Cuộc hội kiến đầu tiên, những kỷ niệm cuối cùng

Thứ Bảy, 31/12/2016, 22:07
Hầu như chuyến công tác nước ngoài nào của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng có những kỷ niệm hoặc một dấu ấn nào đó đáng nhớ về tình cảm mà nước bạn dành cho Việt Nam. Chuyến thăm Lào của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chuyến đi dự lễ tang lãnh tụ Cuba Fidel Castro của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và ngay trước đó là chuyến thăm cấp Nhà nước, hội kiến với lãnh tụ Cuba Fidel Castro của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều là những chuyến thăm có nhiều chi tiết thể hiện tình cảm hữu nghị đặc biệt. Câu chuyện sau đây kể về những chi tiết như thế trong chuyến thăm Cuba của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Có một hoạt động diễn ra ngay đầu chuyến thăm Cuba (từ 15 đến 17-11-2016) của Chủ tịch nước Trần Đại Quang - một hoạt động không được ghi trong lịch trình - lại đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận. Không phải chỉ vì người mà Chủ tịch Việt Nam đến thăm và hội kiến là lãnh tụ Cuba Fidel Castro - một nhà cách mạng huyền thoại của khu vực Mỹ Latinh - mà còn bởi sau cuộc gặp đúng 10 ngày, lãnh tụ Fidel Castro đã thanh thản giã từ thế giới, về với cõi vĩnh hằng. Chủ tịch nước Trần Đại Quang trở thành nhà lãnh đạo Việt Nam cuối cùng, cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài cuối cùng vinh hạnh được gặp trò chuyện với Fidel.

Tôi có may mắn được tham gia nhóm nhà báo tháp tùng Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong chuyến thăm Cuba và có bài phản ánh sớm về cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang với lãnh tụ Fidel, kể từ sau khi tin Fidel qua đời chính thức được công bố. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp đọc bài báo đã nhắn tin chia sẻ với tôi niềm vinh dự của một người làm báo được phản ánh cuộc gặp gỡ mà họ cho là "mang tính lịch sử".

Lãnh tụ Fidel chào đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Thật ra, đọc bài báo, nếu tinh ý, hẳn bạn đọc sẽ nhận thấy tôi không phải là người có mặt trong cuộc hội kiến giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ Fidel. Thực tế, không có bất kỳ nhà báo nào (cả của ta lẫn bạn) được có mặt trong cuộc gặp nói trên. Những bức ảnh ghi lại cuộc tiếp xúc mà báo chí ta đăng tải sau này là do người nhà của lãnh tụ Fidel thực hiện. Chúng ta cần biết, từ mươi năm trở lại đây, vì lý do sức khoẻ, lãnh tụ Fidel rất hạn chế các cuộc tiếp xúc. Lãnh đạo các nước tới thăm Cuba, dẫu có nguyện vọng được gặp lãnh tụ Fidel song không mấy khi được đáp ứng. Đoàn lãnh đạo cấp cao Việt Nam, mặc dù là ngoại lệ, nhưng số người được phía bạn đồng ý tham dự thường cũng chỉ vài ba người.

Bài viết của tôi được thực hiện khi đoàn Việt Nam vẫn đang tiếp tục dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ tại Madagascar; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đang rất bận rộn với lịch trình của Hội nghị, nên mọi thông tin về cuộc hội kiến của Chủ tịch nước với lãnh tụ Fidel diễn ra trước đó, tôi chỉ có thể có được qua lời kể vắn tắt, bằng mấy cái "gạch đầu dòng" của các Trợ lý của Chủ tịch nước. Bởi vậy, trong bài báo nói trên, chủ yếu tôi viết về những kỷ niệm của Fidel với Việt Nam; tình cảm của người dân Việt Nam với Fidel. Cuộc tiếp xúc giữa ông và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chỉ được viện dẫn đôi nét. Bạn bè đồng nghiệp sau khi đọc bài báo, muốn hỏi thêm một số chi tiết bên lề cuộc gặp, tôi đành... chịu.

Rất may, sau chuyến công tác trở về ít ngày, tôi đã được gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và được ông cho biết thêm thông tin. Ông đính chính ngay, rằng không phải cuộc gặp giữa ông và lãnh tụ Fidel diễn ra một cách bất ngờ, ngoài dự kiến chương trình như một nhà báo nào đó đã viết. Thực tế, cuộc gặp được sắp xếp qua đường ngoại giao từ trước. Chỉ có điều, phía bạn yêu cầu phải tới khi cuộc gặp kết thúc, báo chí mới được đưa tin. Chính vì thế mà trong lịch trình chuyến thăm Cuba, Ban tổ chức chỉ thông báo một dòng ngắn gọn "Ngày 15-11. 14h45', Chủ tịch nước rời đi hoạt động riêng".

