Quốc hội yêu cầu sớm xóa độc quyền ngành Điện

Thứ Năm, 07/06/2012, 09:10
Khẳng định việc để ngành Điện duy trì thế độc quyền (Tập đoàn Điện lực - EVN) khiến an ninh năng lượng quốc gia bị tổn hại, lợi ích đất nước, nhân dân bị ảnh hưởng, đại biểu Quốc hội yêu cầu phải xác định rõ trong luật lộ trình xóa bỏ độc quyền. Phiên thảo luận ở tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi) ngày 6/6 cũng cho rằng, giá điện không thể “thả nổi” như đề xuất của EVN.

Các đại biểu cho rằng, chúng ta chưa có một quy hoạch có tầm nhìn dài hạn để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sự độc quyền kéo dài đã và đang tạo ra sự bất bình đẳng, người dân luôn chịu thiệt, thậm chí gây lũng đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) cho rằng, điện là loại hàng hóa đặc biệt, có tác động rộng lớn tới đời sống và nền kinh tế, nhưng hiện nay chúng ta chưa hình thành được một thị trường phát điện cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, tất cả vẫn nằm trong tay EVN, vừa độc quyền mua điện, vừa độc quyền tiêu thụ điện. Chính sự độc quyền đó luôn tạo cho ngành Điện nắm đằng chuôi, đẩy người dân, doanh nghiệp và cả Nhà nước vào thế khó. Trong mọi trường hợp, người tiêu thụ luôn chịu thiệt. “Ví dụ người dân chậm nộp tiền điện liền bị nhà cung ứng cắt điện, trong khi đó, việc cung ứng chất lượng kém, cắt điện làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt thì chưa thấy cơ chế bồi thường” - ông lo ngại. Do đó, theo đại biểu, từ những bất cập trong thực tế, trong dự thảo Luật sửa đổi lần này cần quy định rõ hơn, cụ thể hơn và bổ sung những điểm mới để đáp ứng yêu cầu thực tế.

Đại biểu Nguyễn Thị Huyền Trang (Quảng Nam) bổ sung: Trong hợp đồng mua bán điện, thiệt hại thuộc về phía người mua là chủ yếu. Hợp đồng “quên” ghi trách nhiệm bên cung cấp điện. Khâu thanh toán tiền điện nhiều khi chưa minh bạch, người dân có khi bị trả nhiều hơn số điện tiêu thụ thực tế nhưng khi thắc mắc không được giải thích rõ.

Đại biểu Trần Quang Chiều (Nam Định) đề nghị, cần quy định rõ lộ trình giá điện theo cơ chế thị trường. Đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) cho rằng, ngành Công thương phải tạo sự cạnh tranh trong ngành Điện, không để tình trạng độc quyền kéo dài thêm nữa. Luật Điện lực sửa đổi cần phải quy định cụ thể hơn để sớm có một thị trường điện cạnh tranh minh bạch, vì thực tế đã nảy sinh nhiều hệ lụy. Theo đó, phải đưa vào luật, thời điểm cụ thể ngành Điện cạnh tranh thực sự. Nhiều ý kiến cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm ngành Công thương, nếu đến lộ trình quy định mà vẫn để EVN độc quyền thì phải chịu trách nhiệm. Các ý kiến khẳng định, đã đến lúc chúng ta phải quy định trách nhiệm, cơ chế xử lý chứ không thể nói chung chung!

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) khẳng định, chừng nào chưa có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không thể không định giá. Thời gian qua, ngành Điện liên tục kiến nghị Chính phủ tăng giá điện và Chính phủ đã có lộ trình tăng giá. Giả sử quy định giá bán lẻ để cho ngành Điện thì chắc chắn sẽ có một giá hoàn toàn không có lợi cho người tiêu dùng, rất phức tạp.

* Người giảng dạy pháp luật được làm luật sư

Điểm a, Khoản 4, Điều 17 dự thảo Luật Luật sư quy định: “Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư: Đang là cán bộ, công chức, viên chức, trừ viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật...”. Đây là vấn đề khiến đại biểu Quốc hội còn nhiều ý kiến tranh luận trong phiên thảo luận ở tổ. Về vấn đề này, hiện nổi lên 3 loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, không nên cho phép viên chức hành nghề luật sư bởi điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của hoạt động luật sư, tạo ra một bộ phận luật sư - viên chức không chuyên tâm vào công việc. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, để phát triển số lượng luật sư đến năm 2020 lên 18.000 - 20.000 như mục tiêu, cần cho phép viên chức có đủ điều kiện theo quy định được hành nghề luật sư. Loại ý kiến thứ ba đồng tình với dự thảo luật là nên cho phép những người là viên chức đang giảng dạy luật được làm luật sư.

* Hợp tác xã: Là một loại hình doanh nghiệp hay tổ chức kinh tế?

Thảo luận ở tổ chiều 6/6 về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), có hai nhóm ý kiến tranh luận về bản chất mô hình hợp tác xã. Ý kiến thứ nhất cho rằng hợp tác xã là một tổ chức kinh tế do thành viên lập ra nhằm mục đích hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó giúp thành viên cải thiện hoạt động kinh tế, thu nhập, nâng cao mức sống của thành viên. Trong khi đó, ý kiến thứ hai cho rằng, đã cùng nhau góp vốn, góp sức, sản xuất kinh doanh thì bản chất không khác gì doanh nghiệp, đề nghị giữ nguyên khái niệm về hợp tác xã như quy định hiện hành của Luật Hợp tác xã năm 2003: “Hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp”, tức được cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho thị trường, không giới hạn tỷ lệ và không ràng buộc phải ưu tiên phục vụ thành viên và thành viên có quyền lựa chọn sử dụng sản phẩm, dịch vụ của các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ khác

Trường Quý
.
.
.