Quân đội nhân dân, Công an nhân dân hiệp đồng chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn của Tổ quốc sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng

Thứ Ba, 28/04/2015, 07:30
Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân 1975, quân và dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tuy vậy, lợi dụng tình hình đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, phải đối mặt với bao khó khăn, thử thách, các thế lực phản động và thù địch đã đẩy mạnh âm mưu phá hoại sự nghiệp xây dựng đất nước, thành quả cách mạng mà nhân dân ta phải mất biết bao máu xương mới giành lại được. 

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phát huy truyền thống đoàn kết hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ, giành được nhiều kết quả quan trọng trong cuộc đấu tranh chống kế hoạch “hậu chiến của địch”, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền quốc gia.

Ngay sau giải phóng đất nước, lực lượng Quân đội và Công an đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong việc thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với những người phục vụ trong Quân đội và chính quyền của chế độ Việt Nam Cộng hòa, đảm bảo hòa hợp dân tộc, đồng thời ngăn ngừa để họ không bị các thế lực thù địch mua chuộc, lợi dụng chống phá cách mạng, đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quân quản các cấp, Quân đội nhân dân đã phối hợp với Công an nhân dân tiến hành kêu gọi, vận động hơn một triệu người của chế độ Việt Nam Cộng hòa lần lượt ra trình diện, giao nộp vũ khí, tài liệu cho cách mạng.(1)

Qua đó, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã thu hồi được nhiều tài liệu, vũ khí. Bộ Nội vụ lập kế hoạch Z6, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành phân loại để giáo dục, cải tạo, góp phần phân hóa lực lượng phản cách mạng, cô lập những đối tượng cầm đầu ngoan cố, đập tan luận điệu chiến tranh tâm lý “sẽ có cuộc tắm máu ở miền Nam sau ngày giải phóng” của các thế lực thù địch.

Lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tham gia bảo vệ mít tinh chào mừng Ngày giải phóng miền Nam 30-4-1975.

Dù đã thất bại nhưng các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng nước ta, chúng tìm mọi cách kích động một bộ phận nhân dân bí mật vượt biên trái phép ra nước ngoài, các ổ, nhóm điệp báo trong “kế hoạch hậu chiến” được cài cắm khắp nơi. Bên cạnh đó, số sĩ quan của chế độ cũ do nặng hận thù với cách mạng đã cự tuyệt ra trình diện và lập hơn 500 toán vũ trang, nhen nhóm trên 1.000 tổ chức phản cách mạng hoạt động chống phá chính quyền, gây mất trật tự an toàn xã hội. Chúng mưu toan tiến hành bạo loạn lật đổ, biểu tình trong các dịp lễ, Tết, gây mất ổn định chính trị ở nhiều địa phương, tạo cớ cho nước ngoài can thiệp...

Trước tình hình đó, thực hiện chủ trương của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 24, Khóa III (tháng 9/1975) về “Tiếp tục truy quét tàn quân địch, các lực lượng phản cách mạng hiện hành, sẵn sàng đập tan mọi hành động bạo loạn, phá hoại chống đối của chúng”, “làm kiên quyết đúng chính sách và sách lược”(2), lực lượng của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, sát cánh bên nhau, phá vỡ nhiều tổ chức phản động, kịp thời ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn phá hoại của chúng.

Tháng 7/1975, lực lượng An ninh Quân đội kết hợp với lực lượng Công an nhân dân đã kịp thời khám phá và đập tan “Kế hoạch Hải Triều” do Võ Tám, một sĩ quan cảnh sát chế độ Việt Nam Cộng hòa cầm đầu, âm mưu tấn công vào Thị ủy Quy Nhơn. Trong năm 1975, trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, lực lượng Quân đội, Công an đã phối hợp phá 312 nhóm phản động lớn nhỏ, bắt 4.323 đối tượng cầm đầu, cốt cán. Trên địa bàn các tỉnh, Quân đội và Công an đã bắt 4.513 tên, thu 915 súng các loại, 153kg chất nổ, 9,5 tấn tài liệu(3) có nội dung tuyên truyền chống phá.

