Ưu tiên đưa lao động đến những thị trường thu nhập cao

Thứ Tư, 28/12/2022, 06:27

Đây là một trong những mục tiêu trọng tâm đặt ra trong Chỉ thị số 20-CT/TW vừa được ban hành những ngày cuối năm 2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm chuyên gia và lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài gửi về nước khoảng 10 tỷ USD, đã góp phần lớn vào việc phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vào chương trình Xây dựng nông thôn mới. Xuất khẩu lao động còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động mỗi năm với việc làm và thu nhập ổn định. Thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chỉ thị 20-CT/TW, hứa hẹn thời gian tới, lĩnh vực xuất khẩu lao động sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.

Ngày càng nhiều lao động muốn ra nước ngoài làm việc

Tốt nghiệp Khoa Quản trị chế biến món ăn, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, mong muốn của Ngô Thị Thu Lan (Thạch Thất, Hà Nội) là sau khi ra trường đi làm một số năm, tích lũy đủ kinh nghiệm và có chút vốn sẽ mở nhà hàng của riêng mình. Thế nhưng sau gần 4 năm ra trường đi làm, Thu Lan đã phải chuyển hướng nhằm thực hiện được ước mơ của mình.

Ưu tiên đưa lao động đến những thị trường thu nhập cao -0
Người lao động do một công ty xuất khẩu lao động tuyển chọn trước giờ sang Nhật Bản làm việc. Ảnh: CTV.

“Ra trường đi làm cho một hệ thống nhà hàng gần 4 năm nay, thế nhưng gần như chẳng tích lũy được gì. Nhiều người cứ nghĩ nghề bếp hiện nay dễ kiếm được việc làm và thu nhập cũng khá. Thế nhưng ở trong nghề mới biết, gọi là có chút kinh nghiệm như em thu nhập cũng chỉ khoảng 8 – 10 triệu đồng/tháng. Trừ hết các chi phí sinh hoạt, ăn uống, thuê nhà đi thì không hề có tích lũy. Chính vì thế mà em quyết định đi xuất khẩu lao động Nhật Bản. Xa nhà vài năm nhưng thu nhập ổn định, mỗi tháng trừ ăn tiêu rồi cũng có thể để ra được 20 – 25 triệu đồng. Sau khi về nước với số vốn tích lũy được có thể kinh doanh hoặc mở nhà hàng theo mơ ước của mình”, Thu Lan chia sẻ.

Để có thu nhập cao hơn và nhanh có vốn tích lũy, theo chia sẻ của Thu Lan cô đã đăng ký tuyển dụng đơn hàng chế biến thực phẩm tại tỉnh Kanto, Nhật Bản. Hiện đang học tiếng Nhật, kỹ năng nghề và giáo dục định hướng. Tháng 3/2023 sẽ kết thúc khóa học và dự kiến đầu tháng 4/2023 sẽ xuất cảnh.

Cũng đang học tiếng Nhật và các kỹ năng để tháng 2/2023 xuất cảnh sang làm việc theo đơn hàng “Sử dụng thiết bị xây dựng” tại Nhật Bản, anh Bùi Văn Cư (Nam Trực, Nam Định) cho hay, tốt nghiệp Cao đẳng Xây dựng, gần 5 năm lăn lộn ở nhiều công trường vất vả mà thu nhập không cao. Do đó, anh đã bàn với gia đình và quyết tâm đi xuất khẩu lao động Nhật Bản.

“Ra nước ngoài làm việc cũng là "đi bán sức lao động để kiếm tiền", thế nhưng mức thu nhập cao hơn và xứng đáng. Cùng với đó, một vấn đề tôi quan tâm nữa là mục tiêu dài hạn sau 5 năm, 10 năm mình tận dụng cơ hội làm việc ở nước ngoài sẽ mang lại nhiều lợi ích bản thân. Chẳng hạn, sau thời hạn làm việc ở nước ngoài sẽ cố gắng đạt được trình độ ngoại ngữ nhất định. Tiếp đến, chuyên môn cũng được nâng cao, học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm làm việc để khi về nước sẽ có thêm nền tảng phát triển", anh Bùi Văn Cư cho biết.

