Hội thảo khoa học "Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết"

Chủ Nhật, 12/04/2015, 01:20
Ngày 10/4, tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Phước, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức Hội thảo “Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Tà Thiết (1972 - 1975)”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Tấn Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước cho biết, Căn cứ Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ tại Tà Thiết (xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước ngày nay) là căn cứ cuối cùng của Bộ Chỉ huy Miền và là căn cứ duy nhất còn giữ được cho đến ngày nay. 

Căn cứ là nơi ghi dấu một trong những giai đoạn trong quá trình hoạt động cách mạng của nhiều đồng chí lãnh đạo kiên trung, bất khuất, những người con ưu tú của đất nước. Đó là: cố Thượng tướng Trần Văn Trà – Tư lệnh Bộ Chỉ huy Miền, cố nữ tướng Nguyễn Thị Định – Phó Tư lệnh Bộ chỉ huy Miền, Đại tướng Lê Đức Anh – Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Miền, cố Chính  ủy Phạm Hùng…

Các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. 

Mặc dù chỉ hình thành và tồn tại trong thời gian ngắn nhưng căn cứ Tà Thiết có vai trò vị trí hết sức quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ. 

Đây là nơi đã từng diễn ra nhiều sự kiện lịch sử có ý nghĩa to lớn, là nơi các đồng chí trong Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí trong Bộ chỉ huy Miền tiến hành các cuộc họp bàn về tình hình chiến sự ở miền Nam để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời, giành thắng lợi trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn năm 1975. 

Đặc biệt trong năm 1975, Tà Thiết là nơi diễn ra các sự kiện đặc biệt như: nơi nhận bức điện 37TK của Tổng Bí thư Lê Duẩn về việc đồng ý đổi tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn thành chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nơi thành lập Bộ chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, nơi phát lệnh tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975...

Ngày 16/11/1988, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) đã công nhận di tích Tà Thiết là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là sự ghi nhận kịp thời và xứng đáng đối với một căn cứ đã đi vào lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX.

Đối với khu vực Đông Nam Bộ, Tà Thiết là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng miền Nam, là điểm đến không thể thiếu trong suốt hành trình tham quan, nghiên cứu, học tập của nhân dân. 

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong đó vấn đề đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ hướng tới tăng tỷ trọng kinh tế dịch vụ, Tà Thiết là một trong những điểm nhấn, là điểm trọng tâm. Giải pháp tối ưu là đẩy mạnh phát triển các loại hình kinh tế liên quan đến phát triển kinh tế du lịch của di tích này. Đối với sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng, giáo dục lòng yêu nước đối với các thế hệ, Tà Thiết cũng là một địa chỉ đóng vai trò quan trọng.

Ngày 9/4, tỉnh Bình Phước đã tổ chức cho hơn 50 cựu chiến binh đã từng tham  gia hoạt động cách mạng tại Căn cứ Tà Thiết trong kháng chiến chống Mỹ về thăm lại chiến trường xưa.

Đức Trí
.
.
.