Livestream tạo cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử
Bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của doanh nghiệp (DN), để rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm.
Mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu livestream bán hàng trực tuyến
Tại giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Bán hàng trực tuyến (livestream) qua sàn thương mại điện tử - Giải pháp giúp doanh nghiệp Việt vượt khó”, do Báo Hànộimới phối hợp Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội tổ chức chiều 27/6, ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, livestream bán hàng tại Việt Nam rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm và đang tạo nên cuộc đua gay cấn trong thương mại điện tử (TMĐT).
Ông Nguyễn Thế Hiệp cho biết, giải pháp bán hàng qua sàn TMĐT tạo điều kiện thuận lợi cho các DN. Bình quân mỗi tháng có khoảng 2,5 triệu phiên bán hàng livestream. Các mặt hàng bán qua hình thức này rất đa dạng như: thời trang, làm đẹp, văn phòng phẩm…“Việc bán hàng livestream có nhiều lợi ích như: Khai thác sức mạnh mạng xã hội, tăng tương tác trực tiếp với khách hàng, rút ngắn hành trình mua hàng, quảng bá sản phẩm... Với phương thức bán hàng TMĐT nói chung và livestream nói riêng, các DN phát triển các loại hình phân phối hiện đại, mở rộng đối tượng khách hàng”, đại diện Sở Công Thương Hà Nội nói.
Đáng chú ý, ngoài hình thức livestream bán hàng thuần túy, hiện đã xuất hiện cả những cuộc livestream bán hàng kéo dài 2-3 tiếng với các hoạt động âm nhạc, game và các chương trình khuyến mãi độc quyền. Các thương hiệu còn đang kết hợp với những người có ảnh hưởng (KOLs) để đạt được hiệu quả kinh doanh. Ngoài các kênh mạng xã hội phổ biến (như Facebook, Youtube, TikTok …), hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử (như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…) cũng được nhiều thương hiệu áp dụng.
Thay vì sử dụng các nhà phân phối, giờ đây nhiều DN sản xuất có xu hướng trực tiếp mở cửa hàng online hoặc bắt tay với các KOLs để bán hàng trực tiếp tới người tiêu dùng trên các sàn TMĐT và thông qua bán hàng livestream. Điều này cho phép nhà sản xuất kiểm soát toàn diện quy trình hoạt động như sản xuất, marketing và bán hàng, đồng thời, chi phí trung gian giảm tới mức tối đa giúp biên độ lợi nhuận cao hơn.
Trong bối cảnh hiện nay, người tiêu dùng đang có xu hướng tìm kiếm những sản phẩm giá rẻ và độc lạ hơn để thử nghiệm. Điều này mở ra cơ hội cho DN thích ứng và đổi mới, đồng thời thách thức họ phải tạo ra những chiến lược tiếp thị sáng tạo để thu hút sự chú ý của khách hàng.
Đánh giá cao hình thức bán hàng trực tuyến, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho hay, nhiều sản phẩm hàng hóa của DN được lên các sàn TMĐT lớn trên thế giới như: Amazon, Alibaba... TMĐT chiếm 60% doanh thu, thương mại truyền thống chiếm 40%. Các sản phẩm truyền thống, vùng miền có xuất xứ chuẩn đều được các quốc gia đang phát triển tin dùng, đặc biệt là sản phẩm chủ lực, sản phẩm handmade của Hà Nội được thị trường Bắc Âu, Tây Âu ưa chuộng.
Đồng quan điểm trên, bà Mai Thị Kim Thoa, Phó Tổng Biên tập Báo Hànộimới cho hay, bán hàng online qua các nền tảng trực tuyến hiện đang là một trong những xu hướng tất yếu và trở thành một phương tiện quan trọng trong chiến lược tiếp thị và bán hàng của DN, tạo cơ hội cho các tiểu thương, DN tiếp cận và mở rộng thị trường, nhất là với các DN khởi nghiệp. Từ năm 2023, việc livestream bán hàng thực sự trở nên sôi động và thu hút nhiều người tham gia ở cả phía người mua và người bán. Thậm chí, các sở, ngành tại nhiều địa phương cũng hỗ trợ DN đưa hàng lên sàn.
Với kênh livestream bán hàng trực tuyến, nhiều DN khởi nghiệp, tiểu thương, chủ thể OCOP và cả những người nông dân Việt không chỉ bán sản phẩm của mình làm ra, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ và đặc biệt là những cảm xúc, niềm tự hào về sản phẩm của địa phương mình. Nhiều DN đang đẩy mạnh bán hàng trên nền tảng số và đầu tư rất bài bản, xem đây là kênh phân phối hàng hóa rất tiềm năng. Theo thống kê, năm 2023, tại Việt Nam có 2,2 tỷ sản phẩm được giao thành công trên 5 sàn thương mại điện tử hàng đầu cả nước, gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và TikTok Shop, tăng 52,3% so với 2022.
