Phát hiện 934 tỷ đồng dự án xây dựng cơ bản bị khai khống
Ngày 19/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, thông qua việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý đầu tư xây dựng cơ bản đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai khá đồng bộ, trong đó các biện pháp thẩm định dự toán, tổ chức đấu thầu, quyết toán công trình được thực hiện trong năm 2006 vẫn là các biện pháp chủ đạo.
Từ đầu năm 2007 đến nay, thông qua đấu thầu, thẩm tra dự toán đã cắt giảm được 493,7 tỷ đồng, trong đó đã thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước 321,7 tỷ đồng tiền quyết toán trái quy định.
Cụ thể, Bộ Công an thông qua đấu thầu, thẩm tra quyết toán đã giảm chi cho ngân sách 1,97 tỷ đồng; Bộ Quốc phòng thẩm tra, giảm giá trị quyết toán các dự án, công trình được 6,6 tỷ đồng; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiết kiệm được 69,4 tỷ đồng…
Một số địa phương cũng đã cắt giảm được một số khoản chi như Bắc Ninh tiết kiệm thông qua đấu thầu trên 2 tỷ đồng, tiết kiệm thông qua thẩm tra dự toán công trình gần 3 tỷ đồng; tỉnh Phú Thọ thẩm tra quyết toán công trình giảm được hơn 1 tỷ đồng; TP Hồ Chí Minh qua đấu thầu tiết kiệm được trên 170 tỷ đồng…
Bộ Tài chính cũng cho biết, qua rà soát, giám sát, đánh giá lại các dự án đầu tư đã tiến hành đình chỉ, huỷ bỏ dự án không hiệu quả, chậm tiến độ, gây lãng phí trong xây dựng cơ bản.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huỷ bỏ 3 dự án, tỉnh Quảng Ngãi huỷ bỏ 1 dự án, Bình Định huỷ bỏ 1 dự án, Vĩnh Phúc đình chỉ 7 dự án, TP Hồ Chí Minh giám sát, đánh giá lại 36 dự án và đã đình chỉ 2 dự án có số tiền đầu tư 43 tỷ đồng, xử lý đình chỉ hoạt động 5 cá nhân, 10 đơn vị tư vấn vi phạm về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Mặc dù vậy, Bộ Tài chính vẫn cho rằng, tình trạng lãng phí trong xây dựng cơ bản vẫn phổ biến, thất thoát lớn, nhiều dự án kém hiệu quả vẫn chưa được đình chỉ, huỷ bỏ.
Tỉnh Thừa Thiên - Huế có 67 dự án bố trí vốn và phải kết thúc thi công từ năm 2005, 2006 nhưng đến thời điểm hiện hành vẫn giẫm chân, bỏ dở, các hạng mục rơi vào tình trạng đắp chiếu.
Tỉnh Sóc Trăng trong năm 2007 kế hoạch đặt ra thực hiện 618 công trình, dự án, trong đó cấp tỉnh quản lý 64 công trình nhưng đến nay mới chỉ có 49 công trình được khởi công, nhiều công trình hiện chưa được triển khai gây lãng phí, thất thoát tài sản lớn của Nhà nước.
Tiến độ giải ngân các dự án vẫn còn chậm, còn quá nhiều nhiêu khê. Các dự án đầu tư từ vốn trái phiếu Chính phủ, các tháng đầu năm mới giải ngân được 3.489 tỷ đồng, tức mới chỉ bằng 22% kế hoạch năm.
Công tác quản lý công trình, nghiệm thu, thanh quyết toán còn nhiều sai phạm, nhiều dự án đầu tư nghiệm thu thanh toán tăng sai chế độ, vi phạm thủ tục đầu tư vẫn phổ biến.
9 tháng đầu năm, thanh tra Bộ Tài chính kiến nghị giảm trừ dự toán công trình xây dựng cơ bản 942 tỷ đồng, cắt giảm giá trị thanh, quyết toán vốn đầu tư 75,1 tỷ đồng.
Cụ thể, những sai phạm nổi cộm như khảo sát, thiết kế thiếu chính xác, lập, thẩm định, phê duyệt dự toán chưa đúng, khai khống làm tăng so với chế độ 934 tỷ đồng, kê khai thiếu thuế các loại với số tiền 2,7 tỷ đồng, nghiệm thu, thanh toán khối lượng sai, cắt giảm khối lượng thanh, quyết toán 54,9 tỷ đồng. Thanh tra Sở Tài chính các địa phương kiến nghị xử lý 124,6 tỷ đồng…
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, không ít bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch tiết kiệm, chống lãng phí trong xây dựng cơ bản không phù hợp năng lực thực tế hoặc quyết định, phê duyệt các dự án đầu tư thiếu khả thi, kém hiệu quả dẫn tới lãng phí, nhiều dự án bị đình chỉ, huỷ bỏ, tiến độ giải ngân chậm. Các văn bản hướng dẫn trong vấn đề này còn chồng chéo…
Đáng chú ý, xây dựng cơ bản được xác định là lĩnh vực trọng tâm của Chính phủ trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là sau khi Luật Đấu thầu và hàng loạt văn bản pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản được ban hành.
Điều này cho thấy thất thoát trong lĩnh vực này vẫn chưa có biện pháp mạnh ngăn chặn do không ít người còn coi đây là cơ hội kiếm chác, làm ăn