Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh:

Nên rộng tay hơn nữa trong bổ nhiệm cán bộ

Thứ Ba, 14/11/2017, 15:37
Trao đổi với PV bên lề Quốc hội về những đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng nên mạnh tay hơn trong chính sách cán bộ, không nhất thiết phải tuân theo tất cả các quy trình bổ nhiệm thông thường.

PV: Ông có quan điểm gì về đề xuất cơ chế đặc thù cho TP Hồ Chí Minh? Ông có bị thuyết phục bởi những lý do TP đưa ra không?

Ông Vũ Hồng Thanh: TP HCM có vị trí rất đặc biệt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong những năm vừa qua - có mức tăng trưởng rất cao so với trung bình của cả nước, khoảng 1,5 – 1,6 lần; đóng góp 21% GDP, 28% thu ngân sách; nhưng so với vị trí đặc thù, những lợi thế vốn có, với vai trò đầu tàu, thì thời gian vừa qua, TP HCM cũng đã tăng trưởng chậm lại. Để có sự đóng góp của TP HCM với đất nước cũng như sự quan tâm của đất nước với TP HCM thì có một cơ chế đặc thù, đột phá để khai thác tiềm năng lợi thế của TP HCM cũng là cần thiết.

PV: Khó khăn lớn nhất hiện nay khi tạo cơ chế đặc thù cho TP HCM là gì?

Ông Vũ Hồng Thanh: Khó khăn nhất là nguồn lực cho phát triển chúng ta đang thiếu và thách thức phải đưa ra các cơ chế, chính sách đột phá là nguồn lực tạo điều kiện cho sự phát triển của TP. Ví dụ đất đai, cùng một diện tích, đất của TP HCM có thể tạo ra giá trị gia tăng cao hơn các địa phương khác, thì cho phép TP chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa thành đất dịch vụ là một việc rất cần thiết. Cần có đặc thù cho TP HCM về vấn đề này.

PV: Hiện “trần” cho việc tạo cơ chế đặc thù với TP là có thể khác với quy định của pháp luật hiện hành, nhưng đảm bảo không trái Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã cam kết hoặc là thành viên. Theo ông, với dư địa như vậy, những chính sách nào có thể đặt ra để tháo gỡ cho TP HCM?

Ông Vũ Hồng Thanh: Một trong những nguyên tắc rất quan trọng là đặc thù gì thì đặc thù nhưng không được trái Hiến pháp, không được trái các điều ước quốc tế mà Việt nam đã tham gia. Trên nguyên tắc này, có thể cho phép TP HCM phê duyệt các dự án nhóm A trước đây thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng để đơn giản thủ tục hơn cho thực hiện dự án hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Các mức phí, lệ phí rất đặc thù hoàn toàn có thể giao thẩm quyền cho TP quyết định. 

Có thể nghiên cứu một số thuế tài sản. Vấn đề này báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cũng đã đặt vấn đề giao Chính phủ sớm trình Quốc hội luật thuế tài sản và cho phép thí điểm trước hết ở TP HCM. 

Câu chuyện thuế tài sản sẽ cần đánh giá tác động rõ ràng hơn để đưa ra mức thuế, đối tượng áp dụng cũng như phương pháp tính thuế để vẫn có nguồn thu nhưng không làm giảm đi yếu tố cạnh tranh của TP so với địa bàn khác.

Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh

PV: Có 2 điểm quan trọng trong cơ chế đặc thù lần này mà TP HCM đang đề xuất là tăng thu nhập cho công chức, viên chức và tăng tỷ lệ ngân sách để lại. Ông có quan điểm thế nào về 2 vấn đề này?

Ông Vũ Hồng Thanh: Cơ chế cho phép nâng thu nhập cho cán bộ, công chức của TP tôi rất ủng hộ, vì khối lượng công việc của họ rất lớn so với địa bàn khác, tăng thu nhập là cần thiết để tạo động lực cho cán bộ, công chức, tránh sách nhiễu. Cơ chế là vẫn bảo đảm mức lương cơ sở như cả nước, nhưng có tỷ lệ điều tiết để nâng cao thu nhập. 