Ở góc độ DN, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Khóa Việt Tiệp cho biết, từ những năm 2020, Công ty đã đầu tư bán hàng trên nền tảng Shopee và Lazada. Tuy nhiên, mặt hàng kim khí có đặc thù riêng, sau khâu bán hàng còn lắp đặt, bảo hành, bảo trì nên hiệu quả chưa đạt cao. Hiện nay, DN vẫn thuần túy sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, trước xu thế livestream mạnh mẽ như hiện nay, Công ty kiến nghị được hỗ trợ kết nối với các đơn vị bán hàng livestream chuyên nghiệp, kết hợp với dịch vụ vận tải logistics nhằm đạt hiệu quả cao.
Cần quản lý chặt chẽ chất lượng, xuất xứ hàng hóa bán qua thương mại điện tử
Dự kiến trong năm 2024, doanh thu và sản lượng bán ra ở các nền tảng trực tuyến có thể đạt hơn 310.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm ngoái. TMĐT cùng với livestream bán hàng được dự báo sẽ là những giải pháp quan trọng cho tăng trưởng doanh thu, tạo ra môi trường mua sắm thuận tiện và gần gũi hơn với khách hàng. Các ý kiến cũng cho rằng, cần quản lý chặt chẽ chất lượng, xuất xứ hàng hóa bán qua TMĐT nói chung và kênh livestream nói riêng.
Bà Đinh Thị Hải Yến, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại chế biến Thực phẩm sạch Từ Tâm cho hay, DN là đơn vị tiên phong duy nhất tại quận Thanh Xuân có 6 sản phẩm được đánh giá chất lượng OCOP 4 sao, 6 sản phẩm chất lượng 3 sao, là thương hiệu trong top 3 được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn. Sản phẩm của Công ty hiện đã cung cấp vào hệ thống các siêu thị lớn. Sạch Từ Tâm cũng đang triển khai các kênh bán hàng trên sàn TMĐT nhưng gặp một số vướng mắc ở khâu logistics và nhiều rủi ro khác. Hiện, DN đang ứng dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc, với tem truy xuất, có mã số riêng.
“Các giải pháp chống hàng giả, hàng nhái mà DN đang thực hiện cũng chỉ nằm ở phần ngọn. Để xử lý từ phần gốc là phần dành cho các nhà quản lý qua các khâu tiền kiểm, hậu kiểm trên thị trường. Do đó, các cá nhân, đơn vị khi bán hàng livestream và trên sàn TMĐT phải có pháp nhân, đăng ký để có trách nhiệm với người tiêu dùng, hạn chế rủi ro. Hiện tại, các kênh KOLs, KOC bán hàng trên các nền tảng TikTok, Facebook là cá nhân, nếu có chủ đích lừa sẽ dễ dàng qua mặt khách hàng. Do vậy, những cá nhân, đơn vị khi tham gia bán hàng livestream phải thông báo cho các cơ quan quản lý thông tin về phiên bán hàng với định danh người bán, hạn chế rủi ro cho khách hàng”, bà Đinh Thị Hải Yến đề xuất.
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trên sàn TMĐT, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị có liên quan. Cục thường xuyên nắm tình hình, đánh giá được biến động thị trường để có biện pháp kiểm tra, giám sát, đấu tranh, xử lý có hiệu quả đối với các hành vi vi phạm trong kinh doanh TMĐT, đặc biệt là các sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát xử lý trong tháng cao điểm về kích cầu mua sắm hàng hóa, hoạt động xúc tiến thương mại.
Để hỗ trợ DN đẩy mạnh phương thức bán hàng livestream, tạo cơ hội cho DN tiếp cận và mở rộng thị trường, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội cho hay, Ban chỉ đạo cuộc vận động thành phố chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp sàn TMĐT có trụ sở, đại lý tại Việt Nam như Facebook, TikTok, Shopee.. tổ chức chương trình tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, hỗ trợ các DN, cá nhân tại các địa phương nâng cao kỹ năng bán hàng trực tuyến; hướng tới hỗ trợ đào tạo, tập huấn các DN, hợp tác xã còn nhiều khó khăn trong tiếp cận với bán hàng thông qua sàn TMĐT, bán hàng livestream. Qua đó giúp các tổ chức, cá nhân ứng dụng công nghệ thông tin, tăng năng lực cạnh tranh trên thị trường…