Chính phủ trình phương án tách dự án giải phóng mặt bằng cho Long Thành
- Xây dựng Sân bay Long Thành: Tìm đâu 18.000 tỷ đồng?
- Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển "chưa yên tâm" về dự án Long Thành1
- Vùng tiếp cận cất, hạ cánh của sân bay Tân Sơn Nhất, Biên Hòa và Long Thành bị chồng lấn
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được Quốc hội khóa 13 thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 94, có tổng mức đầu tư và nguồn vốn cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (5,45 tỷ USD)
Giai đoạn chuẩn bị đầu tư, dự án có 2 nội dung trọng tâm cần được tập trung thực hiện là lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 và lập phương án, thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Theo Bộ GTVT, sau khi chọn phương án thiết kế kiến trúc nhà ga hành khách, chủ đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định. Bộ này cho biết dự kiến đến 2019 mới có thể hoàn thành và trình báo cáo khả thi để Quốc hội xem xét, thông qua.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa |
Dự kiến sẽ thu hồi 5.614,65 ha cho dự án, nhiều hơn 614,65 ha so với diện tích được Quốc hội khóa 13 thông qua, gồm 5000 ha đất xây dựng cảng hàng không, còn lại là đất xây dựng các khu tái định cư và nghĩa trang. Trong số này, diện tích phục vụ xây dựng hạ tầng cho cảng hàng không là 2.750, diện tích cho quỹ quốc phòng là 1.050 ha và diện tích dành cho hạng mụ phụ trợ và Công nghiệp hàng không, công trình thương mại khác là 1.200 ha, chưa bao gồm các khu tái định cư và nghĩa trang
Theo Bộ GTVT, trong các diện tích phải GPMB, đất hộ gia đình, cá nhân sử dụng là gần 3000 ha (59,4% diện tích); đất do cơ quan, tổ chức sử dụng khoảng gần 2000 ha (38,5%) và đất giao thông, sông suối khoảng hơn 100 ha.
Phần diện tích đất để xây dựng 2 khu tái định cư và nghĩa trang là đất vườn cây cao su do Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai quản lý.
Tổng số hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất là 4.730 hộ với khoảng 15.000 nhân khẩu và 26 tổ chức.
Theo quy định, Thủ tướng chỉ có thể quyết định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần và tổ chức thực hiện độc lập khi Báo cáo nghiên cứu khả thi đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, do hiện nay việc lập báo cáo khả thi còn chưa hoàn thành nên Chính phủ chưa thể trình Quốc hội.
Theo tiến độ dự kiến, báo cáo khả thi sẽ được trình vào 2019, nhưng UBND tỉnh Đồng Nai lại cho rằng phải mất ít nhất 3 năm để hoàn thành GPMB giai đoạn 1, nên nếu không được tách, đến 2019, Đồng Nai mới được GPMB, thời gian thực hiện dự án sẽ kéo dài 2-3 năm và kinh phí sẽ tăng do giá thị trường tăng, đời sống người dân cũng khó khăn do hơn 10 năm nay họ đã phải sống trong vùng đất có quy hoạch.
Bộ GTVT cho biết: Cập nhật đơn giá mới nhất, tổng kinh phí triển khai dự án thành phần này là khoảng 23.000 tỷ đồng.
Hiện Ủy ban Kinh tế đã tiến thành thẩm tra dự án, nhưng mối quan ngại lớn nhất vẫn là vốn đầu tư, khi hiện mới chỉ “nhìn thấy” 5.000 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn đã được Quốc hội phân bổ, còn 18.000 tỷ chưa có nguồn. Chính phủ cũng cho biết khó có thể trông chờ vốn ODA cho thực hiện dự án này, và đang có hướng cho đấu giá đất đã được GPMB để bổ sung nguồn vốn. Tuy nhiên, phương án này chưa chắc chắn con số thu được sẽ là bao nhiêu.
Mặt khác, một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ lo lắng về việc chi tiền giải phóng mặt bằng xong mà Quốc hội không thông qua báo cáo khả thi của dự án thì sẽ ra sao?