Mả chiêu hồn cho những người lính Hoàng Sa

Thứ Sáu, 24/04/2009, 08:39
Dân gian thường dùng từ "mộ gió" để nói đến những ngôi mộ không xác người. Ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) - nơi đã có cả ngàn người con ưu tú đi làm công vụ cho triều đình ở quần đảo Hoàng Sa, đi bộ đội đánh Mỹ và đi biển… không trở về, người dân đã lập "mả chiêu hồn" nhang khói quanh năm. Mả chiêu hồn - cái tên nghe rất đặc biệt, một tập tục rất độc đáo của người dân huyện đảo Lý Sơn...

Những mả chiêu hồn đầu tiên trên đảo - của lính đội Hoàng Sa

"Hoàng Sa đi có về không/Lệnh vua sai phải quyết lòng ra đi", dù biết là đi vào cõi chết nhưng nhiệm vụ phải tuân theo, cứ đến cuối tháng hai hằng năm, 70 ngư dân lại nhằm hướng Hoàng Sa thẳng tiến. Gia đình, họ mạc làm lễ "khao lề thế lính Hoàng Sa" vừa là lễ tiễn đưa, vừa là tế sống, vừa là để tế những người đã chết, vừa để thể hiện mong ước người thân của mình sẽ trở về nên cúng tế trời đất, làm hình nhân thế mạng, đưa vào thuyền giấy thả ra khơi...

Qua 3 tháng không tin tức báo về quê nhà, mẹ, vợ, bà con nuốt nước mắt lên núi Giếng Tiền lấy đất sét nặn pho tượng giống dáng hình anh như tạc và gọi hồn anh về với biển đảo quê hương. Lẫn trong những luống tỏi, trên những bãi cát trắng, sát bên những lối đi là những ngôi mả chiêu hồn.

Nơi "yên nghỉ" của những người lính Hoàng Sa.

Trong hàng trăm ngôi mả chiêu hồn, có một ngôi mả khá đặc biệt - nơi "yên nghỉ" của Suất đội, Chánh đội trưởng thủy quân Phạm Hữu Nhật (1804 - 1854) nằm giữa bạt ngàn đồng ngô xanh mướt. Trên tấm bia do Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã lập nêu rõ: "Chính sử triều Nguyễn như: Đại Nam thực lục chính biên, Quốc triều chính biên toát yếu, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ cùng Châu bản đều ghi rất rõ vào năm Minh Mạng thứ 17 (Bính Thân - 1836), Phạm Hữu Nhật đã đưa binh thuyền đi xem xét, đo đạc, cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa. Cũng từ đây trở thành lệ hằng năm. Trên mỗi binh thuyền đều mang theo 10 cái bài gỗ dựng làm dấu mốc. Mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt bài gỗ khắc những dòng chữ: Minh Mạng thập thất niên Bính Thân thủy quân Chánh đội trưởng suất đội Phạm Hữu Nhật phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu chí đẳng tự…".

Nhưng những ngôi mả chiêu hồn có thể nói là đầu tiên được lập trên đảo là mả của Phạm Quang Ảnh cùng với 24 lính đội Hoàng Sa.

Sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ viết: "Ất Hợi chính nguyệt, khiến Hoàng Sa đội Phạm Quang Ảnh đặng vãng Hoàng Sa thám độ thủy trình", nghĩa là: "Tháng Giêng năm Ất Hợi (1815), sai đội trưởng Phạm Quang Ảnh và đội Hoàng Sa đến Hoàng Sa để xem xét, đo đạc thủy trình".

Đến năm 1816, vua Gia Long lại tiếp tục sai Phạm Quang Ảnh ra Hoàng Sa: "Bính Tý Gia Long thập nhất niên, mệnh thủy quân cập Hoàng Sa đội thừa quyền vãng Hoàng Sa khám đạc thủy trình" (Đại Nam thực lục chính biên đệ nhất kỷ). Các tài liệu về sau không nhắc đến Phạm Quang Ảnh nữa, các nhà sử học tin rằng, ông đã hi sinh khi làm nhiệm vụ và tên ông được đặt cho một hòn đảo ở Hoàng Sa mang tên: Quang Ảnh...

Đưa người chết trở về đất mẹ

Cụ Võ Văn Toại, người có thâm niên nặn hình nhân đất sét lập mả chiêu hồn trên đảo Lý Sơn nói rằng: Mọi bộ phận của con người, từ mắt, mũi, miệng, tai, đến cả hậu môn, bộ phận sinh dục đều phải đầy đủ như một người thật. Những nét cơ bản của người chết phải được thể hiện rõ trên tượng. Ông dùng tơ tằm làm những sợi gân cho hình nhân. Cành dâu chẻ đôi xếp vào bụng tượng đất làm xương sườn, đàn ông 7 chiếc, đàn bà 9 chiếc xương sườn. Xương sống, xương ống tay, ống chân đều được làm bằng thân cây dâu, rồi nặn lá gan, nặn phổi…

Còn theo ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ đời thứ 6 của Suất đội Chánh đội trưởng thuỷ quân Hoàng Sa Phạm Hữu Nhật, "pho sử" của huyện đảo, lấy đất đỏ bazan ở các ngã ba đường - bởi nơi đó từng in dấu chân của người đã khuất, rồi trộn nhuyễn với lòng đỏ trứng gà nặn thành hình quả tim. Tượng nặn xong được mặc quần áo, đồ liệm giống như người thật... rồi làm lễ chiêu hồn nhập cốt.

Ngày làm lễ chiêu hồn là ngày lành tháng tốt, và vì không biết ngày mất của người đã khuất nên ngày làm lễ chiêu hồn cũng là ngày giỗ. Cúng chiêu hồn xong, linh hồn người chết mất xác đã trở về nhập vào hình nhân để an nghỉ, phù hộ cho những người thân còn sống, quan tài được thả xuống huyệt và lấp đất, đắp mả.

Tùy thuộc vào địa vị của người chết, mả được vun lên thành 1 cấp đối với người chết trẻ, chưa lập gia đình; 2 cấp đối với người đã có vợ, con; 3 cấp là người đã có cháu hoặc có chức sắc trong xã hội, người Lý Sơn gọi là mả tam cấp. Ngày giỗ, người thân ra mả thắp hương, Tết Thanh Minh cũng đi làm cỏ, thắp hương như những ngôi mả khác.

Di tích quốc gia Âm Linh Tự và mộ lính đội Hoàng Sa. Ảnh: V.N.

Người dân đảo Lý Sơn cứ 20/2 âm lịch hàng năm, các gia đình, họ tộc đều tổ chức lễ cúng, đồng thời khao lề thế lính Hoàng Sa và Trường Sa.

Còn cứ 16/3 âm lịch, tức Tết Thanh Minh là tổ chức khao lề thế lính - chiến sĩ trận vong Hoàng Sa và Trường Sa tại Di tích Âm Linh Tự và mộ lính đội Hoàng Sa…

Viết Nam
.
.
.