Bí thư Tỉnh nộp 100 triệu đồng: Tiền "chạy chức" hay "chạy án"?

Thứ Năm, 24/04/2008, 11:51
Nhiều năm trước, Báo CAND đã từng phản ánh những dấu hiệu bất thường, nghi vấn việc chạy án, bỏ lọt tội phạm ở Cà Mau nhưng nhiều năm sau mới được làm sáng tỏ. Không chỉ có chạy án, giờ đây ở Cà Mau dư luận đang phản ánh tình trạng chạy… chức. Chính Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã giao nộp lại 100 triệu đồng tiền chạy chức, vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên qua xâu chuỗi các sự kiện của vụ chạy án, dư luận đang đặt ra: 100 triệu đồng là tiền chạy chức hay chạy án?
>> Bộ trưởng Nội vụ hứa sẽ làm rõ vụ 100 triệu đồng chạy chức

Viện trưởng VKSND tỉnh có… chạy án? 

Báo CAND đã đăng bài "Viện trưởng Viện KSND tỉnh vi phạm pháp luật" về hàng loạt những sai phạm của ông Lộc nhưng chưa đề cập đến những việc làm bất thường trên cương vị Viện trưởng của ông này.

Vụ Công ty Camimex là một trong những vụ án kinh tế ở tỉnh Cà Mau, gây thất thoát tài sản Nhà nước hàng chục tỉ đồng, hàng loạt cán bộ của công ty bị khởi tố, bắt giam và đưa ra xét xử trước pháp luật.

Tuy nhiên hai nhân vật quan trong nhất của vụ án là ông Trần Quang Chiêu, nguyên Giám đốc, đặc biệt là ông Nguyễn Tín Ngưỡng, Phó Giám đốc vẫn còn ung dung.

Vụ án được Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Cà Mau điều tra làm rõ. Ông Chiêu và ông Ngưỡng đã có hành vi phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng", "Lưu hành, vận chuyển các giấy tờ có giá giả" và "Cố ý làm trái".

Các bị cáo trong vụ án Camimex.

Sau khi điều tra làm rõ, Cơ quan CSĐT đã chuyển sang Viện KSND tỉnh Cà Mau, thì ngày 1/9/2004, Viện KSND trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung. Sau khi điều tra bổ sung, ngày 29/10/2004, cơ quan điều tra vẫn chứng minh hành vi phạm tội của Chiêu, Ngưỡng và các đồng phạm nên vẫn giữ nguyên tội danh "Cố ý làm trái".

Ngày 16/11/2004, một lần nữa Viện KSND tiếp tục trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung.

Ngày 27/1/2005, bản kết luận bổ sung lần hai đã chứng minh Trần Quang Chiêu ký 2 hợp đồng, Nguyễn Tín Ngưỡng ký 2 hợp đồng mua bán tôm thành phẩm nhiễm virus đốm trắng thua lỗ trên 1 tỉ đồng, hàng thiếu trọng lượng, sai kích cỡ gây thiệt hại 88 nghìn USD, đồng thời làm rõ thêm việc mua hóa đơn, cũng như sửa chữa chứng từ.

Vì vậy, Cơ quan CSĐT - Công an Cà Mau giữ nguyên quan điểm như ban đầu, ông Chiêu, ông Ngưỡng có dấu hiệu vi phạm các tội "Cố ý làm trái" và "Lưu hành, vận chuyển các giấy tờ có giá giả".

Khi không còn lý do yêu cầu điều tra bổ sung nữa, ông Lộc lại tìm cách khác nhằm "giải cứu" cho ông Chiêu và ông Ngưỡng bằng cách lấy tư cách là Viện trưởng Viện KSND để tổ chức xin ý kiến Ủy ban Kiểm sát Viện KSND tỉnh. Với kết quả 4/5 ủy viên đồng ý Ngưỡng, Chiêu có tội.

Thua chiêu này ông Lộc làm chiêu khác, làm công văn xin ý kiến Viện KSND tối cao.

Ngày 18/7/2005, Vụ 1 - Viện KSND tối cao đã có công văn trả lời Viện trưởng Trần Công Lộc là việc cơ quan điều tra Công an tỉnh Cà Mau khởi tố ông Nguyễn Tín Ngưỡng là đúng pháp luật.

