Đề nghị chế độ trợ lý, thư ký cho đại biểu Quốc hội

Thứ Ba, 03/06/2014, 15:23
Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị, để bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội cần quy định chế độ trợ lý, thư ký cho đại biểu.

Sáng nay, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật Tổ chức Quốc hội sửa đổi. Bàn về cơ chế, điều kiện bảo đảm hoạt động cho đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, các quy định về địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội trong dự thảo Luật cơ bản mới phản ánh được thực tiễn hiện nay và mới chỉ có các điều chỉnh nhỏ mà chưa có những cải tiến lớn về cơ chế làm việc, điều kiện bảo đảm cho hoạt động của đại biểu Quốc hội. Chẳng hạn như chế độ lương, hoạt động phí của đại biểu, cơ chế sử dụng chuyên gia, bộ phận giúp việc hỗ trợ cho đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ chưa có quy định cụ thể. 

Nhiều ý kiến đề nghị quy định chế độ trợ lý, thư ký cho đại biểu Quốc hội.

Ủy ban Pháp luật đề nghị, để đại biểu Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn của người đại diện cho nhân dân, bên cạnh bản thân mỗi đại biểu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của người đại biểu thì còn cần phải có các cơ chế bảo đảm cần thiết, hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội như cung cấp đầy đủ thông tin, có trợ lý, thư ký giúp việc và được bảo đảm kinh phí hoạt động. “Có như vậy mới khắc phục được phần nào tình trạng đại biểu Quốc hội phải “hoạt động chay”, “tự thân vận động” như hiện nay. Mặt khác, để bảo đảm đại biểu Quốc hội thực sự là người đại diện của nhân dân, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của người dân đến với Quốc hội, thì cũng cần có thêm các quy định gắn trách nhiệm của đại biểu với cử tri, trước hết là cử tri tại nơi đã bầu ra đại biểu” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nói. Ủy ban Pháp luật tán thành với việc bổ sung các quyền cho đại biểu Quốc hội; đồng thời, cần có quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu của mình; bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng hành chính hóa hoạt động của cơ quan dân cử, ngăn ngừa những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến quyết định của đại biểu Quốc hội.

Về số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, cơ bản các đại biểu cho rằng việc bổ sung vào Luật tổ chức Quốc hội quy định cụ thể về số lượng đại biểu Quốc hội, tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách như tại Điều 41 của dự thảo Luật là cần thiết. Đây cũng là nội dung được khẳng định trong Luật tổ chức Quốc hội của nhiều nước. Về đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, đa số ý kiến tán thành với việc quy định tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tối thiểu là 35% tổng số đại biểu Quốc hội trong Luật để bổ sung đại biểu hoạt động chuyên trách làm việc ở Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, phù hợp với chủ trương cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề nghị cần quy định trong Luật tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tối thiểu là 40% thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Đáng chú ý, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành việc quy định trong dự thảo Luật về Tổng thư ký Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Việc quy định chức danh Tổng thư ký Quốc hội sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động đối ngoại và cũng phù hợp với cách thức tổ chức công tác phục vụ các hoạt động chung của nghị viện nhiều nước. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần tách các điều riêng để quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội, các Phó Tổng thư ký và Ủy viên thư ký Quốc hội, đây là các đại biểu Quốc hội hay là các công chức thuộc bộ máy giúp việc (ở nhiều nước thì Tổng thư ký Quốc hội là công chức hành chính cao cấp nhất trong bộ máy giúp việc của Quốc hội)...

Đ.Minh
.
.
.