Hướng tới người vi phạm sẽ không phải đi nộp phạt, CSGT không phải giữ giấy tờ
Trong đó, lực lượng CSGT đã xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung, kết nối vào CSDL quốc gia về dân cư để phục vụ công tác của CSGT. Sự kết nối này mang lại những lợi ích gì cho người tham gia giao thông và phục vụ lợi ích chung như thế nào, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT đã trả lời bạn đọc Báo CAND về vấn đề này.
Phóng viên: Đề nghị đồng chí cho biết, việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác của CSGT như thế nào?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Thực hiện chỉ đạo của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã xây dựng các chương trình, đề án để phát triển lực lượng CSGT tiến lên chính quy hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương và Đảng bộ Cục CSGT. Cụ thể, đầu tiên là phải xây dựng được đội ngũ CSGT chính quy hiện đại, tinh nhuệ, trong đó, việc đầu tiên chúng tôi yêu cầu đó là nâng cao nhận thức của CBCS và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT).
Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT. |
Thứ 2 là phục vụ nhân dân, trong đó có nội dung đã thực hiện được đó là xây dựng hệ thống các dữ liệu liên quan đến hoạt động của CSGT. Hệ thống dữ liệu này không chỉ phục vụ nhân dân mà còn phục vụ hoạt động của lực lượng CSGT; không chỉ kết nối trong nội bộ CSGT mà còn kết nối với các lực lượng khác trong CAND và với các đơn vị chức năng.
Thứ 3 là xây dựng chương trình, trong đó lắp camera giám sát trên các tuyến quốc lộ để phát hiện được tối đa 24/7 các vi phạm về ATGT. Từ dữ liệu camera, hệ thống giám sẽ cung cấp thông tin cho người dân chống ùn tắc và điều tra giải quyết TNGT. Bên cạnh đó, dữ liệu của hệ thống giám sát sẽ phục vụ CSGT phân tích hành vi để kịp thời tham mưu cho Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công an trong việc xây dựng các thể chế, chính sách liên quan đến ATGT như hoàn thiện các hành vi liên quan đến quản lý con người, quản lý phương tiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng…
Tham mưu trong hợp tác quốc tế để chúng ta có thể tiếp cận được các thành tựu của khoa học, công nghệ, trong đó, đặc biệt là các thành tựu về CNTT gồm hệ thống camera đủ thông minh, nhạy bén và nhanh chóng để phát hiện, giải quyết các vi phạm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hướng tới đó là phát hiện vi phạm và xử phạt ngay để đảm bảo mọi hành vi đều được phát hiện và xử lý kịp thời để người vi phạm giao thông có cơ hội để sửa chữa ngay hành vi của mình.
CSGT phần luồng đi lại an toàn. |
Phóng viên: Năm 2020, tình hình TTATGT được các cấp chính quyền và người dân đánh giá cao, đặc biệt, TNGT giảm cả 3 tiêu chí. Cục CSGT đã có kế hoạch như thế nào để tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trong năm 2021, thưa đồng chí?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trong bảo đảm ATGT, với trách nhiệm của mình, lực lượng CSGT cùng với các ngành, các cấp nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông. Tôi lấy ví dụ, chúng ta đeo khẩu trang trở thành ý thức để phòng dịch, thì ý thức về đảm bảo ATGT cũng vậy, làm thế nào để người dân tự giác chấp hành pháp luật, đảm bảo an toàn cho chính mình và người khác. Để tạo thành ý thức chấp hành pháp luật về ATGT thì trước hết phải cung cấp kiến thức cho họ về ATGT.
Thứ 2 là tăng cường hệ thống trang thiết bị hiện đại để tự động phát hiện và xử lý vi phạm. Thứ 3 là nâng cao chế tài xử phạt để người tham gia giao thông tự nhận thức việc nếu chấp hành thì có lợi hơn không chấp hành; thứ 4 là tham mưu cho các cơ quan chức năng để hoàn thiện cơ sở pháp lý, gắn trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong bảm ATGT để bảo đảm an ninh con người, đưa vấn đề an ninh con người trở thành vấn đề thực tế, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.
Trong đó, hoàn thiện thể chế, quy định pháp luật, cơ chế chính sách, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát hiện vi phạm, xử phạt nghiêm, phục vụ người dân tối đa, từ đó, sẽ hạn chế tối đa TNGT, ùn tắc giao thông, xử lý nghiêm các tai nạn, vi phạm, phát hiện, ngăn chặn tội phạm diễn ra trên các tuyến giao thông. Với sự chỉ đạo rất chặt chẽ của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng CSGT đã có những chương trình, kế hoạch rất cụ thể và chi tiết để thực hiện. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và người dân về vấn đề ATGT.
Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được khai trương sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc xử phạt các vi phạm về giao thông. |
Phóng viên: Được biết, chỉ còn ít ngày nữa, hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ khai trương. Theo đó, CSGT là một trong những lực lượng được kết nối vào dữ liệu chung để phục vụ công tác. Đồng chí cho biết, Cục CSGT đã chuẩn bị việc này như thế nào và thực hiện kết nối những dữ liệu này?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Trước khi kết nối hệ thống dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cục CSGT xây dựng hệ thống dữ liệu để dùng chung. Hiện nay, hệ thống dữ liệu này đã chuẩn bị xong, đã thực hiện kết nối liên thông dữ liệu giữa Cục CSGT và dữ liệu Quốc gia về dân cư, có thể sử dụng được thông tin của công dân để phục vụ công tác của CSGT. Tôi lấy ví dụ, thông tin của người dân để đăng ký xe, trước kia, CSGT phải đánh tay từ CMND hoặc CCCD, hiện nay chỉ cần số CCCD thì mọi thông tin về con người từ họ tên, tuổi, giới tính, đặc biệt là nơi ở hiện tại của công dân đó là chính xác. Lực lượng CSGT không phải kê khai hay đánh máy tay nữa.
Thứ 2, đối với hệ thống xử phạt vi phạm hành chính, từ dữ liệu công dân, khi truy vấn, CSGT sẽ có ngay thông tin chính xác về người vi phạm, CSGT có thể giấy báo đến đúng địa chỉ mà người vi phạm đang ở. Từ thông tin này, tiến tới sẽ có thông tin phản hồi lại Trung tâm dữ liệu Quốc gia về dân cư để cán bộ cơ sở như: Cảnh sát khu vực, Công an xã… biết công dân nào trên địa bàn mình có vi phạm để phối hợp giáo dục.
Trước đây, thì khi phát hiện người vi phạm qua hệ thống giám sát thì CSGT cũng gửi thông báo về địa chỉ người vi phạm đăng thường trú để họ biết hoặc qua đăng kiểm. Tuy nhiên, do nhiều người đăng ký thường trú địa chỉ này nhưng sống thực tế ở địa chỉ khác nên họ không nhận được thông báo, đến khi đi đăng kiểm mới biết. Hiện nay, lực lượng Công an cơ sở sẽ biết ai là người vi phạm để nhắc họ lên thực hiện xử phạt. Các thông tin này cũng sẽ được tích hợp đầy đủ trong dữ liệu của công dân.
CBCS Cục CSGT kiểm tra tình hình TTATGT do camera giám sát ghi lại. |
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Khi CSGT làm nhiệm vụ trên đường, chỉ cần đánh số CCCD thì sẽ có toàn bộ thông tin của cá nhân của người đó sẽ có trong hệ thống xử phạt. Theo đó, chúng ta có thông tin chính xác nhất về người điều khiển phương tiện vi phạm tại hiện trường. Tiến tới từ dữ liệu đó phản hồi lại cơ sở dữ liệu dùng chung rất đầy đủ, đồng bộ.
Phóng viên: Nếu đã có dữ liệu đầy đủ, liệu CSGT có phải dùng biên bản giấy nữa không, thưa đồng chí?
Đại tá Đỗ Thanh Bình: Việc này Cục CSGT đang phối hợp các đơn vị thuộc Bộ Công an, đặc biệt là phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ nghiên cứu chữ ký số để người vi phạm có thể ký bằng chữ ký điện tử. Thông tin đó sẽ chuyển ngay về cho người có thẩm quyền để ra quyết định điện tử. Hiện nay, trên thực tế, Chính phủ đã có những quyết định của Chính phủ điện tử là thông qua cổng thông tin điện tử chứ không gửi bản giấy. Chữ ký và con dấu của Chính phủ đã thể hiện trên bản điện tử. Tiến tới, công tác xử lý vi phạm của CSGT từ biên bản đến quyết định xử phạt sẽ thực hiện bằng bản điện tử.
Vi phạm do camera giám sát phát hiện báo về thiết bị cầm tay của CSGT. |
Theo đó, khi CSGT kiểm tra đều phát hiện được giấy tờ của người vi phạm có bị tước trên hệ thống hay không. Việc này sẽ cải cách đồng bộ, cơ bản trong lĩnh vực phát hiện, xử phạt vi phạm. Việc phát hiện, xử phạt nhằm xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhưng đây không phải là mục đích chính của chúng ta mà điều quan trọng hơn là đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, vì đã vi phạm sẽ bị phát hiện, đã phát hiện sẽ bị xử phạt với mức xử phạt tương ứng với hành vi.
Theo đó, người tham gia giao thông phải lựa chọn, thứ nhất là chấp hành nghiêm pháp luật về ATGT, nếu không chấp hành thì phải chấp nhận việc bị xử phạt. Bên cạnh đó, việc xử phạt điện tử cũng sẽ giúp người dân không phải đi lại nhiều lần để nộp phạt cho cơ quan nhà nước.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!