Chủ tịch nước Trần Đại Quang tặng lãnh tụ Fidel bức chân dung bằng đá quý.

Biết trong đoàn Việt Nam tới thăm, ngoài Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn có phu nhân của ông, nên vừa trọng thị vừa thân tình, lãnh tụ Fidel đã để phu nhân và con trai mình cùng tham gia tiếp đoàn. Như vậy, đoàn Việt Nam tới thăm lãnh tụ Fidel hôm ấy có tới 6 người: Chủ tịch nước; phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Thị Hiền; Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung; Đại sứ Việt Nam tại Cuba Dương Minh và một phụ nữ người Cuba có tên gọi Việt Nam là Linh làm nhiệm vụ phiên dịch.

Cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ Fidel diễn ra trong phòng khách nhà riêng Fidel. "Nhà ông rộng, những phòng bên ngoài làm rất thoáng, trông như ngoài trời" - Chủ tịch nước cho biết. Cũng theo Chủ tịch nước, hôm ấy tiết trời mát mẻ chứ không phải “lạnh” như có nhà báo đã viết (có lẽ nhà báo này căn cứ vào cách ăn vận của Fidel?). Chính vì thời tiết như vậy nên trong các bức ảnh đã đăng báo, độc giả có thể thấy cả phu nhân lãnh tụ Fidel và phu nhân Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều mặc áo cánh. Còn Chủ tịch nước Trần Đại Quang, thoạt đầu ông định mặc áo sơ mi, sau rồi quyết định mặc complê cho trang trọng. Các thành viên khác trong đoàn Việt Nam cũng vậy.

Về sức khoẻ của lãnh tụ Fidel, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định, hôm ấy "thần sắc của Fidel rất tốt". Cuộc gặp diễn ra vô cùng thoải mái, không ấn định thời gian. Duy cách phát âm của Fidel hơi "có vấn đề" - theo giải thích của phu nhân Fidel thì "giọng nói của ông hôm nay không được trong lắm". Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nhớ: "Đôi lúc, Fidel quay lại phía sau nhắc người trợ lý ngồi phòng trong mang cho ông mảnh giấy ghi chép những số liệu và các vấn đề ông quan tâm". Phu nhân của Fidel ngồi bên thỉnh thoảng cũng hỗ trợ thêm, giúp người phiên dịch nghe rõ câu nói của ông.

Vị lãnh tụ của cách mạng Cuba, mặc dù đã ở tuổi 90 song trí tuệ vẫn rất minh mẫn. Ông gửi lời hỏi thăm tới đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, không quên gửi lời hỏi thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam mà ông có dịp gặp gỡ và rất quý mến. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng gửi những lời chúc tốt đẹp nhất của các đồng chí lãnh đạo Việt Nam, mong Fidel "luôn khoẻ mạnh, làm chỗ dựa và tiếp tục dẫn dắt sự nghiệp cách mạng Cuba". Fidel nhìn ông chăm chú, mắt ngấn lệ bởi xúc động. Chủ tịch nước trao tặng Fidel bức chân dung Fidel thời trẻ được làm bằng đá quý của Việt Nam, trong ảnh Fidel đầu đội mũ nồi, mình vận bộ quân phục màu xanh ôliu trông rất mạnh mẽ. Đến lúc ấy, Fidel mới nguôi xúc động. Ông chỉ vào bức ảnh, cười: "Bây giờ không được như thời trẻ rồi".

Đã có một thời, hễ nhắc tới Fidel là chúng ta hình dung ra một người đàn ông vóc dáng cao lớn, gương mặt đẹp, cương nghị với bộ râu quai nón xanh rì, đôi mắt rực lửa cách mạng, luôn vận bộ quân phục màu xanh ôliu, bên hông đeo súng lục. Cho đến cuộc gặp cuối cùng này, vóc dáng ông đã nhuốm màu thời gian, duy có đôi mắt vẫn rực sáng, như muốn lưu giữ mãi dấu ấn một thời trai trẻ.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang, phu nhân và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh tụ Fidel.

Từ khi Fidel phải trải qua một số cuộc phẫu thuật và lui vào hậu trường, ông ngày càng giống với hình ảnh một nhà nghiên cứu, một triết gia, với bộ quần áo thể thao mặc ở nhà, cặp kính lão trễ trên sống mũi và cuốn sách dày cộp trên tay. Đó cũng chính là hình ảnh mà bạn đọc được thấy qua các tấm hình ông chụp với Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trong cuộc trò chuyện, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhắc nhiều tới chuyến Fidel thăm Việt Nam lần đầu vào tháng 9 năm 1973, lúc đó đất nước còn ngút trời khói lửa, đạn bom. Chủ tịch nước Trần Đại Quang bồi hồi: "Trong tâm khảm người dân Việt Nam luôn khắc sâu hình ảnh của đồng chí".

