Cắt vốn đầu tư nếu bỏ hoang dự án

Thứ Sáu, 11/04/2014, 15:28
“Tôi đề nghị phải quy định trách nhiệm tổ chức, cá nhân quyết định đầu tư gây lãng phí, có thể bị cắt vốn đầu tư trong một số năm” - ông Thân Đức Nam nói tại Hội nghị đại biểu chuyên trách, thảo luận dự án Luật Đầu tư công sáng nay, 11/4.

Năm vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau trong dự án Luật Đầu tư công là khái niệm về đầu tư công, dự án đầu tư công, phân cấp chủ chủ trương đầu tư, kế hoạch đầu tư, việc công khai minh bạch, giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công. Góp ý vào Dự án Luật này, đa số các đại biểu tập trung vào việc bổ sung các quy định, điều khoản nhằm nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, trách nhiệm của người quyết định dự án đầu tư, cũng như tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đối với các dự án đầu tư công.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị quy định chặt chẽ hơn đối với việc đánh giá hiệu quả cuối cùng của dự án, cũng như công khai đánh giá này. Theo ông, lâu nay việc đầu tư nhiều dự án lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, nhất là bỏ hoang gây thất thoát cực lớn. Cho nên đây là nguyên tắc đầu tiên, xuyên suốt tất cả các vấn đề trong luật...

Đại biểu QH đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân quyết định đầu tư sai.

Ông Thân Đức Nam tỏ ra sốt ruột với các quyết định đầu tư công sai mục đích, gây thất thoát, lãng phí lớn. Dự án Luật cần làm rõ khái niệm đầu tư công vì đây là các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước và đặc biệt cần làm rõ trách nhiệm của cá nhân khi quyết định đầu tư sai, gây thất thoát. Ông lấy ví dụ về việc các Khu công nghiệp xây xong rồi bỏ hoang hiện nay thì ai chịu trách nhiệm? Cần có chế tài đối với các cá nhân, tổ chức đưa ra quyết định đầu tư sai, gây lãng phí. “Ví dụ một địa phương đưa ra quyết định đầu tư sai mục đích tthì có thể bị cắt nguồn vốn đầu tư trong một số năm tiếp theo. Luật có nhiều chế tài ngăn chặn đầu tư lãng phí, nhưng chế tài chưa đủ mạnh” - ông Nam nói.

Các ý kiến thống nhất với việc phân cấp như quy định của dự án luật. Có ý kiến đề nghị bổ sung thẩm quyền của Quốc hội đối với việc phê duyệt chiến lược đầu tư công dài hạn trong từng giai đoạn, quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia và nhóm A.

Theo Ủy ban Kinh tế, so với quy định hiện hành về quản lý chương trình, dự án đầu tư công, dự án Luật đã có những quy định mới, chặt chẽ hơn về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư. Dự án Luật quy định tất cả chương trình, dự án đầu tư công đều phải thực hiện phê duyệt chủ trương đầu tư thay vì hiện nay chỉ có những chương trình, dự án quan trọng quốc gia mới phải được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư.

Với số lượng các dự án đầu tư nhóm A đang triển khai và thực hiện mới hàng năm, việc quy định Thủ tướng Chính phủ có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư loại dự án này là hợp lý và khả thi, đồng thời cũng đảm bảo tính ổn định, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về việc Quốc hội phê duyệt danh mục chương trình, dự án quan trọng quốc gia và danh mục dự án Nhóm A trong Kế hoạch đầu tư trung hạn.

Đáng chú ý, dự luật quy định hành vi bị cấm trong đầu tư công. Trong đó, cấm quyết định đầu tư gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia, làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và cộng đồng. Cấm bố trí vốn đầu tư dàn trải, không theo đúng các nguyên tắc, tiêu chí, định mức đã được quy định. Yêu cầu các doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư các dự án khi chưa được bố trí vốn kế hoạch hàng năm hoặc yêu cầu doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư ngoài mức vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Cố ý thực hiện các chương trình, dự án chậm so với tiến độ được duyệt hoặc chậm so với kế hoạch bố trí vốn; báo cáo không chính xác, không trung thực, không khách quan về kế hoạch đầu tư công và các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; cản trở hoạt động theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm việc thực hiện pháp luật về đầu tư công... cũng là những hành vi không được phép

P. Đăng
.
.
.