Cũng phải nể cái sự nhiệt tình "bao che" của ông Lộc, khi ngày 1/9/2005, ông Lộc là Viện trưởng VKSND - cơ quan độc lập nhưng gặp Thường trực Tỉnh ủy Cà Mau để "báo cáo" vụ án Camimex.

Ngày 25/10/2005, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Võ Thanh Bình trực tiếp ký Công văn số 995-CV/TU ghi "Một số bị cáo khác xử lý nghiêm; riêng trường hợp Nguyễn Tín Ngưỡng thì đồng ý với đề xuất của Viện trưởng Viện Kiểm sát". Như vậy là ông Ngưỡng đã lọt tội.

Sau khi dư luận lên tiếng, Báo CAND cũng đã phản ánh thì TAND tối cao đã có quyết định hủy hai bản án xét xử vụ Camimex. Mặt khác Đoàn kiểm tra 211 của Tỉnh ủy Cà Mau vào cuộc làm rõ hàng loạt vấn đề liên quan đến ông Lộc.

Công an tỉnh Cà Mau đã thực hiện điều tra lại vụ án và ngày 9/4, Thượng tá Lê Quốc Hùng, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an tỉnh Cà Mau ký quyết định bắt giam đối với ông Trần Quang Chiêu và ông Nguyễn Tín Ngưỡng.

Vấn đề đặt ra, ông Trần Công Lộc có dấu hiệu "Cố ý bỏ sót tội phạm" nhưng đằng sau vụ việc này còn có những ai?

Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình giao nộp 100 triệu đồng tiền chạy án hay chạy chức?

Trong những ngày qua, một số cơ quan báo chí đưa tin ông Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau giao nộp 100 triệu đồng là tiền có người đưa chạy chức nhưng ông giao nộp và chưa công bố tên tuổi người chạy chức là ai. Tuy nhiên, những người theo dõi diễn biến sự kiện trong nhiều năm qua lại đặt dấu hỏi: 100 triệu đồng là tiền chạy chức hay chạy án?

Vụ việc xảy ra trong thời gian BTVTU Cà Mau họp ngày 8 và 9/4 về việc sắp xếp tổ chức và bố trí nhân sự lãnh đạo các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố Cà Mau và phân công cán bộ thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Lâu nay vấn đề bố trí nhân sự luôn được tranh luận tại cuộc họp thường vụ, vì vậy tại cuộc họp ngày 8 và 9/4 có nhiều ý kiến quyết liệt tạo không khí buổi họp "nóng ran".

Một thành viên trong cuộc họp (Ủy viên BTVTU Cà Mau) đã công khai ý kiến của ông Bí thư Võ Thanh Bình. Ông Bình nói trong cuộc họp rằng: "Nếu trong 2 tuần qua (tức 2 tuần trước khi họp BTVTU để sắp xếp cán bộ), tôi nhận tiền chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ thì khoảng hơn 1 tỷ đồng".

Một thành viên khác trong cuộc họp này cho biết thêm: "Để chứng minh sự "chân thật của lời nói", ông Võ Thanh Bình đã cho lái xe riêng mang vào phòng họp 100 triệu đồng được gói bằng giấy báo".

Mặc dù chuyện chạy chức, chạy quyền xảy ra ngay cuộc họp nhưng nội dung cuộc họp vẫn không thay đổi, đội ngũ cán bộ được sắp xếp, bố trí đợt này vẫn như dự kiến, khiến nhiều người bức xúc.

Tại cuộc họp này, nhiều thành viên yêu cầu Bí thư nêu rõ ai chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ… phải loại ra khỏi danh sách bố trí cán bộ đợt này, nhưng ông Bí thư vẫn làm ngơ.

Có mặt tại Cà Mau, chúng tôi cùng một số đồng nghiệp đã liên hệ trực tiếp với ông Võ Thanh Bình và Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tuy nhiên chỉ nhận được trả lời là chưa thể công bố thông tin về người chạy chức 100 triệu đồng.

Nhiều người cho rằng khả năng 100 triệu đồng chạy án hơn là chạy chức. Vì trở lại vụ án Camimex, hàng loạt những việc làm "quá nhiệt tình" của ông Lộc và Công văn số 995-CV/TU do chính ông Bình trực tiếp ký nên Nguyễn Tín Ngưỡng mới lọt tội.