Còn việc ngân sách để lại thì cũng như đất đai, để có dư địa cho TP sử dụng nguồn lực để phát triển. Về tỷ lệ dư nợ vay cao hơn, thì khả năng trả nợ của TP HCM theo chúng tôi nghĩ cũng rất cao. Vấn đề là sử dụng nguồn lực tài chính đó làm sao cho hiệu quả thì sự phát triển của TPHCM cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

PV: Ông vừa nói đến cơ chế động lực để thu hút nhân tài cho TP, nhưng cũng có ý kiến cho rằng lương thôi chưa đủ, mà cần có cơ chế để lựa chọn nhân tài – có thể không tuân thủ theo quy trình bổ nhiệm, sắp xếp như hiện nay. Từ quan điểm của ông thì có thể “rộng tay” đến như vậy không?

Ông Vũ Hồng Thanh: Theo tôi, cũng phải rộng tay hơn nữa, vì chính quyền đô thị khác chính quyền nông thôn, chính quyền đặc khu cũng rất khác. Ví dụ quy định của Chính phủ là một địa phương có bao nhiêu sở, ngành; nhưng TP HCM có thể nhiều hơn, ít hơn, giao cho TP tự chủ sắp xếp bộ máy của mình để công việc hiệu quả hơn.

PV: Cũng có ý kiến cho rằng TP HCM hoàn toàn có thể trở thành một phòng thử nghiệm thể chế tốt, ngoài các đặc khu. Theo ông, với các đề xuất đặc thù này thì có hướng được đến mục đích đó không?

Ông Vũ Hồng Thanh: TP HCM cũng là một mục tiêu thí điểm, nếu thành công có thể nhân rộng, trước mắt là với các đô thị.

PV: Nhưng dường như các đề xuất của TP lại chưa tạo ra khác biệt nhiều lắm với cơ chế hiện nay, ngoài vấn đề ngân sách?

Ông Vũ Hồng Thanh: Theo quan điểm của chúng tôi thì cũng đã có những đột phá. Tất nhiên, trong quá trình nghiên cứu, cho ý kiến thì các đại biểu Quốc hội có thể đóng góp thêm, miễn là không trái Hiến pháp, không trái điều ước quốc tế, còn Nghị quyết đặc thù cho TP HCM có thể đưa ra các chính sách khác các chính sách Chính phủ đang đề xuất.

PV: Vài năm trở lại đây, TP HCM đã nhiều lần đề cập đến chính quyền đô thị và mong mỏi được thử nghiệm điều này, nhưng trong đề xuất lần này lại không nhắc đến. Ông có cho rằng đây là điều đáng tiếc?

Ông Vũ Hồng Thanh: Tôi cũng suy nghĩ như vậy. Chính quyền đô thị là mt đề án mà TP HCM vẫn ấp ủ nhiều năm nay, nhưng lần này chưa thấy nhắc đến, mà mới nói đến sắp xếp bộ máy, hay rất đơn giản là đổi tên các phòng chức năng. Tôi cho rằng TP hoàn toàn có thể mạnh mẽ hơn trong tổ chức bộ máy, thực hiện tinh thần Nghị quyết TW 6.

PV: Theo ông, sẽ phải xử lý thế nào nếu Hà Nội và một số địa phương khác cũng muốn đặc thù?

Ông Vũ Hồng Thanh: Hà Nội đã có Luật Thủ đô còn mạnh hơn đặc thù với TP HCM. Vừa rồi, Bô Chính trị cũng đã cho ý kiến là dư địa trong Luật Thủ đô còn rất nhiều, chưa cần chính sách gì cho Hà Nội. Còn các địa phương khác thì Quốc hội đang cho ý kiến về 3 đặc khu. Nếu đặc biệt nhiều quá thì không còn đặc biệt nữa. Nguồn lực có hạn, chúng ta phải tập trung vào những nơi nào có thể đóng góp cho đất nước nói chung.

PV: Xin cảm ơn ông!

V.H
.
.
.