Nâng thời hạn nghĩa vụ quân sự lên 24 tháng
Sau nhiều năm triển khai thực hiện, Luật Nghĩa vụ quân sự đã đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển của đất nước và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, một số quy định không còn phù hợp thực tiễn, gây khó khăn trong tổ chức thực hiện. “Để đáp ứng yêu cầu xây dựng quân đội trong tình hình mới, bảo đảm cho công dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc theo quy định của Hiến pháp, đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, việc sửa đổi Luật Nghĩa vụ quân sự là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho ý kiến. Đa số đại biểu đều đồng tình với việc ban hành Luật Nghĩa vụ quân sự sửa đổi, gồm 8 chương và 60 điều. Đại biểu cho rằng Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”.
Nói về tính kỷ luật, sự hy sinh, đại biểu Trần Hữu Tuất (Nghệ An) phân tích: Quân đội là lực lượng được giao quản lý các loại vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự và có chức năng tiến hành các hoạt động quân sự để bảo vệ Tổ quốc. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tác chiến và phòng thủ đất nước, quân đội phải được tổ chức chặt chẽ, có kỷ luật nghiêm minh. Việc phục vụ tại ngũ trong quân đội là lao động đặc biệt, đòi hỏi công dân phải chịu đựng mọi khó khăn, gian khổ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, để đảm bảo bình đẳng về địa vị pháp lý đối với công dân, dự án Luật đã bổ sung quy định việc công nhận như thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình đối với các đối tượng là: Công dân phục vụ trong lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, công dân đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân, dân quân tự vệ. Dự án Luật đã bổ sung, quy định cụ thể về nơi đăng ký, quản lý công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự được tiến hành tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã và tại cơ quan, tổ chức. Việc đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân đủ mười bảy tuổi trong năm phải được thực hiện tại Ban Chỉ huy quân sự cấp xã nơi công dân cư trú và bổ sung quy định việc đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung được thực hiện vào tháng tư hằng năm.
Cho ý kiến về thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ, đại biểu Phạm Hồng Hương (Hải Dương) cho rằng, luật hiện hành quy định thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là mười tám tháng chưa đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong giai đoạn cách mạng mới. Đồng tình với ý kiến trên, đa số các đại biểu thống nhất quan điểm, Quân đội đang từng bước được hiện đại. Mặt khác, phương thức, thủ đoạn tác chiến của đối phương ở thời điểm hiện nay và trong tương lai ngày càng tinh vi, khó lường, sử dụng nhiều loại vũ khí thông minh, có khả năng sát thương cao. Do đó, để giảm mức độ tổn thất về con người và vũ khí, trang bị khi tác chiến xảy ra, đòi hỏi bộ đội phải có thời gian huấn luyện nhiều hơn để nâng cao trình độ. Nếu thực hiện tại ngũ mười tám tháng như hiện nay thì chỉ đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu đến cấp phân đội, không đảm bảo được thời gian huấn luyện chiến đấu ở cấp cao hơn vì không đủ thời gian để tổ chức huấn luyện, hợp luyện cho bộ đội... Vì vậy, để bảo đảm đủ thời gian huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, giáo dục chính trị, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân, kỹ năng khai thác và sử dụng thành thạo các loại vũ khí, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở và giảm chi phí ngân sách, thời gian huấn luyện nâng cao chất lượng quân nhân dự bị, đa số các đại biểu đồng tình với dự án Luật quy định thống nhất thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan và binh sĩ là hai bốn tháng.
Về độ tuổi gọi nhập ngũ, các đại biểu cho rằng Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định độ tuổi gọi công dân nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai lăm tuổi nên hằng năm tỷ lệ công dân có trình độ đại học trở lên tham gia thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ thấp. Vì phần lớn công dân khi hoàn thành chương trình đại học đã bước vào tuổi hai lăm, có một số ngành học khi hoàn thành chương trình đại học thì công dân đã hết độ tuổi gọi nhập ngũ. Mặt khác, số công dân đã hoàn thành chương trình đại học hệ chính quy nhưng không thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ (do hết độ tuổi), thì lại được Nhà nước ưu tiên cho tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ để học tập. Trong khi đó, những công dân không có điều kiện hoặc chưa có điều kiện để tham gia học tập chương trình đào tạo đại học hệ chính quy ngay từ khi đủ mười tám tuổi lại phải thực hiện nghĩa vụ phục vụ tại ngũ đã phần nào tạo ra sự không công bằng giữa các công dân trong thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đại biểu Nguyễn Văn Rinh đề nghị, ngoài việc quy định: “Công dân nam đủ mười tám tuổi được gọi nhập ngũ, độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình từ đủ mười tám tuổi đến hết hai lăm tuổi”, cũng nên bổ sung quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ trong thời bình đối với công dân học chương trình đào tạo đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ đến hết hai bảy tuổi. Chỉ tạm hoãn đối với đối tượng là học sinh phổ thông, sinh viên đào tạo đại học chính quy. Đối với học sinh đang học phổ thông, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy trong hệ thống giáo dục quốc dân sau khi tốt nghiệp sẽ được gọi nhập ngũ.
Không quy định số lượng các bộ trong Luật Tổ chức Chính phủ Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi. Dự thảo luật quy định vị trí chức năng của Chính phủ theo đúng quy định tại Điều 24 Hiến pháp. Cụ thể: “Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước”. Về tổ chức của Chính phủ, dự thảo luật không quy định cụ thể số lượng và tên gọi của bộ, cơ quan ngang bộ trong cơ cấu tổ chức của Chính phủ, chỉ quy định có tính nguyên tắc về cơ cấu tổ chức của Chính phủ, bao gồm: Bộ, cơ quan ngang bộ. Về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo luật quy định chi tiết và đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Hiến pháp năm 2013. Cụ thể hóa một số nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định rõ vai trò của Thủ tướng Chính phủ với tư cách là người đứng đầu Chính phủ và là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chủ động lãnh đạo Chính phủ khởi xướng, hoạch định kịp thời cơ chế, chính sách, đề xuất xây dựng thể chế pháp luật, quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước theo thẩm quyền, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt của nền hành chính. Về Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, căn cứ quy định của Hiến pháp, dự thảo luật đã quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Bao gồm: quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với tư cách là thành viên Chính phủ có nhiệm vụ chủ động tham gia có hiệu quả vào hoạt động của tập thể Chính phủ và chịu trách nhiệm trước tập thể Chính phủ về các nhiệm vụ được phân công với tư cách là người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước. Dự thảo luật đã quy định về bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng bỏ chức năng thực hiện đại diện chủ sở hữu phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ. Quy định cơ quan thuộc Chính phủ là tổ chức sự nghiệp công lập, thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp các dịch vụ công quan trọng, thiết yếu phục vụ nhân dân, không có chức năng quản lý nhà nước và chịu sự quản lý nhà nước của các bộ, cơ quan ngang bộ theo ngành, lĩnh vực… Đa số các ý kiến đề nghị không quy định cụ thể tên gọi và số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ, mà chỉ quy định có tính nguyên tắc... KQ - VH |