Giới thiệu Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi
Ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho biết, Dự thảo lần này tạo điều kiện để DN trở thành công cụ kinh doanh “rẻ” hơn, an toàn và hấp dẫn hơn; qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực đầu tư cho sản xuất, kinh doanh. Trong đó, Luật sẽ tạo thuận lợi trong việc bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư, cổ đông, thành viên của DN.
Theo đó, Luật DN cũ cần được sửa đổi vì nội dung một số điều khoản chưa rõ ràng, thiếu cụ thể hoặc không phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, một số điều khoản chưa tương thích với thông lệ quốc tế, chồng chéo với một số Luật khác liên quan như Luật Đầu tư, Luật Chứng khoán… Đặc biệt, Luật sửa đổi sẽ tập trung vào việc đáp ứng mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp (DN) trong thành lập, đăng ký hoạt động, rút khỏi thị trường; tăng cường quản trị DN cũng như phục vụ việc đổi mới phương cách quản lý DN của Nhà nước…
Dự thảo Luật sửa đổi gồm 10 chương, với 220 điều. Dự thảo luật nhìn chung kế thừa và gần như giữ nguyên cấu trúc của Luật 2005 nhưng nhấn mạnh một số yêu cầu quan trọng như: bảo vệ cổ đông, tổ chức, giải thể DN; về công khai và minh bạch hóa thông tin; về vấn đề góp vốn, tăng vốn; mô hình quản trị DN và dành một phần để đề cập đến DN xã hội. Đặc biệt, Luật quy định một số đối tượng không được quyền thành lập và quản lý DN tại Việt Nam, gồm: cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; công nhân quốc phòng; cán bộ lãnh đạo, quản lý tại các DN 100% vốn sở hữu nhà nước; người chưa thành niên; người đang chấp hành hình phạt tù và các trường hợp khác theo quy định của Luật về phá sản và phòng chống tham nhũng.
Luật cũng quy định rõ trình tự đăng ký DN một cách cụ thể đối với từng loại hình DN, đầy đủ từng bước để các đối tượng có nhu cầu tham khảo, thực hiện.
Được biết, Ngân hàng Thế giới đánh giá việc khởi sự kinh doanh ở Việt Nam gồm 10 thủ tục, với tổng thời gian cần thiết là 34 ngày và xếp thứ 109/189 quốc gia và vùng lãnh thổ. Vì vậy, yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm hồ sơ, chi phí và thời gian cho DN để nâng cao mức xếp hạng về năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh là hết sức cấp thiết. Đây là mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế