UBTV Quốc hội cho ý kiến Luật Căn cước công dân:

Quy định số định danh cá nhân gắn riêng mỗi công dân

Thứ Năm, 13/03/2014, 01:59
Số chứng minh nhân dân là số định danh cá nhân và gắn với riêng công dân đó, không lặp lại ở người khác. Trường hợp đổi, cấp lại chứng minh nhân dân thì số chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu... Đây là những nội dung được quy định trong dự án Luật Căn cước công dân trình UBTV Quốc hội ngày 12/3. Dự luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam, việc ban hành Luật Căn cước công dân sẽ tạo thuận lợi trong giao dịch và tiến tới sẽ hạn chế các thủ tục hành chính, đảm bảo quyền cho người dân tốt hơn. Luật này cũng có tác động rất lớn đến quyền của công dân, và tới đây sẽ tiến hành bỏ hộ tịch và thẻ điện tử.

Theo tờ trình, các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để cấp, quản lý chứng minh nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao dịch của nhân dân, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ Công an, góp phần phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm trật tự, an toàn xã hội. Trên cơ sở các văn bản này, hệ thống cơ quan quản lý căn cước công dân đã hình thành trên cả nước với đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất ngày càng được hoàn thiện; cơ sở dữ liệu chứng minh nhân dân với hệ thống tàng thư căn cước công dân đồ sộ đã và đang đáp ứng yêu cầu cấp, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân và yêu cầu nghiệp vụ Công an. Yêu cầu đặt ra hiện nay cũng như những năm tiếp theo là phải đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, từng bước thực hiện Chính phủ điện tử. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức việc soạn thảo Luật Căn cước công dân bảo đảm đầy đủ các bước theo trình tự, thủ tục luật định.

Dự luật quy định cơ sở dữ liệu căn cước công dân và bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân gồm 9 điều (từ Điều 8 đến Điều 16), quy định về yêu cầu cập nhật, duy trì, quản lý cơ sở dữ liệu căn cước công dân; nhập dữ liệu căn cước công dân; thông tin, tài liệu của công dân được thu thập, cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bảo vệ dữ liệu căn cước công dân; lưu trữ dữ liệu điện tử căn cước công dân... Cơ sở dữ liệu căn cước công dân được quy định theo hướng là một cơ sở dữ liệu chuyên ngành được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý (Khoản 3 Điều 3 dự thảo Luật), phục vụ công tác cấp, đổi, cấp lại chứng minh nhân dân và quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Do cơ sở dữ liệu căn cước công dân có một số trường thông tin trùng với một số trường thông tin của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, nên dự thảo Luật được quy định theo hướng: Đối với những trường thông tin mà một trong hai cơ sở dữ liệu này đã có thì không cần thu thập nữa để giảm bớt thủ tục và tránh gây phiền hà cho người dân (Khoản 3 Điều 10 dự thảo Luật).

Giấy tờ về căn cước công dân và việc cấp, quản lý giấy tờ về căn cước công dân gồm 2 mục và 11 điều (từ Điều 17 đến Điều 27). Theo đó, chứng minh nhân dân là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, dự thảo Luật quy định về nội dung chứng minh nhân dân phản ánh được các thông tin cơ bản về căn cước của công dân phục vụ cho giao dịch, đi lại nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân.

Để bảo đảm đồng bộ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, số chứng minh nhân dân được quy định là số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, là dãy số tự nhiên gồm 12 số, được cấp cho mỗi công dân Việt Nam và không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu về căn cước và dữ liệu khác về công dân. Đây chính là chìa khóa giúp khai thác các thông tin về công dân trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân cũng như Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không phải yêu cầu công dân xuất trình nhiều giấy tờ không cần thiết.  Mặt khác, nếu như trước đây, số chứng minh nhân dân sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý vì có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định số chứng minh nhân dân là số định danh cá nhân và gắn với riêng công dân đó, không lặp lại ở người khác. Trường hợp đổi, cấp lại chứng minh nhân dân thì số chứng minh nhân dân vẫn giữ đúng theo số ghi trên chứng minh nhân dân đã cấp lần đầu.

Nghiên cứu tiến tới dùng chứng minh thay sổ hộ khẩu

Theo tờ trình của Chính phủ, trên chứng minh nhân dân có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng chứng minh nhân dân thay cho sổ hộ khẩu. Có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc.

Các thông tin này trên chứng minh nhân dân được tích hợp từ giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng chứng minh nhân dân để chứng minh các thông tin này trong giao dịch, đi lại mà không cần phải mang các giấy tờ khác liên quan.

N.Thành
.
.
.