Trở lại thời gian khi Công an điều tra lại vụ án, ngày 9/4, bắt tạm giam ông Ngưỡng và ông Chiêu thì cũng trong khoảng thời gian này ông Võ Thanh Bình công bố giao nộp 100 triệu đồng cho là chạy chức nhưng chưa chịu công bố người đưa tiền. Phải chăng khi bị bắt, các bị can trong vụ án Camimex tiếp tục chạy án?

Nhiều luồng dư luận khác cũng đặt ra có thể 100 triệu đồng là tiền chạy chức vì số tiền 100 triệu đồng đưa cho ông Võ Thanh Bình là trước ngày diễn ra cuộc họp về sắp xếp, bố trí nhân sự. Việc chạy án hay chạy chức sẽ được làm rõ trong nay mai.

Có thể nói, chưa bao giờ Cà Mau lại có những cuộc họp quan trọng như lúc này vì có nhiều vấn đề liên quan đến nội chính. Từ ngày 22/4, Ban cán sự Đảng Viện KSND tỉnh Cà Mau tổ chức cuộc họp (dự kiến 3 ngày) kiểm điểm một số sai phạm liên quan đến ông Viện trưởng Trần Công Lộc. Cuộc họp có sự giám sát của đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các ban, Đảng tỉnh Cà Mau.

8h sáng 23/4, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã triển khai quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông ông Võ Thanh Bình - Bí thư Tỉnh ủy.

Cũng trong sáng 23/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau đã tổ chức cuộc họp bất thường (dự kiến trong 2 ngày) để làm rõ 3 vấn đề liên quan đến ông Võ Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy, là can thiệp vào cơ quan tố tụng (có văn bản - ảnh), cụ thể là vụ án Camimex; ai đã đưa tiền chạy chức 100 triệu đồng; kiểm tra lại việc bổ nhiệm nhân sự vừa qua.    

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn: Sẽ sớm làm rõ!

Bộ trưởng Trần Văn Tuấn.

Trả lời phỏng vấn báo chí sáng qua 23/4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn cho biết sẽ cử cán bộ làm rõ việc này và sẽ sớm thông tin công khai với báo chí.

- Thưa Bộ trưởng, việc đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Võ Thanh Bình không cung cấp danh tính người đưa tiền đang khiến nhiều người đặt câu hỏi: vì sao?

+ Tôi nghĩ có thể báo chí chưa có điều kiện tiếp cận với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nên có thể thông tin chưa đầy đủ, còn với trách nhiệm của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí sẽ làm rõ việc đó. Tôi cũng sẽ xem xét cụ thể, những tôi chắc rằng, đồng chí có quan điểm về việc giải quyết của mình.

- Trong trường hợp này, lẽ ra đồng chí Võ Thanh Bình phải lập biên bản hoặc là báo cơ quan chức năng ngay, nhưng sau đó đồng chí lại bảo tài xế mang đến nộp. Thưa, Bộ trưởng thấy sao về việc này?

+ Tôi cũng chưa biết đồng chí Bình đã thực hiện như thế nào nên tôi cũng chưa có đủ điều kiện để nói đúng hay không đúng. Trong quá trình chúng tôi xem xét, những việc cụ thể ấy sẽ được báo cáo lại với các đồng chí.

- Vậy về nguyên tắc, trong trường hợp cán bộ nhận tiền của cấp dưới đưa như vậy thì họ phải xử lý như thế nào?

+ Phải theo qui định chung của Luật Phòng chống tham nhũng cũng như các qui định khác. Để xác định cán bộ đúng sai phải có những căn cứ pháp lí, làm đúng theo trình tự.

- Thưa Bộ trưởng, quan điểm của đồng chí về vụ việc này ra sao?

+ Chúng tôi có trách nhiệm cùng với các ngành có liên quan để làm rõ việc này ra. Nếu việc nào sai thì phải đề nghị với cấp có thẩm quyền xem xét. Chúng tôi cũng sẽ có ý kiến với Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng về việc này.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

 Đ.B.T. (ghi)

Nam Giao
.
.
.