Giáo dục, đào tạo, phát triển văn hóa, con người được trí thức trẻ quan tâm hàng đầu

Thứ Năm, 24/09/2015, 22:56
Ngày 24/9, trên 230 trí thức trẻ, sinh viên đại diện trí thức trẻ đến từ các trường đào tạo trên địa bàn TP.HCM đã có một buổi thảo luận sôi nổi về dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành TW Đảng khóa XI tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tại hội nghị, các đại biểu bày tỏ sự đồng thuận, thống nhất cao về hình thức thể hiện và các nội dung của dự thảo văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII. Tuy nhiên, theo phần lớn các đại biểu, nội dung của dự thảo còn nhiều điểm cần cụ thể, làm rõ hơn.

Được tập trung thảo luận và đưa kiến nghị nhiều nhất tại hội nghị là các nội dung về giáo dục, đào tạo, phát triển và ứng dung khoa học, công nghệ, phát triển văn hóa, xây dựng con người.

Đại diện Trung ương Đoàn thanh niên, Hội sinh viên Việt Nam tiếp thu ý kiến đóng góp của các trí thức trẻ TP.Hồ Chí Minh.

Tiến sĩ Phạm Văn thắng, giảng viên Đại học sư phạm TP.Hồ Chí Minh chia sẻ: trong phần V “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực” của dự thảo còn một số điểm cần quan tâm. Cụ thể là nội dung phương hướng, nhiệm vụ tại phần 2, mục V có ghi: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trong khi các văn kiện trước đây đều xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu. Dự thảo cũng nêu “Quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực. Tăng tỉ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục  nghề nghiệp và giáo dục đại học”. Nội dung này cũng cần cân nhắc kỹ vì nhiều thông tin cho thấy, hiện nay, số lượng các trường đại học đang “tăng chóng mặt”. Hầu hết các tỉnh đều có trường đại học. Sự phát triển ồ ạt của các trường đại học, đặc biệt là đại học công lập chưa đi đôi với chất lượng đào tạo, không gắn với vấn đề giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, dẫn đến số lượng cử nhân, kể cả thạc sĩ tốt nghiệp ra trường nhưng thất nghiệp.

Giảng viên Phạm Văn Thắng cũng kiến nghị, trong phần thể hiện về giáo dục đào tạo, văn kiện cần chỉ rõ hơn việc giáo dục gắn kết với doanh nghiệp sử dụng lao động, cần có cơ chế hợp tác để tạo “đầu ra” – việc làm cho người học.

Lý do là hiện nay, các doanh nghiệp đang sử dụng chất xám từ rất nhiều trường đào tạo nhưng thiếu cơ chế hợp tác, thiếu phản hồi về trường đào tạo. Song song với giáo dục đào tạo bậc đại học, văn kiện cũng cần đề cập đến việc đào tạo cũng như các học liệu cho học sinh trung học phổ thông. Đây là đối tượng đào tạo cần có sự đầu tư nhiều hơn, vừa giúp các em tránh tình trạng mất phương hướng trong định hướng nghề nghiệp…

Tiến sĩ Trần Trung Nghĩa, Bí thư đoàn trường ĐH Bách Khoa TP.HCM cũng cho rằng, nội dung về giáo dục mới chỉ đề cập về chủ trương tổng quát. Cần có sự xác lập cụ thể hơn, kể cả về chỉ tiêu cho đến “khu vực” trọng điểm  cần tập trung đầu tư.

Cũng theo tiến sĩ Nghĩa, có một thực trạng tồn tại lâu nay trong đầu tư cho giáo dục là rất dàn trải. Với tình trạng đầu tư như thế sẽ khó cho mục tiêu phấn đầu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Tiến sĩ Trần Trung Nghĩa cũng cho biết, anh hoàn toàn tán thành nội dung “Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dan theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập”.

Tiến sĩ Trần Trung Nghĩa, Bí thư Đoàn trường ĐH Bách Khoa đóng góp ý kiến dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Giảng viên trường Đại học Mở TP.Hồ Chí Minh, chị Trần Thị Thanh Trà cũng đề xuất, cần nghiên cứu thêm về nội dung liên kết trong giáo dục và các chính sách vụ thể nhằm thu hút nhân tài, cụ thể là du học sinh về đóng góp tài năng xây dựng đất nước.

Theo ý kiến chung của khá nhiều đại biểu, nội dung giáo dục đào tạo tại dự thảo ít đề cập về giáo dục đạo đức, trong khi tình trạng xuống cấp đạo đức của một bộ phận người dân là rất  báo động. Mục số VII về phát triển văn hóa, xây dựng con người cần có thêm nhiều giải pháp cụ thể để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng đạo đức xuống cấp…

Khá nhiều nội dung khác liên quan đến giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển văn hóa, xây dựng con người cũng được các đề cập: xác định vai trò của ngoại ngữ, rèn luyện thể chất, kỹ năng trong giáo dục, xây dựng triết lý giáo dục, xây dựng niềm tin của người dân, người học, người sử dụng lao động với giáo dục đào tạo quốc gia…

N.Hoa
.
.
.