Lúng túng chuyện kinh phí dạy nghề

Thứ Năm, 29/05/2014, 09:29
Nâng phí lên cao thì người học bỏ cuộc, trong khi ngân sách nhà nước không đủ cấp thêm, dự luật dạy nghề khiến các đại biểu Quốc hội lúng túng không biết gỡ cách nào. Dự luật được Quốc hội thảo luận tại tổ sáng nay, 29/5.

Mặc dù “nằm” ở cuối tờ trình nhưng xem ra mục kinh phí mới là “xương sống” của dự luật dạy nghề mà cơ quan soạn thảo đang muốn gửi một thông điệp kêu khó. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - cơ quan chủ trì soạn thảo giải thích chuyện khó khăn chi phí dạy nghề như sau: Dạy nghề khác với giáo dục phổ thông và giáo dục đại học, ngoài cơ sở vật chất, thiết bị, quá trình dạy nghề đòi hỏi nhiều vật tư, nguyên nhiên vật liệu cho người học thực hành, thực tập, nghĩa là đòi hỏi chi phí rất lớn và chỉ như vậy mới bảo đảm cho người học hình thành và phát triển kỹ năng, đáp ứng yêu cầu từ thực tiễn. Thực tế hiện nay, kinh phí cho dạy nghề rất thấp (kinh phí này từ nguồn thu học phí và kinh phí của Nhà nước cấp), không đủ bảo đảm chi phí cho các hoạt động dạy nghề. Tờ trình viện dẫn, nghề hàn, trình độ cao đẳng, thời gian đào tạo 3 năm, để bảo đảm chất lượng theo yêu cầu thì chi phí dạy nghề là khoảng gần 70 triệu, trong khi kinh phí cho dạy nghề (bao gồm cả học phí và kinh phí Nhà nước cấp) chỉ khoảng 25 triệu).

Đại biểu QH đoàn Cần Thơ, Bến Tre thảo luận tại tổ.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc thu học phí cao của người học sẽ không khả thi, vì đa số người học nghề là đối tượng nghèo, khó khăn không có tiền để nộp học phí cao; việc Nhà nước phải đầu tư lớn cũng là vấn đề khó vì ngân sách hạn hẹp. “Do vậy, những nội dung trên là những vấn đề phức tạp, không thể quy định cụ thể trong Dự thảo Luật, mà cần phải có hướng dẫn, quy định cụ thể hơn nữa, nhất là về nội dung, phương pháp xây dựng mức chi phí dạy nghề theo phương thức tính đúng, tính đủ. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì không thể tạo được sự đột phá về chất lượng dạy nghề. Vì thế, Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về vấn đề này” - tờ trình ghi rõ. 

Dự thảo Luật bổ sung, quy định cụ thể về học phí, lệ phí tuyển sinh và thẩm quyền quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh học nghề như: Cơ sở dạy nghề công lập được quyền tự chủ xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh nằm trong khung học phí, lệ phí tuyển sinh do Chính phủ quy định; cơ sở dạy nghề tư thục, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư nước ngoài được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức thu học phí, lệ phí tuyển sinh theo quy định của pháp luật và cơ sở dạy nghề thực hiện chương trình dạy nghề chất lượng cao được thu học phí tương xứng với chất lượng đào tạo.

Dự luật cũng đổi mới đánh giá, thi, cấp văn bằng, chứng chỉ (sửa đổi, bổ sung Điều 16, 23 và 33a). Đáng chú ý là sửa đổi bỏ thi tốt nghiệp. Việc thi, kiểm tra kết thúc các mô đun, môn học trong chương trình vẫn giữ nguyên. Theo Chính phủ, quy định như vậy vì, chương trình dạy nghề đã được xây dựng theo từng mô đun. Mỗi mô đun tích hợp cả kiến thức và kỹ năng giúp người học sau khi hoàn thành một mô đun có năng lực thực hiện thành thạo một công việc của một nghề. Người học sau khi học xong mỗi mô đun đều phải thi kết thúc mô đun và đạt yêu cầu. Do đó, việc không tổ chức thi tốt nghiệp cuối khóa vẫn đảm bảo để người học đạt được mục tiêu dạy nghề của chương trình đào tạo. Mặt khác, nhiều nước trên thế giới cũng không tổ chức thi tốt nghiệp cuối khóa

Đ.Minh
.
.
.