Công bố danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV

Thứ Ba, 26/04/2016, 16:54
Chiều 26-4, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố chính thức danh sách 870 người chính thức ứng cử đại biểu Quốc hội, trong đó có 11 người tự ứng cử. Hai đơn vị có nhiều người ứng cử nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (50 ứng cử viên, bầu 30 người) và địa phương ít nhất có 10 ứng cử viên (26 địa phương).


Theo báo cáo được Hội đồng bầu cử Quốc gia công bố, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều có 10 đơn vị bầu cử, mỗi đơn vị có 5 ứng viên để bầu lấy 3 đại biểu. Một số TP lớn khác như Hải Phòng có 15 người ứng cử (bầu 9), Đà Nẵng có 10 người ứng cử (bầu 6), Cần Thơ có 10 người ứng cử (bầu 6).

Trong cơ cấu các ứng cử viên, số người ứng cử do Trung ương giới thiệu là 197 người, địa phương giới thiệu là 673 người, đạt tỷ lệ 1,74 người ứng cử trên 1 đại biểu được bầu. Lần bầu cử này cũng ghi nhận việc tỷ lệ ứng cử viên là nữ và người dân tộc thiểu số tăng so với kỳ trước. Cụ thể, có 339 người ứng cử là nữ (38,97%); người dân tộc thiểu số 204 người (23,45%); người ngoài Đảng 97 người (11,15%); người tái cử 168 người (19,31%). Trong số các ứng cử viên, có 268 người dưới 40 tuổi (30,8%).

Về cơ cấu trong số người ứng cử ở Trung ương: Khối Cơ quan Đảng có 12 người (6,09%); Khối cơ quan Chủ tịch nước và các cơ quan tư pháp: 5 người (2,54%); Khối các cơ quan của Quốc hội: 113 người (57,36%); Khối Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ: 17 người (8,63%); Bộ Quốc phòng (gồm cả Bộ trưởng và các quân khu, quân chủng): 15 người (7,61%); Bộ Công an (gồm cả Bộ trưởng Bộ Công an): 3 người (1,52%); Kiểm toán Nhà nước 1 người (0,51%); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên 31 người (15,74%).


Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội trao đổi trong cuộc họp báo.

Trao đổi với báo chí trong cuộc họp báo về những người tự ứng cử, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ sự hoan nghênh, cho rằng điều này “thể hiện người dân rất quan tâm đến Quốc hội, mong muốn tham gia vào diễn đàn Quốc hội và đóng góp với Quốc hội”.

Về việc một số người tự ứng cử qua 2 vòng hiệp thương đầu có tỷ lệ phiếu rất cao, nhưng đến vòng hiệp thương thứ 3 đều trượt, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết bất cứ ai, kể cả người tự ứng cử lẫn người được giới thiệu cũng phải đối chiếu với tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và phải qua hiệp thương 3 vòng để chốt danh sách. “Việc các vòng đầu tín nhiệm rất cao, vòng 3 bị loại cũng rất bình thường, căn cứ vào kết quả kiểm phiếu để quyết định và người kiểm phiếu chính là các cử tri, nên kết quả đó là rất xác đáng”.

Về việc phân bổ vùng, miền ứng cử một cách hợp lý, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã được phân bổ đều ở các vùng miền. Khu vực ứng cử của các Ủy viên Bộ Chính trị cụ thể như sau: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ứng cử khu vực Hà Nội; Chủ tịch nước Trần Đại Quang ứng cử khu vực TP Hồ Chí Minh; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại Hải Phòng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ứng cử tại Cần Thơ; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải ứng cử tại Hà Nội; Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Đinh La Thăng ứng cử tại TP Hồ Chí Minh; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch ứng cử tại Hà Nam; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ứng cử tại Bắc Ninh; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng ứng cử tại Đồng Nai; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh; Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai ứng cử tại Lâm Đồng; Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ứng cử tại Long An; Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính ứng cử tại Quảng Ninh; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình ứng cử tại Quảng Bình; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng ứng cử tại Sơn La; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ứng cử tại Thái Nguyên; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân ứng cử tại Trà Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ứng cử tại Yên Bái; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh ứng cử tại Đà Nẵng.
V.H
.
.
.