Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng khu di tích tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần

Thứ Hai, 22/08/2011, 09:18
Kỷ niệm 66 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 120 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Tần, cố Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ngày 21/8, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến viếng khu di tích tưởng niệm đồng chí Võ Văn Tần, cố Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ tại thị trấn Đức Hoà, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Đi cùng đoàn có đồng chí Trương Hoà Bình, Bí thư TW Đảng, Chánh án TAND tối cao; đồng chí  Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Long An; đại diện Thành uỷ, UBND TP Hồ Chí Minh, các ban, ngành Trung ương và địa phương; gia đình thân nhân đồng chí Võ Văn Tần.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với các đại biểu tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN.

Đồng chí Võ Văn Tần, sinh năm 1891, tại làng Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn nay thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Nhà chí sĩ Võ Văn Tần là thầy giáo dạy chữ Hán, nên hiểu sâu sắc đời sống cơ cực của nông dân. Những năm 1924-1925, đồng chí Võ Văn Tần tham gia tổ chức yêu nước "Hội kín Võ An Ninh". Sau đó, ông về quê tuyên truyền xây dựng, tổ chức phong trào yêu nước. Với sự hiểu biết của mình, ông vận động bà con đoàn kết, chống lại áp bức bóc lột của bọn địa chủ cường hào.

Đến năm 1926, khi biết có tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội - tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, Võ Văn Tần liền xin gia nhập. Năm 1929, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư chi bộ Đảng, cũng là chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Đức Hòa.

Ngày 4/6/1930, đồng chí Võ Văn Tần trực tiếp chỉ đạo cuộc biểu tình khá rầm rộ của nông dân xã Tân Phú Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Chợ Lớn tố cáo giới chủ, đòi quyền dân sinh dân chủ. Hoảng sợ trước phong trào quần chúng yêu nước, Thực dân Pháp đàn áp trắng và kết án tử hình vắng mặt đồng chí Võ Văn Tần. Nhiều năm sau đó, đồng chí Võ Văn Tần liên tiếp giữ nhiều chức vụ quan trọng: năm 1931, Bí thư Tỉnh ủy Chợ Lớn; năm 1932, Bí thư Tỉnh ủy Gia Định. Và năm 1937, đồng chí Võ Văn Tần được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ; sau đó được bầu vào Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cuối năm 1939, Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm có Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí: Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần tổ chức Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 tại Hóc Môn - Bà Điểm đề ra chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất phản đế Đông Dương. Sau hội nghị, đồng chí Võ Văn Tần đã tích cực triển khai Nghị quyết của Trung ương đến các cấp của Đảng. Đến giữa năm 1940, trên đường đi công tác, đồng chí Võ Văn Tần bị địch bắt tại Hóc Môn. Kẻ địch dùng mọi thủ đoạn để dụ dỗ, tra tấn, nhưng không lung lạc được ý chí bất khuất kiên cường của người Đảng viên Cộng sản. Dù bị địch tra tấn đến tàn phế song đồng chí vẫn vận động đồng chí, đồng đội giữ gìn khí tiết của người đảng viên.

Không khuất phục được đồng chí Võ Văn Tần, ngày 28/8/1941, giặc Pháp đã xử bắn đồng chí Võ Văn Tần cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Thị Minh Khai và Phan Đăng Lưu, lúc ấy đồng chí Võ Văn Tần 46 tuổi. Trước khi ra pháp trường, đồng chí Võ Văn Tần đã để lại di bút thể hiện ý chí kiên cường bất khuất của người Cộng sản: "Xà lim căn dặn các đồng chí, thà mình chết, không khi nào mình giết chết phong trào cách mạng".

Tại lễ viếng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ: Cái chết hiên ngang của đồng chí Võ Văn Tần để lại niềm tiếc thương, căm thù giặc ngoại xâm trong lòng nhân dân miền Nam; thúc đẩy toàn dân cầm súng đứng lên chung vai, chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm, giải phóng đất nước. Phát huy truyền thống bất khuất của quê hương Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc, Đảng bộ và nhân dân Long An cần chung sức chung lòng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ IX; Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI; phát huy sức mạnh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tiếp thu, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước xây dựng nền an ninh - quốc phòng vững chắc, TTATXH đảm bảo; thu hút ngày càng nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng Long An ngày một thịnh vượng, năm 2020 trở thành tỉnh công nghiệp, nhân dân có mức sống cao ngang tầm khu vực…

Phương Nam
.
.
.