Nghe Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo những thành tựu phát triển của Việt Nam, đặc biệt là về kinh tế,  xã hội, Fidel rất phấn khởi. Ông nói: "Chắc bây giờ Việt Nam khác xa thời tôi sang thăm rồi". Lần cuối cùng Fidel sang thăm Việt Nam là vào tháng 2-2003.

Fidel hỏi rất kỹ về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; hỏi về sản lượng lúa, ngô, đậu tương cùng nhiều sản phẩm nông nghiệp khác. Ông hỏi tỉ mỉ số lượng đàn gia súc, số lượng bò, lợn, hỏi về tình hình nuôi trồng thủy sản, sản lượng đánh bắt xa bờ... Nhiều câu hỏi ông đặt ra chi tiết, cụ thể tới mức vượt quá sự quan tâm có thể của một người già và đã nhiều năm không còn trực tiếp điều hành công việc. Không thể nói gì khác hơn rằng Việt Nam vẫn luôn là mối quan tâm của ông, là một phần trong tâm khảm ông. Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, người từng nhiều năm giữ cương vị Phó Thủ tướng phụ trách khối kinh tế đã cung cấp thông tin làm thỏa mãn mối quan tâm của Fidel.

Nhân nhắc tới số lượng bò, lợn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo với đồng chí Fidel: "Giống bò các đồng chí Cuba cung cấp cho Việt Nam trước đây, chúng tôi đã lai tạo và hiện phát triển tốt. Xin cảm ơn đồng chí!". Trí nhớ của Fidel rất tốt. Và khi ông quan tâm tới vấn đề gì thì ông luôn tìm hiểu rất cặn kẽ. Fidel hỏi: "Diện tích trồng lúa nước của Việt Nam hiện chiếm bao nhiêu phần trăm?". Không hiểu nghe thế nào mà nữ phiên dịch lại dịch ra thành: "Diện tích mặt phẳng của Việt Nam là bao nhiêu phần trăm?". Ngỡ Fidel hỏi diện tích đồng bằng ở Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trả lời là chiếm khoảng 20 phần trăm diện tích cả nước. Nghe tới vậy, Fidel thắc mắc ngay: "Tôi nghĩ diện tích trồng lúa nước không được như vậy. Tôi biết địa hình Việt Nam đồi núi nhiều". Thì ra, có những điều liên quan tới Việt Nam, Fidel hiểu rất sát. Ông hỏi không phải để mà hỏi, mà là để tìm ra điều gì đó có thể ứng dụng nâng cao năng lực sản xuất cho người nông dân Cuba hiện nay.

Cuộc trò chuyện giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro kéo dài hơn một giờ mới kết thúc. Trước khi chia tay, lãnh tụ Fidel không quên giới thiệu với Chủ tịch nước Trần Đại Quang khu vườn ông đang ươm một số giống cây, đồng thời cảm ơn Việt Nam giúp đỡ Cuba nhiều về nông nghiệp.

Chiều ngày 16-11, sau lễ đón chính thức và hội đàm với Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam, đích thân Chủ tịch Cuba Raul Castro đã dẫn người đứng đầu Nhà nước Việt Nam thăm phòng làm việc của lãnh tụ Fidel ở Cung Cách mạng. Tại đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tận mắt trông thấy trên bàn làm việc của lãnh tụ Fidel tờ Granma, tờ báo của Trung ương Đảng Cộng sản Cuba số mới ra, trên trang nhất đưa tin, bài, hình ảnh nổi bật về cuộc hội kiến giữa ông và lãnh tụ Fidel. Chủ tịch Raul cho biết, mặc dù Tổng tư lệnh Fidel Castro (trong câu chuyện, từ con trai đến em trai của Fidel đều gọi ông là "Tổng tư lệnh") từ lâu không còn đến làm việc tại căn phòng này, nhưng căn phòng vẫn được duy trì nguyên trạng như khi ông còn đương chức. Báo vẫn được mang đến hàng ngày. Và, như để minh chứng điều này, sau khi cầm tờ Granma số ra ngày 16-11 lên xem, Chủ tịch nước Trần Đại Quang định đặt tờ báo vào vị trí cũ thì Chủ tịch Raul ngăn lại, nói: "Đồng chí cứ cầm lấy tờ báo làm kỷ niệm. Tờ báo đặt đây xem như Tổng tư lệnh đã đọc rồi. Báo được thay hằng ngày mà".

Kể lại câu chuyện trên để thấy, với các nhà lãnh đạo Cuba đương nhiệm, dù không có mặt thì hình bóng lãnh tụ Fidel vẫn luôn hiện diện mọi lúc mọi nơi trong đời sống của họ.

Phạm Khải
.
.
.