Nhu cầu ra nước ngoài làm việc của lao động Việt Nam đang ngày càng tăng trong những năm qua. Theo số liệu của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt con số 100 ngàn người mỗi năm. Giai đoạn 2013 – 2021 đã đưa được gần một triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng được lên tới 25 thị trường, tạo việc làm cho khoảng từ 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

Ưu tiên đưa lao động đến những thị trường thu nhập cao -0
Tăng dần tỷ lệ lao động đã qua đào tạo bài bản đi làm việc ở nước ngoài thời gian tới là mục tiêu của lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Tập trung tìm kiếm các thị trường phát triển

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra trong Chỉ thị số 20-CT/TW vừa được ban hành là tạo cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động Việt Nam, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi về nước; ưu tiên đưa lao động đi làm việc ở những thị trường lao động có thu nhập cao, an toàn; công khai, minh bạch các khoản phí, hướng đến giảm chi phí cho người lao động. Với việc có sự vào cuộc của nhiều ban, ngành theo Chỉ thị, các nhiệm vụ trọng tâm tới đây sẽ có chuyển biến mạnh mẽ.

“Đưa người lao động ra nước ngoài làm việc ngoài việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập thì yếu tố cốt lõi là sẽ thu về lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao, đáp ứng như cầu nhân lực chất lượng cao trong nước. Các thị trường tốt nhất hiện nay mà người lao động lựa chọn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, châu Âu… đều là những quốc gia phát triển, có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Cho nên, khi đến đó làm việc, người lao động sẽ có cơ hội học hỏi, rèn luyện để phát triển những thế mạnh của mình. Để rồi từ đó, sau khi về nước, người lao động sẽ tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người và làm giàu cho bản thân”, ông Liêm cho hay.

Để hướng tới mục tiêu đưa lao động đến những thị trường thu nhập cao, an toàn, ông Liêm cho biết, Cục Quản lý lao động ngoài nước với vai trò chuyên môn sẽ tiếp tục đàm phán, tìm kiếm các thị trường chất lượng, thu nhập cao để đưa lao động đi, hướng tới các nước phát triển như ở châu Âu, Úc… Mục tiêu hằng năm duy trì số lượng khoảng 100 nghìn người đi.

Về chất lượng, sẽ tăng dần số lao động qua đào tạo bài bản, ít nhất nửa năm trở lên, chứ không chỉ sơ cấp như hiện nay. Tỷ lệ nâng dần từ 60% lên 80% vào năm 2025, tiến tới toàn bộ người đi phải được đào tạo bài bản. Chất lượng, ý thức lao động xuất khẩu tăng lên sẽ giải quyết nhiều vấn đề, hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp; giải bài toán việc làm sau khi về nước...

Ông Nguyễn Lương Trào, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới hiện nay, cần tăng tỉ lệ lao động chất lượng cao, có kỹ năng tốt, trình độ đại học, cao đẳng… Cùng với đó, chi phí đi làm việc cần tìm mọi cách giảm xuống.

“Hiện tỉ lệ lao động kỹ thuật bậc cao, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài chưa nhiều. Do đó, cần từng bước nâng tỷ lệ này để nâng cao giá trị xuất khẩu lao động Việt. Cần đưa lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn, có trình độ, có kỹ năng để có việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn. Tôi cho rằng, Chỉ thị số 20-CT/TW đã đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm rất đúng và trúng. Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này cần đàm phán mở rộng hợp tác với các nước về các ngành nghề chuyên môn để tăng tỉ lệ lao động kỹ thuật cao. Việc tìm kiếm các thị trường mới, chất lượng cao cần được cả các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp dịch vụ đẩy mạnh trong thời gian tới”, ông Nguyễn Lương Trào cho biết.

Phan Hoạt
.
.
.