Lãng phí lớn do mê tín dị đoan thái quá
“Vẽ” dự án đào đường, nắn đường để tham ô, lãng phí
Lãng phí đáng lo ngại hiện nay chủ yếu từ nguồn tiền ngân sách, nhiều người quen gọi “tiền chùa”! Trong khi đó, các đại biểu cho rằng, thực tế chưa ai bị xử lý vì gây lãng phí, dù lãng phí có gây hậu quả nghiêm trọng hơn cả tham ô. Chẳng hạn, việc qui hoạch đất đai, xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản, ô tô... Đặc biệt, việc dồn quá nhiều tiền cho các dự án giao thông khiến nhiều trường hợp tìm cách “vẽ” dự án để tiêu tiền, giải ngân, gây lãng phí vô cùng lớn, như việc nhiều tuyến phố Hà Nội vỉa hè đang đẹp lại bị xới lên thay gạch khác, rồi tìm cách đổ tiền để nắn đường, chia làn đường, dựng dải ngăn cách, sau lại “vẽ” tiếp dự án, rót tiền để tháo bỏ dải ngăn cách, bỏ làn đường... “Gây lãng phí lớn, ngoài việc phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả kinh tế thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm pháp lý, cả khi khắc phục được thì giảm trách nhiệm pháp lý chứ không miễn” - đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị. Theo ông, vấn đề là phải quy trách nhiệm người đứng đầu, không thể thoái thác khi “đẻ” hàng loạt dự án gây lãng phí lớn rồi đâu vẫn hoàn đấy.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, một số quy định của dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa có tính khả thi cao, nhất là về cơ chế, chính sách, về trách nhiệm của người đứng đầu... Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp, rà soát và bổ sung vào dự thảo luật những quy định cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, hành vi lãng phí và chế tài xử lý, cơ chế giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nguyên tắc THTK, CLP trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của nhân dân. Dự luật lần này quy định cụ thể trách nhiệm trực tiếp, liên đới trong từng trường hợp vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP), trách nhiệm trong công khai, xử lý thông tin phát hiện lãng phí, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về THTK, CLP theo thẩm quyền. Nội dung sửa đổi, bổ sung trách nhiệm của người đứng đầu được quy định tại Điều 7 và xử lý trách nhiệm cụ thể quy định tại Điều 78 của Dự thảo luật.
Đại biểu Quốc hội lo ngại những biến tướng của lãng phí làm thâm hụt ngân sách. |
Y tế, giáo dục gây lãng phí lớn
Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đồng tình quy định tập trung vào các lĩnh vực xảy ra lãng phí lớn như dự thảo luật và đề nghị bổ sung quy định cụ thể THTK, CLP trong giáo dục đào tạo, y tế, trong tổ chức bộ máy nhà nước. Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định cụ thể mang tính toàn diện mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như tổ chức lễ hội, ma chay, cưới hỏi... để tránh việc huy động gây lãng phí nguồn lực xã hội. Theo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban đã chỉ đạo xây dựng bổ sung 02 điều mới vào Dự thảo luật (Điều 22, Điều 23) quy định về THTK, CLP trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, y tế, đồng thời bổ sung quy định về hành vi lãng phí trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, lĩnh vực y tế và chế tài xử lý tương ứng. Trong đó, lĩnh vực giáo dục đào tạo tập trung quy định về xây dựng, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch đào tạo và chương trình, nội dung giáo dục. Lĩnh vực y tế tập trung quy định về xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, đầu tư dự án, công trình, mua sắm trang thiết bị y tế là những vấn đề dễ xảy ra lãng phí lớn.
Kết quả giám sát về THTK, CLP năm 2013 của Ủy ban Tài chính, ngân sách cho thấy, nhiều nơi đang xài tiền ngân sách biến tướng dưới nhiều hình thức. Trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, khả năng thu NSNN không đạt dự toán nhưng tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế lớn và tăng cao đột biến ở một số địa phương, ảnh hưởng đến công tác điều hành ngân sách nhà nước. Chi NSNN còn biểu hiện chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm, để xảy ra lãng phí, chi chuyển nguồn lớn và không giảm, gây lãng phí NSNN ở một số địa phương. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí thường xuyên của các cơ quan, đơn vị tuy có chuyển biến nhưng cũng còn hạn chế: vẫn còn tình trạng sử dụng NSNN sai mục đích, vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định.
“Đốt tiền” vì mê tín dị đoan thái quá, sính hàng ngoại
Thất thoát trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB vẫn là điểm đáng chú ý, tình trạng phê duyệt dự án vượt quá khả năng cân đối vốn, khởi công mới, bố trí vốn dàn trải, thi công kéo dài dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản lớn nhưng chưa được xử lý, khắc phục triệt để, gây lãng phí còn diễn ra ở một số địa phương. Tiến trình thực hiện đề án tái cơ cấu, cổ phần hoá còn chậm, chưa đạt được kế hoạch và mục tiêu đề ra. Việc thực hiện chức năng quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của các cơ quan chức năng ở một số nơi còn hạn chế, dẫn đến việc vi phạm các quy định của nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tiền và tài sản nhà nước. Công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, đất đai vẫn còn những yếu kém, lãng phí, tình trạng khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn xảy ra, thiệt hại do cháy rừng có giảm hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn lớn, gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường.
Mê tín thái quá đang có xu hướng “lấn” cả vào nguồn tiền ngân sách. |
Ủy ban cho rằng, trong điều kiện nền kinh tế gặp khó khăn, song tiêu dùng của một số bộ phận người dân vẫn còn biểu hiện lãng phí, ý thức tiết kiệm chưa được nâng cao, còn phô trương, hình thức thể hiện rõ trong ma chay, cưới xin, mê tín dị đoan thái quá, nhất là việc đốt vàng mã quá nhiều gây ô nhiễm và lãng phí. Cuộc vận động "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" chưa thực sự đi vào cuộc sống, còn tâm lý sính hàng ngoại, không ít lễ hội được tổ chức tại các địa phương không được dư luận đồng tình và gây lãng phí cho xã hội...
Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống kho bạc Nhà nước đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định của 16.200 lượt đơn vị, từ chối thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định với số tiền khoảng 663 tỷ đồng. Kết quả thanh tra, kiểm tra tại 37 tỉnh, thành phố trong lĩnh vực khoáng sản và hoạt động khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phát hiện vi phạm và đề nghị xử phạt đối với 35 đơn vị với số tiền gần 514 triệu đồng; kiến nghị thu hồi nhiều giấy phép khai thác, thăm dò khoáng sản. (Nguồn: Báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính, Ngân sách) |