Sáng nay, Quốc hội thảo luận công tác phòng, chống tội phạm

Thứ Năm, 07/11/2013, 09:16
Bắt đầu từ 8h sáng nay (7/11), Quốc hội thảo luận tại hội trường báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; báo cáo của VKSND tối cao, TAND tối cao; công tác thi hành án và  phòng, chống tham nhũng năm 2013. Đây là một trong các nội dung quan trọng tại kỳ họp lần này.

Dự kiến, tại phiên thảo luận, trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các cơ quan tư pháp (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát) sẽ có phát biểu làm rõ thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm. Trước đó, sáng 28/10, Đại tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; kết quả thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 của Quốc hội. Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa  Bình báo cáo về công tác Tòa án và Viện Kiểm sát; Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo công tác thi hành án. Quốc hội đã thảo luận tại tổ các báo cáo trên vào chiều 29/10.

Đánh giá về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, Chính phủ khẳng định: với những nỗ lực của lực lượng Công an, công tác phòng chống tội phạm đã có chuyển biến tích cực, các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác phòng chống tội phạm mà Quốc hội đề ra trong Nghị quyết 37 đã cơ bản đạt được. Bộ Công an đã tiếp nhận 98.945 tố giác, tin báo tội phạm, tăng 30,54% so với năm 2012. Hầu hết tin báo đã được giải quyết, đạt tỷ lệ 90,5%, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đạt và vượt các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết 37.

Bộ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu Quốc hội.

Chính phủ nêu rõ, cơ quan điều tra các cấp đã chỉ đạo chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án trọng điểm mà dư luận quan tâm, rà soát các vụ án còn tồn đọng để giải quyết dứt điểm. Số vụ án đã thụ lý tăng 3,94% so với năm 2012. Bộ Công an cũng chủ động phối hợp với Viện KSND, TAND các cấp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tố tụng, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ điều tra viên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chất lượng công tác điều tra có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ điều tra khám phá tội phạm xâm phạm trật tự xã hội đạt 76,6%, án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt 90%, đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết 37.

Mặc dù một số loại tội phạm còn diễn biến phức tạp như ma túy, xâm phạm sở hữu, tham nhũng, xâm phạm quản lý kinh tế... nhưng với sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, có hiệu quả của Chính phủ, sự cố gắng nỗ lực của các bộ, ngành địa phương, sự tham gia tích cực của nhân dân trong đấu tranh phòng chống tội phạm nên tốc độ gia tăng của tội phạm đã được kiềm chế.

“Có thể khẳng định công tác đấu tranh chống tội phạm đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo quyết liệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân. Các ngành chủ động nắm bắt tình hình, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác điều tra, xử lý tội phạm, kiềm chế sự gia tăng tội phạm. Các mục tiêu nhiệm vụ công tác phòng chống tội phạm trong Nghị quyết 37 cơ bản đạt được, góp phần quan trọng giữ gìn an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội” – báo cáo khẳng định.

CBCS Công an  luyện tập sẵn sàng chiến đấu.

Trao đổi với phóng viên báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng thuận cao với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. PGS, TS Bùi Thị An nói: “Tôi đánh giá rất cao vai trò cơ quan Công an trong điều tra tội phạm tham nhũng. Bởi chúng ta biết, các vụ tham nhũng lớn liên quan cán bộ có chức quyền, tồn tại trong nhiều năm, có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó, rất nhiều mánh khóe để can thiệp nên việc phát hiện, điều tra những vụ án như vậy là vô cùng khó. Vậy nhưng cơ quan điều tra Công an các cấp đã điều tra, làm rõ hành vi, tội trạng từng đối tượng để các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý trước pháp luật. Điều đó thể hiện năng lực, trách nhiệm rất cao của cơ quan Công an”.

Theo đại biểu, thấy được cái tinh vi, phức tạp của tội phạm càng hiểu được vai trò, nỗ lực của lực lượng Công an. Bà cũng cho rằng, nhiều địa phương đã có các sáng kiến, giải pháp phòng, chống tội phạm, các mô hình mới, có hiệu quả như lập tổ công tác 141, những mô hình áp dụng ở các vùng, địa phương như diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến nhân dân”, mô hình phòng chống tội phạm liên kết giữa các cơ quan, đoàn thể ở địa phương...

Công an giúp dân vùng lũ.

Đại biểu, Thượng tọa Thích Thanh Quyết nhận định: Báo cáo đã đánh giá rõ diễn biến, tình hình tội phạm, những nguyên nhân nảy sinh tội phạm cũng như đề ra các giải pháp phòng chống. Thực hiện Nghị quyết 37 của Quốc hội, lực lượng Công an đã có nhiều nỗ lực để kiềm chế sự gia tăng một số loại tội phạm, đấu tranh khám phá án đạt tỷ lệ cao và đã ngăn chặn, khống chế các âm mưu, ý đồ hòng kích động, gây rối trật tự. “Những đánh giá trong báo cáo, tôi cho là còn khiêm tốn chứ thực chất công lao của lực lượng Công an còn hơn thế rất nhiều, các lực lượng Công an làm được hơn thế nhiều” – đại biểu khẳng định...

Đại biểu Quốc hội quan tâm vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Điều đáng chú ý là phiên thảo luận này diễn ra một ngày sau khi Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao mở phiên toà theo trình tự tái thẩm xem xét kháng nghị ngày 4/11 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn bị kết án tù chung thân về tội danh giết người. Đây là vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm. Theo đó, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; tuyên hủy bản án hình sự phúc thẩm và sơ thẩm để điều tra lại vụ án. Hội đồng tái thẩm nhận định, sự việc: Ngày 25/10/2013, đối tượng Lý Nguyễn Chung (cùng trú tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) ra đầu thú và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Nguyễn Thị Hoan vào tối 15/8/2003 để cướp tài sản là tình tiết mới làm thay đổi bản chất vụ án. Quyết định của Hội đồng tái thẩm có hiệu lực ngay.

Liên quan vụ án này, trả lời phỏng vấn Báo Công an nhân dân, Bộ trưởng Trần Đại  Quang cho rằng, trong các giai đoạn tố tụng hình sự, kể cả ở giai đoạn thi hành án, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có trách nhiệm phát hiện và khắc phục kịp thời những sai sót, vi phạm, nhất là oan, sai. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự của Nhà nước ta rất chặt chẽ, đầy đủ, cụ thể; cho nên nếu để xảy ra oan, sai, thì đó là điều rất đáng tiếc.

“Nếu Tòa án kết luận phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn bị kết tội oan, thì phải kịp thời minh oan, khôi phục đầy đủ quyền lợi hợp pháp, bồi thường nhà nước cho người bị kết tội oan; điều tra, xử lý nghiêm người phạm tội; đồng thời, phải điều tra, làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan, sai, xác định trách nhiệm, xử lý nghiêm minh các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn theo quy định của pháp luật. Về phía Bộ Công an, đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ về các tình tiết có liên quan đến vụ án để xử lý đảm bảo đúng pháp luật” – Bộ trưởng khẳng định. 

Dự kiến, tại phiên thảo luận hôm nay, các cơ quan tư pháp sẽ có ý kiến thêm về vấn đề này.

Đ.Trường
.
.
.