Đặc biệt, từ tháng 12/1975 đến tháng 2/1976, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã phối hợp với lực lượng Công an nhân dân truy quét tổ chức phản động mang tên “Lực lượng nhân dân vũ trang phục quốc Việt Nam” do Trần Học Hiệu cầm đầu, hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định và có chi nhánh ở nhiều tỉnh Nam Bộ, với âm mưu lập nên “Đệ tam cộng hòa”, bắt 485 tên, thu nhiều tài liệu và vũ khí, triệt phá “Đài phát thanh” của chúng đặt ở Biên Hòa, bộ phận in tiền giả ở nhà thờ Vinh Sơn.

Tại tỉnh Trà Vinh, trong hai ngày 16 và 17/11/1976, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời dập tắt âm mưu bạo loạn của bọn phản động lợi dụng đồng bào dân tộc Khmer, bắt 979 đối tượng, thu 154 súng các loại. Tại Vũng Tàu - Côn Đảo, lực lượng An ninh Quân đội và Công an đã mở 5 đợt truy quét tàn quân địch, bắt 118 tên. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa hai lực lượng còn phá được những tổ chức phản cách mạng có quy mô lớn như “Mặt trận thống nhất toàn lực quốc gia” do một số sĩ quan chế độ Sài Gòn theo đạo Hòa Hảo lập nên; “Lực lượng dân quân phục quốc” do Nguyễn Việt Hưng cầm đầu...

Những chiến công đó đã góp phần giữ vững chính quyền cách mạng sau ngày miền Nam giải phóng, củng cố niềm tin của nhân dân vào chính quyền cách mạng; đồng thời đập tan mọi âm mưu gây bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, bước đầu làm thất bại “kế hoạch hậu chiến” của chúng…

Bên cạnh việc phối hợp hoạt động giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, Quân đội còn tăng cường bổ sung cho Công an hơn 6.000 cán bộ, chiến sĩ.(4) Được tôi luyện trong chiến tranh, nhiều đồng chí cán bộ Quân đội đã có hàng chục năm công tác trên các địa bàn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm nên đã phát huy hiệu quả trong công tác, trở thành nguồn cán bộ quan trọng cho lực lượng Công an, đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo vệ an ninh, trật tự xã hội trước mắt cũng như lâu dài.

Thành công của công tác bảo đảm an ninh trật tự, phá tan âm mưu chia rẽ,  gây mất ổn định chính trị xã hội, hòng tiến tới lật đổ chính quyền cách mạng của các thế lực thù địch trong và ngoài nước là chiến công chung của toàn dân, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đóng vai trò nòng cốt. Sự kết hợp chặt chẽ, hiệp đồng cụ thể của hai lực lượng đã tạo nên sức mạnh to lớn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, phá vỡ âm mưu của các thế lực phản động. Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ IV (12/1976) khẳng định: Trong thời gian qua, trên lĩnh vực an ninh chính trị và trật tự xã hội của chúng ta đã đạt được những thành tích to lớn chống lại những âm mưu thâm độc của bọn đế quốc,... chống lại những hoạt động phá hoại của gián điệp và phần tử phản cách mạng khác.

 Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự phối hợp giữa Quân đội và Công an đã tạo nên sức mạnh to lớn, đập tan âm mưu gây chia rẽ, làm mất ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần to lớn vào việc bảo đảm sự toàn vẹn đất nước. Thành công đó đã để lại những bài học còn nguyên giá trị cho giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang phải đối phó với sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Quân đội nhân dân và Công an nhân dân có vai trò rất quan trọng. Để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới của cách mạng, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tập trung làm tốt các vấn đề cơ bản sau:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã chỉ rõ: “Tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu, thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an nhân dân với Quân đội nhân dân và các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần phối hợp hiệu quả trong xây dựng lực lượng và đào tạo cán bộ, chú trọng nâng cao phẩm chất, bản lĩnh cách mạng, trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu, hành động phá hoại, đặc biệt là hoạt động phá hoại nội bộ, gây chia rẽ giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân của các thế lực thù địch; kiên quyết đập tan mưu đồ “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; phối hợp phát triển công nghiệp quốc phòng - an ninh; tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang có được trang bị hiện đại; nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng vũ khí, khí tài trong biên chế. Xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân làm tốt vai trò nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Hai là, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh.

