Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến về QLHC về TTXH và phòng chống tội phạm môi trường

Thứ Năm, 13/11/2008, 08:46
Ngày 12/11, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị (trực tuyến) về các kết quả 1 năm thực hiện Luật Cư trú; tổng kết 12 năm thực hiện Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; 7 năm thực hiện Nghị định 08/CP quy định về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện và Nghị định 58/CP về quản lý sử dụng con dấu; kết quả các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát môi trường sau 2 năm thành lập...

Tới dự, về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có đồng chí Phạm Khôi Nguyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng; về phía Bộ Công an, có: Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng; Trung tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng; lãnh đạo các Tổng cục, Vụ, Cục và lãnh đạo Công an các địa phương trong cả nước.

Luật Cư trú đã đi vào cuộc sống

Sau 1 năm thực hiện, Luật Cư trú đã đi vào cuộc sống. Những quy định của Luật đã cơ bản khắc phục được những tồn tại, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước đó, phù hợp quyền tự do cư trú của công dân theo Hiến pháp. Sau 1 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, Công an các địa phương đã giải quyết đăng ký thường trú tăng gấp 2,5 lần so với năm 2006; cấp 754.959 sổ hộ khẩu; đã đăng ký tạm trú cho 316.827 hộ, 2.417.883 nhân khẩu, cấp 495.312 sổ tạm trú.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên; Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, Thứ trưởng Trần Đại Quang và các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: PV.

 Để thuận lợi cho người dân, nhiều văn bản pháp quy không phù hợp đã bị bãi bỏ. Đây cũng là biểu hiện nghiêm túc, chủ động trong việc thực hiện cải cách hành chính, đổi mới các hoạt động nghiệp vụ của lực lượng Công an. Số lượng lớn hộ khẩu, nhân khẩu đã được giải quyết theo đúng quy định, hạn chế khá nhiều bức xúc của công dân về cư trú.

Bên cạnh đó, việc triển khai Luật Cư trú đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội ở các cấp, hỗ trợ đắc lực trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, giữ gìn ANTT. Thực tế công tác này đã đi vào cuộc sống, được xã hội hoan nghênh, nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, đó là một số quy định tại luật này chưa phù hợp trong điều kiện hiện nay. Hiệu quả công tác cải cách hành chính trong đăng ký, quản lý cư trú ở một số nơi còn hạn chế...

Thực hiện Nghị định số 47/CP về quản lý VK-VLN-CCHT cơ bản đạt kết quả tốt

Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 47/CP về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK-VLN-CCHT), các Bộ, ngành và các địa phương toàn quốc đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện đạt được nhiều kết quả tốt. Bộ Công an đã phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện cơ bản có hiệu quả việc giải quyết thủ tục trong công tác đăng ký, quản lý VK-VLN-CCHT. Ở nhiều nơi, nhiều thời điểm quan trọng đã tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời phục vụ yêu cầu chiến đấu, công tác, tập luyện, thi đấu của các cơ quan, đơn vị.

12 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các ngành liên quan, đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả việc tổ chức vận động nhân dân phát hiện, thu nộp VK-VLN-CCHT. Qua vận động nhân dân, đã thu hồi được 276.400 súng các loại, 559.707 viên đạn.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn những khó khăn vướng mắc như, một số quy định của văn bản quy phạm pháp luật đã không còn phù hợp thực tế, nhưng chưa được bổ sung kịp thời như: đối tượng trang bị chưa hợp lý; chế tài xử lý các hành vi vi phạm quy định còn quá nhẹ, thậm chí chưa đầy đủ nên hạn chế sức răn đe, giáo dục; một số cơ quan, tổ chức được trang bị VK-VLN-CCHT còn buông lỏng công tác quản lý, để thất thoát, sử dụng không đúng quy định.

Những tồn tại trên là do việc tuyên truyền chưa sâu rộng trong khi ý thức của người dân còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Một số nơi còn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành chức năng, nhiều nơi chủ yếu do Công an thực hiện. Có những cơ quan, tổ chức được trang bị nhưng không thực hiện tốt chế độ bảo quản, sử dụng và kiểm tra...

