Chuyện kể xung quanh bộ phim tài liệu "Một thế kỷ, một đời người"

Chủ Nhật, 13/10/2013, 18:13
Ngay sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, bộ phim "Một thế kỷ, một đời người" đang được phát trên nhiều kênh truyền hình cả nước. Đây là bộ phim tài liệu đầy đủ và chân thực nhất về “vị tướng của lòng dân”, do NSND Đào Trọng Khánh viết kịch bản và đạo diễn, Hãng phim Tài liệu và Khoa học TW sản xuất nhân kỷ niệm 100 năm sinh Đại tướng và là bộ phim lúc sinh thời, Đại tướng cũng rất khen ngợi.

Câu hỏi vì sao lại chọn Đại tướng Võ Nguyên Giáp để làm phim, trong số nhiều nhân vật lãnh đạo cấp cao mà NSND Đào Trọng Khánh có dịp gặp gỡ, đã đưa tôi đến cuộc trao đổi cùng ông. Trước sự “tò mò” ấy, câu trả lời của người đạo diễn tài ba thật giản dị: “Vì tôi là người lính và tôi rất yêu vị Đại tướng của mình!”. Rồi ông giải thích thêm trong niềm xúc động lắng sâu: Đó là một nhân vật lịch sử đặc biệt, đồng thời là vị tướng nhân hậu và giản dị. Là người cầm quân đánh giặc, nhưng ông không xây chiến công bằng bất cứ giá nào, mà rất thương lính. Nhiều trận đánh, ông cân nhắc, do dự, không phải vì sợ kẻ thù, chỉ là ông tính toán sao cho tổn thất ít nhất.

Để có được những phút phim tư liệu vô cùng quý giá, là hơn 20 năm trời NSND Đào Trọng Khánh “tích cóp” trong những lần quay phim về Đại tướng. Các bộ phim NSND Đào Trọng Khánh làm đều liên quan đến các sự kiện trọng đại của đất nước, nên không thể thiếu nhân vật lịch sử Võ Nguyên Giáp. Từng phút phim về Đại tướng được gìn giữ, nâng niu, để làm nên “Một thế kỷ, một đời người” hàm súc, cô đọng: Đó là một thiên tài quân sự và đặc biệt nhân văn. Nhưng điều đặc biệt ở bộ phim là, NSND Đào Trọng Khánh đã đưa ra một góc nhìn riêng, tỉnh táo và khách quan, để mang cho khán giả hình ảnh chân thực về vị tướng tài, làm bật lên sự vĩ đại trong một con người bình thường.

Có những ấn tượng về Đại tướng mà đạo diễn Đào Trọng Khánh không thể quên. Đó là lần đầu gặp Đại tướng để quay phim. Khi ông trân trọng gọi là Đại tướng, thì Đại tướng đã thân mật vỗ vai ông với một nụ cười ấm áp: “Đừng gọi là Đại tướng, nghe xa lạ lắm. Cứ gọi là anh Văn!”. Sự chân tình của vị tướng lập tức xóa nhòa khoảng cách giữa một chỉ huy cấp cao với người chiến sĩ.

Cảnh trong phim tài liệu “Một thế kỷ, một đời người” do NSND Đào Trọng Khánh viết kịch bản và đạo diễn.

Ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 30 Hoàng Diệu - Hà Nội luôn rộng cửa đón mọi người và chính những lần đến thăm ông, đã giúp NSND Đào Trọng Khánh hiểu thêm về tài năng và nhân cách của con người mà danh tiếng đã vượt ra ngoài biên giới quốc gia. Là nhà quân sự lỗi lạc, giàu trí tuệ, Đại tướng còn là một nhà văn hóa lớn và đã là tác giả của khoảng 70 tác phẩm có tiếng vang. Trong đời thường, Đại tướng cởi mở, giản dị và đặc biệt thương yêu con người. Những năm tháng bao cấp, gia đình Đại tướng cũng sống đạm bạc và sinh hoạt bình dị như mọi gia đình thường dân. Phu nhân của ông vẫn tự tay nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa. Hiểu thêm về con người khiêm cung, liêm chính, thận trọng và cần mẫn của vị tướng, càng làm nên cảm hứng để NSND Đào Trọng Khánh xây dựng nên bộ phim chân thực về Đại tướng.

Năm 1983, NSND Đào Trọng Khánh làm bộ phim “Trở lại chiến trường xưa”, đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể cho nghe câu chuyện ý nghĩa: Ngay sau khi ta giành chiến thắng, 5h chiều 7/5/1954, xung quanh trận địa vẫn còn tiếng súng nổ, Đại tướng đã đi thị sát mặt trận. Những người lính mặt còn đen nhẻm thuốc súng và bụi đất vội chui lên từ dưới những căn hầm, ùa ra vây quanh Đại tướng, hò reo phấn khởi: “Anh Văn ơi, chiến thắng rồi, sống rồi! Anh cho em bắt tay một cái”. Tiếng cười, cách gọi thân tình ấy đã thể hiện tình cảm sâu nặng giữa Đại tướng và những người lính.

Cảnh trong phim tài liệu “Một thế kỷ, một đời người” do NSND Đào Trọng Khánh viết kịch bản và đạo diễn.

NSND Đào Trọng Khánh cũng ghi lại được những thước phim quý khi thời chống Mỹ, Đại tướng cũng đến tận những nơi khốc liệt nhất: chiến trường Quảng Trị, đường 9 Nam Lào v.v… để chỉ đạo. Điều đó đã tạo niềm tin với từng chiến sĩ. “Nếu ở thời Trần, tướng sĩ là tình cha con, thì tình cảm của Đại tướng với bộ đội là tình anh em. Bất cứ lúc nào, Đại tướng cũng luôn nhất quán quan điểm: Phải chắc thắng thì mới đánh. Bởi ông thương yêu những người lính như ruột thịt” - NSND Đào Trọng Khánh nhớ lại.

Những tháng ngày làm phim, đạo diễn cũng theo chân Đại tướng đến nhiều vùng đất nước, được chứng kiến những cụ già, em nhỏ ở Cao Bằng vây quanh Đại tướng như người thân và Đại tướng cũng ân cần trò chuyện như người đi xa trở về, bởi “Làm sao quên được bát cơm, hạt gạo của dân trong những ngày khó khăn, gian khổ.”

Có lần, ông Đào Trọng Khánh nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Anh Văn ạ, ta nên làm một bộ phim về chiến tranh Việt Nam, không nên để nước ngoài làm”, lập tức được Đại tướng hưởng ứng: “Vấn đề hay quá, chú ghi đi, anh kể hết cho”. NSND Đào Trọng Khánh đã mất hàng tháng để ghi 700 phút phim, đủ tư liệu làm bộ phim dài 10 tập về chiến tranh Việt Nam. Tiếc là vì nhiều lý do, ước vọng xây dựng bộ phim đó của cả 2 người còn dang dở.

Song, những phút phim quý giá, hàm súc của "Một thế kỷ, một đời người" được chắt lọc từ hàng ngàn phút phim tư liệu quay trong gần 3 thập kỷ, hôm nay đã trở thành tư liệu quý giá, để thế hệ sau hiểu thêm và càng tự hào về một vị tướng vĩ đại của dân tộc

Thanh Hằng
.
.
.