Trong mọi thời điểm, sự phối hợp giữa Quân đội nhân dân với Công an nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và quản lý, điều hành của Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và nhân dân, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Bởi vậy, cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cần phải tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đối với lực lượng Quân đội và Công an trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải thường xuyên nêu cao truyền thống đoàn kết, hiệp đồng phối hợp chiến đấu giữa hai lực lượng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về ý nghĩa, tầm quan trọng và những nhiệm vụ của công tác phối hợp giữa hai lực lượng, đó là yêu cầu khách quan, cội nguồn sức mạnh trong thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Ba là, tăng cường công tác trao đổi thông tin, dự báo sớm tình hình; tích cực, chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.

Trên tinh thần chủ động ngăn chặn, phòng ngừa, Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục tăng cường công tác trao đổi thông tin, đẩy mạnh nghiên cứu, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực và trong nước; chủ động phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực phản động, thù địch, kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước có giải pháp phù hợp, không để bị động, bất ngờ, đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền trong mọi tình huống. Phối hợp tham mưu với cấp ủy, chính quyền để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp với các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong cả nước triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ việc xây dựng, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân với thế trận an ninh nhân dân. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là hai lực lượng tích cực vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên từng địa bàn, địa phương và cả nước, nhất là tại các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng biên giới, hải đảo,  vùng đồng bào dân tộc, khu công nghiệp, khu đông dân cư.

Bốn là, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ trong việc quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Quyết định và Nghị định của Thủ tướng Chính phủ về phối hợp giữa hai lực lượng.

Hai bên cần tăng cường triển khai có hiệu quả Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới” và Nghị định 77/2010/NĐ-CP “Về phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”. Đồng thời, nêu cao tính chủ động, sáng tạo trong quan hệ phối hợp giữa đơn vị các cấp trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân nhằm phát huy sức mạnh của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Năm là, tăng cường diễn tập, sẵn sàng ứng phó, xử lý và giải quyết tốt các vấn đề khi có tình huống xảy ra.

Đoàn kết, hiệp đồng, phối hợp chiến đấu giữa Quân đội nhân dân và Công an nhân dân là yêu cầu khách quan, là vấn đề có tính quy luật, đã trở thành truyền thống, cội nguồn sức mạnh chiến thắng của hai lực lượng. Nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đòi hỏi phải thường xuyên giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng với Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Quân đội nhân dân và Công an nhân dân phải thường xuyên bám sát nhiệm vụ của đất nước, nắm vững âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, tăng cường sức mạnh, phát huy truyền thống đoàn kết, thắt chặt mối quan hệ phối hợp, hiệp đồng tác chiến, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới, xứng đáng với lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của vô sản chuyên chính. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau...”.(5)

______________________________________

(1): Đã có 1.036.181 người trong tổng số 1.493.492 người phục vụ trong quân đội và hệ thống chính trị của chế độ Việt Nam Cộng hòa ra đăng ký, trình diện chính quyền cách mạng (Tổng kết và Phụ lục tổng kết lịch sử công tác tập trung cải tạo đối tượng xâm phạm an ninh quốc gia, Tài liệu lưu Viện Lịch sử Công an, tr 67).

(2): Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 36, Nxb CTQG, Hà Nội, 2004, tr.400, 412.

(3): Tổng kết về thành tích 10 năm đấu tranh chống phản động của Phòng PA16, Công an thành phố Hồ Chí Minh, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Công an, tr 84.

(4): Tăng cường lực lượng An ninh cho miền Nam sau ngày giải phóng. Tạp chí Lịch sử quân sự, số 3/2005, tr 12.

(5): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, HN, 2009, tr 403.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch-Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam
.
.
.