Đề nghị “trảm” đơn vị mua xe công trái chủ trương

Thứ Năm, 17/04/2014, 13:41
Chính phủ đã chỉ đạo không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật), quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn. Đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát lại việc mua sắm xe công, nơi nào vi phạm phải “trảm”…

Tiếp tục phiên họp thứ 27, sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Quyết toán ngân sách năm 2012. Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu - chi cân đối Ngân sách Nhà nước năm 2012 đều tăng hơn so với dự toán và báo cáo trước Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 978.463 tỷ đồng, tăng 8,3% so với dự toán và tăng 72.673 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Bội chi ngân sách nhà nước năm 2012 là hơn 154.000 tỷ đồng, bằng 4,75% GDP. Tỷ lệ dư nợ công, dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia so với GDP được bảo đảm an toàn trong phạm vi giới hạn cho phép.

Thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách cho hay, công tác thu ngân sách  năm 2012 không đạt dự toán được Quốc hội quyết định. Một số khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc. Tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn. Công tác quản lý chi Ngân sách Nhà nước năm 2012 còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán. Chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều…

Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lắc đầu: “Những tồn tại, vi phạm trong thu, chi ngân sách nhà nước năm sau giống năm trước và có xu hướng trầm trọng hơn mà vẫn chưa đưa ra giải pháp hữu hiệu”. Ông K'sor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội ngao ngán: “Cơ quan kiểm toán đã nêu ra một loạt sai phạm, thẩm tra cũng nói rõ, nhưng cuối cùng biểu quyết lại nhất trí, năm nào cũng vậy. Ở đây nói 15.000 dự án đã xong, hoặc đã đưa vào sử dụng mà vẫn chưa xong quyết toán. Việc kỷ luật về tài chính, quản lý tài chính sẽ rất khó giải quyết. Tôi đề nghị phải xử lý nếu không thực hiện đúng”.  

Năm ngoái, Quốc hội đã chốt tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.006.700 tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 224.000 tỷ đồng, tương đương 5,3% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Đặc biệt, do tài khoá khó khăn, Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, cơ cấu lại thu, chi ngân sách, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Bội chi ngân sách chủ yếu được sử dụng cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ. Triệt để tiết kiệm chi cho bộ máy quản lý nhà nước và sự nghiệp công; thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ chế khoán chi và bố trí kinh phí theo hiệu quả công việc; cắt, giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, chi công tác nước ngoài, chi cho hoạt động lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác, không mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo quy định của pháp luật); quản lý chặt chẽ để hạn chế tối đa chi chuyển nguồn…

Với tình hình còn lạm chi, nhiều ý kiến đề nghị phải làm rõ, chỉ đích danh đơn vị, cá nhân sai phạm để xử lý, như việc lạm chi cho khởi công, hội họp, khánh thành, đi nước ngoài, sử dụng ngân sách mua sắm xe công trái chủ trương nói trên. Về việc này, ngay từ năm 2011, tại Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW, Chủ tịch hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tập trung chỉ đạo, thực hiện nhiều giải pháp; trong đó có việc “tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng”

P.Đăng
.
.
.