Không kéo dài tuổi hưu của viên chức

Thứ Sáu, 04/06/2010, 07:50
Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của đội ngũ viên chức có kinh nghiệm thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thời vụ, việc với viên chức đó.

Ngày 3/6, Quốc hội nghe tờ trình và các báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Viên chức và Luật Tố tụng hành chính.

Nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của viên chức là điểm mới của dự án Luật Viên chức. Theo quy định dự thảo, viên chức đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật về lao động thì được quyền nghỉ hưu. Do nhu cầu công việc, người đứng đầu có thể kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với viên chức đủ tuổi được hưởng chế độ hưu trí. Trong trường hợp này, người đứng đầu phải ký lại hợp đồng làm việc với viên chức nhưng không bổ nhiệm viên chức giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo. Thời gian làm việc kéo dài thêm đối với viên chức đã đủ tuổi nghỉ hưu không quá 5 năm.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, không nên đặt vấn đề kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức trong luật này. Bởi vì về nguyên tắc, khi đến tuổi nghỉ hưu và đã bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì mọi viên chức đều có quyền nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí.

Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của đội ngũ viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và viên chức có sức khỏe, có nguyện vọng thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thời vụ, việc với viên chức đó. "Như vậy, vừa bảo đảm quyền lợi của viên chức, vừa bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, sử dụng viên chức và phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội" - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận giải thích.

Tờ trình của Chính phủ cho rằng, các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như vụ xăng pha aceton, vụ nước tương nhiễm chất 3-MCPD, vụ gian lận xăng dầu hay gần đây nhất là việc phát hiện hàng loạt các cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… Những vụ việc này đã gây thiệt hại không chỉ về tài sản, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng.

Theo thống kê của Bệnh viện K, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gen di truyền. Một thống kê khác, từ năm 2004 - 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 nạn nhân và 321 người tử vong.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, có 8 điểm mới được đưa vào dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trình Quốc hội lần này. Khái niệm người tiêu dùng được sửa đổi theo hướng là cá nhân và tổ chức mua và sử dụng hàng hóa không nhằm mục đích bán lại. Như vậy người tiêu dùng không chỉ hạn chế ở những cá nhân mua và sử dụng hàng hóa vì mục đích tiêu dùng.

Quy định về bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ người tiêu dùng trước khi giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Các quy định về bảo vệ người tiêu dùng trong giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh (đặc biệt là quy định về điều kiện thương mại chung và hợp đồng theo mẫu), trách nhiệm bảo hành và trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa gây ra

PVTS
.
.
.