Chúng ta vẫn chuyển giao công nghệ qua mua máy móc đã lạc hậu 2-3 thế hệ
- Thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu
- Nhật Bản sẵn sàng chuyển giao công nghệ giúp Việt Nam phát triển
- Thúc đẩy chuyển giao công nghệ tái cơ cấu ngành nông nghiệp
- Đề xuất thành lập VP chuyển giao công nghệ trong các trường ĐH
- Chuyển giao công nghệ trái phép bị phạt tối đa 100 triệu đồng
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: UBTVQH nhận thấy hoạt động CGCN là vấn đề rất quan trọng vì vị thế của một quốc gia gắn chặt với trình độ công nghệ của quốc gia đó. Tuy nhiên, nhiều ngành, lĩnh vực vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu; chúng ta vẫn CGCN thông qua mua máy móc, thiết bị phần lớn đã lạc hậu 2-3 thế hệ, ít đi kèm với giải pháp, quy trình, bí quyết kỹ thuật.
Ông Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu dự án luật |
Do đó, rất cần có các giải pháp thẩm định, kiểm soát luồng công nghệ nhập khẩu vào nước ta để ngăn chặn công nghệ cũ, công nghệ lạc hậu, công nghệ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam và yêu cầu của cải cách hành chính.
Theo đó, đối với việc kiểm soát có hiệu quả công nghệ của các dự án đầu tư, Khoản 2 Điều 14 về thẩm định công nghệ dự án đầu tư đã quy định dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường (theo quy định của Luật bảo vệ môi trường) phải thẩm định công nghệ hoặc có ý kiến về công nghệ. Ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về công nghệ là nội dung bắt buộc trong báo cáo thẩm định dự án đầu tư trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định đầu tư.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh cùng các ĐBQH trước giờ khai mạc |
Trong Dự thảo Luật đã bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan có liên quan tới thẩm quyền thẩm định công nghệ, về hồ sơ, nội dung, trình tự thẩm định công nghệ tại các Điều 15, 16, 17, 18 và 19.
Dự thảo Luật cũng đã bổ sung điều mới (Điều 20) về Hội đồng, tổ chức, chuyên gia tư vấn thẩm định công nghệ dự án đầu tư. Trường hợp công nghệ phức tạp, thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan được giao thẩm định công nghệ dự án đầu tư có quyền yêu cầu, phối hợp với cơ quan, đơn vị có chuyên môn để thẩm định hoặc thuê chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập để thẩm định.
Với đề nghị quy định “hậu kiểm” đối với các dự án có công nghệ, Dự thảo Luật đã bổ sung Điều 21 “Kiểm tra, giám sát công nghệ trong dự án đầu tư”, trong đó quy định cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN định kỳ, đột xuất hoặc khi có dấu hiệu vi phạm về ứng dụng và CGCN kiểm tra công nghệ của dự án đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Quy định này nhằm giảm thiểu tối đa việc có quá nhiều cơ quan kiểm tra giám sát dự án khi sự cố xảy ra, song không cơ quan nào chịu trách nhiệm chính và bảo đảm quản lý chặt chẽ công nghệ được sử dụng.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, điều quan trọng của Luật này cần tháo gỡ những khó khăn trong CGCN giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ trong nước và các Viện, Trường đại học. Tuy nhiên cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tránh chi phí cho doanh nghiệp. Theo ĐB, nên thay quy định thẩm định đầu tư mọi dự án khi sử dụng công nghệ bằng việc quy định nội dung cần thẩm định về mặt công nghệ.
Ngoài ra, ĐB cho rằng nên lược giản hóa các tài liệu hồ sơ doanh nghiệp phải nộp để thẩm định. Dẫn chứng từ cơ quan ông đang công tác tại Đại học Quốc gia phải đi xin phép nhiều đầu mối khác nhau, ông Quân đề nghị, cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, và nên có “một cửa, một đầu mối” trong đó gắn với mối quan hệ giữa các bộ, ngành, sở.
ĐB Lê Minh Thông (Thanh Hóa) đề nghị, trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư nhất định phải thẩm định nhằm hạn chế chuyển giao công nghệ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên ông Thông cho rằng, công nghệ cấm chuyển giao không cần thẩm định bởi cấm là không cho phép chuyển giao, mà nên tập trung thẩm định các công nghệ bị hạn chế chuyển giao thì nhất thiết phải thẩm định. Do đó Bộ Khoa học công nghệ nên ban hành danh mục các nhóm công nghệ bị hạn chế để có thể dễ áp dụng và giám sát.