Lực lượng Cảnh sát môi trường đã khẳng định vị trí

Thời gian qua, tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đã và đang diễn biến phức tạp, phổ biến trên mọi lĩnh vực, địa bàn của đời sống kinh tế, xã hội. Điển hình là một số lĩnh vực: Hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà máy gây ô nhiễm nghiêm trọng và nóng bỏng nhất hiện nay. Vấn đề quản lý chất thải y tế nguy hại và chất thải sinh hoạt tại các bệnh viện, cơ sở y tế được dư luận và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.

Tại hầu hết các bệnh viện trong cả nước, lượng rác thải ra hằng ngày rất lớn nhưng chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo Quy chế xử lý chất thải y tế. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp và phế liệu trong tình trạng báo động cao. Hai năm qua, đã phát hiện nhiều vụ thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người như nước tương chứa chất gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine…

Ngay sau khi ra đời, lực lượng Cảnh sát môi trường (CSMT) đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, hoạt động bảo vệ môi trường ngày càng có hiệu quả. Đã phát hiện nhiều sai phạm, xử lý và kiến nghị xử lý nhiều vụ việc vi phạm gây bức xúc trong dư luận quần chúng, được các cấp, các ngành và nhân dân đồng tình ủng hộ. Đến nay, đã phát hiện và điều tra hơn 800 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử phạt vi phạm hành chính thu số tiền 130 tỉ đồng, cảnh cáo hàng trăm doanh nghiệp, cá nhân vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đánh giá: Sau 2 năm ra đời, là lực lượng mới mẻ, còn gặp nhiều khó khăn nhưng lực lượng CSMT đã nỗ lực và giành được thắng lợi giòn giã. Phải kiên quyết xử lý sai phạm, nhưng không để ảnh hưởng đến tăng trưởng, đó là một bài toán khó. Giữ nghiêm kỷ cương phép nước, xử lý nghiêm vi phạm thì sẽ thu về hiệu quả lớn trong công tác bảo vệ môi trường.

Hội nghị đã nghe 9 tham luận của đại diện Công an các địa phương về những lĩnh vực trên. 69 đơn vị có thành tích xuất sắc được Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát tặng bằng khen, giấy khen.

Thứ trưởng Trần Đại Quang trao bằng khen cho các tập thể xuất sắc.

Tổng kết Hội nghị, Thứ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Lãnh đạo Bộ Công an đánh giá cao những kết quả đã đạt được của các đơn vị, địa phương trong công tác quản lý hành chính về TTXH. Một số chuyên đề đạt được kết quả mang tính đột phá (như quản lý cư trú, vận động nhân dân thu hồi VK-VLN-CCHT), đó cũng chính là những thành tích nổi bật về cải cách hành chính của lực lượng CAND. Những kết quả đó đã góp phần tích cực trong công tác quản lý xã hội của Nhà nước, đảm bảo ANTT, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ nhân dân, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Những thành tích ban đầu của lực lượng CSMT đã góp phần giải quyết những vẫn đề nóng bỏng của xã hội, được dư luận đồng tình, góp phần đề cao trách nhiệm, huy động cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân cùng hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường.

Đồng chí Thứ trưởng cũng chỉ ra những tồn tại và nêu ra phương hướng thực hiện một số công tác trọng tâm trong thời gian tới. Đối với lĩnh vực quản lý hành chính về TTXH, đồng chí Thứ trưởng nêu rõ cần tập trung xây dựng Pháp lệnh về quản lý, sử dụng VK-VLN-CCHT để đáp ứng đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn hiện nay. Công an các địa phương tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, làm tốt công tác tham mưu và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật Cư trú, các nghị định về quản lý VK-VLN. Tiếp tục bồi dưỡng, tập huấn để cán bộ, chiến sĩ làm công tác này tiếp tục nâng cao trình độ, đề cao trách nhiệm và xây dựng tác phong vì nhân dân phục vụ.

Đối với lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về môi trường, Thứ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh Tổng cục Cảnh sát nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các tội phạm về môi trường trong Bộ luật Hình sự năm 1999 cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; bổ sung thẩm quyền điều tra cho lực lượng CSMT trong Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004.

Cần đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cần triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ cơ bản, làm tốt công tác phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cần có kế hoạch đào tạo, tập huấn, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ về pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật môi trường… đảm bảo đủ năng lực điều tra, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này...

Kim Quý
.
.
.