Tìm cách gỡ vướng, tăng tốc giải ngân đầu tư công

Chủ Nhật, 03/11/2024, 08:57

Được coi là động lực quan trọng để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, song đã qua 10 tháng, giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Hàng loạt vướng mắc đang được khẩn trương tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn.

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch, đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ năm 2023 đạt 52,03% kế hoạch và đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 16.127,2 tỷ đồng, đạt 59,25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Có 15 bộ, ngành và 41 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, còn tới 29 bộ, ngành và 22 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.

Tìm cách gỡ vướng, tăng tốc giải ngân đầu tư công -0
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 10/2024 là 355.616,1 tỷ đồng, đạt 47,43% kế hoạch.

Theo ghi nhận từ phía Bộ Tài chính, đến nay, nhiều khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vẫn chưa được giải quyết dứt điểm như: vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA…

Chia sẻ về các khó khăn vướng mắc ảnh hưởng đến kết quả giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, có 4 khó khăn chính. Thứ nhất, trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng qua nhiều khâu, nhiều bước nên mất rất nhiều thời gian. Thứ hai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di dời công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn là khâu tiềm ẩn nhiều rủi ro, gây ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện và giải ngân của các dự án. Thứ ba, vướng về nguồn cung cấp về vật liệu tại một số dự án, và thứ tư, khó khăn do thời tiết, nhất là thời gian tới vào mùa mưa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án.

Là cơ quan quản lý về giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Tài chính cho biết đã tích cực tổng hợp, rà soát, đánh giá để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ nhiều giải pháp chỉ đạo điều hành kế hoạch đầu tư công năm 2024, như công khai hàng tháng số liệu giải ngân của từng dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm giao thông, dự án liên vùng... gửi tới từng bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để nắm bắt và có giải pháp kịp thời đôn đốc việc triển khai dự án và điều hành kế hoạch vốn của các dự án; chủ động thực hiện các giải pháp điều hành, đáp ứng đủ nhu cầu vốn kế hoạch năm theo tiến độ cho các dự án trong phạm vi dự toán đã được Quốc hội giao; kho bạc nhà nước đồng bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng ngân sách có thể giao dịch với kho bạc nhà nước 24/7 (kể cả ngày nghỉ/ngày lễ), tại bất cứ địa điểm nào có kết nối Internet.

Hiện, Bộ Tài chính đang đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công theo chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ. Đối với các dự án có quy mô lớn, yêu cầu kỹ thuật phức tạp, trải dài trên nhiều địa phương, thời gian thi công gấp rút, điều kiện địa hình, thời tiết khó khăn, thiếu thốn nguyên vật liệu...

Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phân công rõ trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành đảm bảo khoa học, hiệu quả công việc. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần chủ động, kịp thời điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn, đảm bảo thời gian điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án trong nội bộ trước ngày 15/11/2024.

Đáng chú ý, hiện nay, dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi đang đẩy mạnh phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các địa phương. Theo đánh giá, việc phân cấp, phân quyền giúp cho UBND các cấp chủ động trong việc quyết định chủ trương đầu tư, chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn, hạn chế tối đa tình trạng "vốn chờ dự án", "dự án chờ vốn".

Đặc biệt, liên quan đến giải phóng mặt bằng - một trong những vướng mắc lớn nhất hiện nay của các dự án đầu tư công - dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án.

Thực tế thời gian qua, điều này đã được thí điểm và có hiệu quả rõ rệt, giúp tháo gỡ nhanh các vướng mắc trong thực hiện các dự án đầu tư công. Do đó, việc dự thảo luật Đầu tư công sửa đổi luật hoá những điều mà thực tế đã chứng minh đúng đắn là cần thiết và được kỳ vọng sẽ mang lại động lực mới cho lĩnh vực này.

Hà An
.
.
.