Khánh thành công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”

Thứ Hai, 10/12/2012, 04:21
Ngày 9/12/2012, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên”, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku. Đây là công trình có tầm vóc và ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa to lớn không chỉ đối với người dân Tây Nguyên mà có ý nghĩa lớn đối với tất cả dân tộc Việt Nam...

Thể hiện tấm lòng thành kính tri ân với Bác, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai nói riêng, Tây Nguyên nói chung đã mong muốn có một công trình Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên được xây dựng tại nơi tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946, nơi mà lần đầu tiên đông đảo đồng bào Tây Nguyên được nghe thư Bác với những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc. Và rồi, nguyện vọng tha thiết của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý vào ngày 2/8/2008.

Từ chủ trương trở thành hiện thực, Ban Chỉ đạo xây dựng công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đã tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, những người có chuyên môn, kinh nghiệm, nhằm tập trung cao nhất trí tuệ, chuyên môn cho công trình.

Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên vừa được khánh thành.

Từ đó, công trình Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” được đặt tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai, có diện tích rộng 2ha, mẫu tượng Bác do nhà điêu khắc Phạm Bá Đua, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam thể hiện. Tượng Bác cao 10,8m, nặng 16 tấn, được làm bằng đồng nguyên chất theo công nghệ mới bằng phương pháp gò, hàn có sức chống chịu gió giật cấp 15 với vận tốc 200km/giờ, gió xoáy cấp 12, động đất ở 8 độ richter và sức chịu nhiệt lên đến 900C. Công trình bức phù điêu phía sau tượng Bác rộng 600m2, mô phỏng theo hình bông sen nở, được làm bằng đá xanh lấy từ Thanh Hóa, do tác giả Lê Lạng Lương thiết kế. Mặt trước bức phù điêu tái hiện đời sống chiến đấu, sinh hoạt văn hóa tinh thần mang nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên.

Trước bên tượng Bác là 54 khối đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, bên trái là khối đá lớn tạc bức thư Bác Hồ gửi cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946. Hai bên tượng đài có treo hai giàn cồng chiêng trên những cột đá bazan được lấy từ chính mảnh đất Gia Lai. Phía trước là hồ sen được lấy giống sen từ hồ Tây và làng Sen quê Bác tại Nam Đàn - Nghệ An, phía sau là hệ thống đồi núi mô phỏng theo hình dáng núi Hàm Rồng - nơi được mệnh danh là mái nhà của Tây Nguyên. Ngoài ra còn có hàng râm bụt, khối đá khắc tên quảng trường… Đặc biệt ấn tượng là hệ thống cây xanh gồm nhiều loại cây đặc chủng của Gia Lai được đưa về trồng như cẩm lai, hương, sao… và cây me từ khu di tích Tây Sơn Thượng đạo do các cụ lão thành gửi tặng. Tỉnh bạn Lâm Đồng cũng gửi tặng 100 cây mai anh đào để trồng trong khuôn viên quảng trường...

Lễ hội khánh thành “Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” diễn ra lúc 20h, ngày 9/12, tại Quảng trường Đại Đoàn Kết - TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Chủ đề phần hội “Đón Bác Hồ về với Tây Nguyên”, do nhạc sĩ Nguyễn Cường chỉ đạo nội dung và nghệ thuật. Chương trình thanh sử kịch gồm 4 chương: Mặt trời trên đỉnh Hdrông, Công ơn trời biển, Cây Knia chỉ uống một suối nguồn và Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn. Với sự góp mặt của 1.000 diễn viên (trong đó có hơn 700 diễn viên quần chúng là người dân tộc thiểu số), thể hiện tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên cũng như tình cảm của nhân dân Tây Nguyên với Bác; tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

N.Như
.
.
.