiến nghị, cần phải có cơ chế mới về bổ nhiệm, sử dụng giáo viên vùng sâu, vùng xa; hiện nay có nơi không bao giờ bổ nhiệm giáo viên nếu họ chỉ có bằng tại chức và ở nhiều nơi, người giỏi tản mạn ở ngoài, người có năng lực thì không được tuyển dụng.

Đề xuất thêm những giải pháp này, các nhà báo mong muốn chiến lược cần có thêm những bước đi, giải pháp, số liệu cụ thể hơn nữa và quyết liệt hơn nữa thì mới đủ cơ sở đảm bảo tính khả thi cho những "giải pháp đột phá".

Đến năm 2020, không còn phòng học tạm ở các cấp học.

Đến năm 2020, 99% trẻ 5 tuổi được học 1 năm mẫu giáo, 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày; 70% học sinh tiểu học đạt mức độ 1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế.

99% trẻ em trong độ tuổi được đi học tiểu học và THCS, 100% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục 9 năm đúng độ tuổi

Ít nhất 5% tổng số sinh viên tốt nghiệp ĐH có trình độ ngang bằng với sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường ĐH hàng đầu trong khối ASEAN.

Có ít nhất 5 trường ĐH Việt Nam được xếp hạng trong số 50 ĐH hàng đầu của ASEAN và 2 trường ĐH được xếp hạng trong số 200 trường ĐH hàng đầu thế giới.

Thu Phương
.
.
.