Luật Báo chí cần có "tuổi thọ dài" trước xu thế phát triển
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh: Trong những năm qua, Luật Báo chí 1989 và Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã tạo hành lang pháp lý cần thiết để thực hiện hoạt động báo chí và quản lý báo chí. Đến nay, cả nước có 838 cơ quan báo chí với 1.111 ấn phẩm báo chí in, 67 đài PTTH trung ương và địa phương, có 92 cơ quan báo chí điện tử, 207 giấy phép trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí. Bên cạnh những ưu điểm, thành tích là chủ yếu, hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí cũng còn những hạn chế, bất cập như: nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa tương xứng; còn chồng chéo về tôn chỉ mục đích, nội dung, đối tượng phục vụ; có xu hướng “thương mại hóa” trong hoạt động báo chí, có hiện tượng tư nhân chi phối báo. Quy trình biên tập, duyệt bài chưa được coi trọng và thực hiện nghiêm túc, một số cơ quan báo chí và nhà báo đưa thông tin thiếu chuẩn xác, thiếu trách nhiệm, thông tin sai nhiều nhưng không cải chính… Đồng chí Trương Minh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo trước Hội nghị Tổng kết 15 năm thi hành Luật Báo chí.
Phóng viên báo chí đang tác nghiệp tại quần đảo Hoàng Sa Ảnh: Trần Huy . |
Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan chủ quản báo chí, lãnh đạo các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã có các phát biểu tham luận nhằm làm rõ các vấn đề, quy định còn tồn tại những bất cập của Luật Báo chí hiện hành. Phần lớn các ý kiến của các đại biểu đều tập trung vào các vấn đề như: quản lý các trang thông tin điện tử, mạng xã hội và blog cá nhân hiện nay cần có những quy định cụ thể, đi kịp với xu hướng hiện nay; có hay không đồng tình với việc để một cơ quan báo chí tích hợp nhiều loại hình báo chí khác nhau; nên có chế tài, quy định xử phạt các cơ quan không thực hiện nhiệm vụ cung cấp thông tin báo chí; tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí làm kinh tế thông qua các lĩnh vực gần với báo chí như truyền thông, xuất bản, PR… Phát biểu tham luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân đã đề xuất một số vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động báo chí đúc rút từ quá trình nghiên cứu cũng như thực tiễn. Thứ nhất là việc quy hoạch hệ thống báo chí nên dựa vào nhu cầu của từng khu vực kết hợp với đòi hỏi của công tác tuyên truyền của các cơ quan ban, ngành, địa phương để tránh tình trạng nhiều sản phẩm báo chí phát thanh truyền hình chỉ tập trung vào các khu vực đô thị. Cũng nên có những quy định rõ các tổ chức xã hội doanh nghiệp nào thì được phép ra báo và tạp chí. Thứ hai, do báo chí truyền thông phát triển mạnh nhất là báo mạng điện tử xã hội đã phát sinh những đòi hỏi mới trong công tác quản lý. Do đó các quy định của Luật Báo chí tới đây cần có sửa đổi, bổ sung để tiếp cận quản lý có hiệu quả nhất và không gây lộn xộn trong thông tin như thời gian vừa qua. Thứ 3, về vấn đề kinh tế báo chí, hiện nay xuất hiện tình trạng nhiều tổ chức đoàn thể không thể có điều kiện để giúp đỡ trực tiếp cho cơ quan báo chí của hội, ngành mình. Để tồn tại được, lãnh đạo các cơ quan báo chí này sẽ tìm mọi cách để đạt nguồn thu kể cả việc vi phạm quy định của báo chí và quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp mà Hội Nhà báo Việt
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo Hội nghị. |
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng sự phát triển mạnh mẽ của báo chí Việt Nam thời gian qua không chỉ về số lượng, loại hình, đội ngũ người làm báo mà còn đưa được thông tin đến mọi ngõ ngách cũng như phản ánh mọi mặt của đời sống. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự đồng thuận của nhân dân, giúp hoạch định chính sách sát với nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển luôn có những bất cập cần phải tổng kết, đánh giá để khắc phục. Điểm lại sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các loại hình báo chí, nhất là báo điện tử, trang thông tin điện tử, mạng xã hội, blog cá nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yếu tố công nghệ đang giữ vai trò thúc đẩy quan trọng đối với hướng phát triển của báo chí, truyền thông. “Vấn đề này được đặt ra trong luật về báo chí như thế nào, đến đâu, ở các luật khác ở mức độ nào, cần phải rất đồng bộ. Việc xây dựng, sửa đổi Luật Báo chí cần cố gắng tránh luật “khung”, luật “ống” nhưng phải đảm bảo luật giữ được tương đối ổn định, có tuổi thọ dài trước xu thế phát triển công nghệ hiện nay mà báo chí là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất”. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng đề nghị ngay trong quá trình soạn thảo Luật Báo chí sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông cần huy động sự tham gia của những người làm báo đóng góp ý kiến kịp thời và đúng mực, đặc biệt là những vấn đề nóng đang được quan tâm