Cho ý kiến dự án Pháp lệnh Xử lý hành chính hành vi cản trở hoạt động tố tụng

Thứ Sáu, 07/03/2014, 22:28
Vấn đề này được bàn thảo tại phiên họp toàn thể do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 7/3.

Tại phiên họp, Ủy ban thẩm tra dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi); cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tòa án. Thẩm tra dự án luật, các thành viên Ủy ban nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nhằm khắc phục những tồn tại trong chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Tòa án từng cấp hiện còn chưa hợp lý, chưa phù hợp với các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của cơ quan tư pháp.

Đáng lưu ý, pháp luật hiện hành chưa quy định rõ địa vị pháp lý của Tòa án nhân dân tối cao dẫn đến hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân được tổ chức như một bộ, ngành, mà chưa phải là một cơ quan quyền lực tư pháp.

Liên quan đến tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, nhiều thành viên Ủy ban tán thành với quan điểm tổ chức Tòa án 4 cấp theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính theo đúng tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Về thẩm quyền thành lập TAND sơ thẩm khu vực, TAND cấp tỉnh, TAND cấp cao và Tòa án quân sự, có ý kiến đề nghị nên giao UBTVQH quyết định, thay vì giao Chánh án TAND tối cao. Việc quyết định cụ thể về số lượng các cấp Tòa án, phạm vi địa hạt tư pháp, QH ủy quyền cho UBTVQH theo đề nghị của Chánh án TAND.

Hiện nay, ở nước ta chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định có hệ thống về việc xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND mà mới chỉ có một số quy định về việc xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, vi phạm nội quy phiên tòa tại một số văn bản quy phạm pháp luật, nhưng cũng chưa cụ thể về các loại hành vi, hình thức xử lý và thẩm quyền xử lý…

Trên thực tế, các cản trở hoạt động tố tụng của TAND xảy ra nhiều kể cả trong và sau phiên tòa, tình trạng này đang gia tăng trong cả nước, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc của Tòa án. Do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về vấn đề này, cho nên việc xử lý các hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật quy định về các loại hành vi, hình thức, mức độ xử lý, thẩm quyền xử lý và thi hành quyết định xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của TAND là hết sức cần thiết

N.Thành
.
.
.