Khan hiếm vật liệu san lấp mặt bằng tại hàng loạt dự án trọng điểm ở Quảng Trị

Thứ Năm, 14/03/2024, 08:28

Trong 5 năm lại đây, bình quân mỗi năm tỉnh Quảng Trị khởi công 100 dự án đầu tư công cần khối lượng lớn đất làm vật liệu san lấp mặt bằng, xây dựng nền, móng công trình. Đơn cử, năm 2023, nhu cầu này là hơn 4,2 triệu m³.

Trong khi đó, ngoài lượng đất được lấy từ các lòng hồ theo hình thức nạo vét, cải tạo, đến nay trên toàn tỉnh Quảng Trị mới chỉ cấp phép khai thác được 3/66 mỏ đất được quy hoạch, đưa vào đấu giá trước đó. Thực tế này không chỉ khiến Quảng Trị thiếu nguồn đất đắp, mà còn gây ra tình trạng nhiều doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức lợi dụng tình hình này để thi công, khai thác đất trái phép.

NGHICH_LY-1710379613723.JPG
Dự án đường ven biển tại tỉnh Quảng Trị đang dang dở do thiếu vật liệu san lấp.

Năm 2023, tỉnh Quảng Trị tập trung xây dựng 8 dự án trọng điểm, gồm khu bến cảng Mỹ Thủy, Cảng hàng không Quảng Trị, đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo, quốc lộ 15D từ cảng biển Mỹ Thủy đến cửa khẩu quốc tế La Lay, đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với đường tránh phía Đông TP Đông Hà (dự án đường ven biển), khu công nghiệp Quảng Trị, đề án khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Đensavan (Lào) và các dự án năng lượng có quy mô lớn tại khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết tiến độ xây dựng các dự án này vẫn đang giậm chân tại chỗ. Trong đó, dự án đường ven biển có chiều dài trên 55km, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỉ đồng, được khởi công xây dựng từ tháng 4/2022 nhưng đến nay đơn vị thi công mới chỉ đổ san lấp mặt bằng (SLMB) được hơn 2km. Ông Võ Phong Luân, Phó BQL dự án Đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Trị cho biết, dự án này cần khoảng 2 triệu m³ đất đắp nền nhưng hiện nguồn cung chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ. Trong thời gian tới, nếu không tháo gỡ được khó khăn này, tiến độ công trình sẽ bị ảnh hưởng lớn, thậm chí sẽ bị cắt nguồn vốn do tiến độ thi công không đảm bảo.

Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Trị chia sẻ, thời gian qua, địa phương đã đưa vào quy hoạch 66 mỏ đất làm vật liệu SLMB, xây dựng nền, móng công trình và đã tiến hành đấu giá 27 mỏ. Kết quả, có 16 mỏ được đấu giá trúng. Tuy nhiên, chỉ có 10 mỏ được cá nhân, tổ chức trúng đấu giá làm thủ tục hồ sơ để được cấp phép khai thác, 6 mỏ còn lại bị UBND tỉnh hủy kết quả trúng đấu giá do không thực hiện thủ tục này.

Trong thực tế, do Luật Khoáng sản còn nhiều điểm khó thực hiện, thủ tục hồ sơ còn rườm rà và dài, để hoàn thiện thủ tục đấu giá một mỏ có khi mất… cả năm. Trong đó, vướng mắc nhất là Nhà nước không thu hồi đất, mà giao cho các doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ tự thỏa thuận với chủ sở hữu đất. Do đó, có nhiều mỏ đấu giá thành công nhưng doanh nghiệp không thỏa thuận được với chủ đất, do chủ đất đòi giá quá cao nên buộc họ phải bỏ cuộc.

Đối với 10 mỏ được làm hồ sơ, đến nay chỉ có 3 mỏ được hoàn thành và cấp phép. Thực trạng này gây thiếu hụt nguồn đất đắp, cũng là nguyên nhân của hoạt động trộm cắp, khai thác đất trái phép diễn ra tràn lan trên địa bàn toàn tỉnh thời gian vừa qua. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp được chỉ định thầu các dự án cấp bách trên địa bàn, lợi dụng tình hình này để chây ì trong thi công do thực tế họ không có đủ năng lực tài chính, hoặc cố tình sử dụng nguồn đất đắp do trộm cắp, khai thác trái phép mà có nhằm tăng thêm tư lợi cho mình.

“Trong đó, dự án xây dựng khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi đường cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ qua xã Linh Trường, huyện Gio Linh, do Công ty TNHH Nam Bến Hải (trụ sở khu phố 2, thị trấn Gio Linh, huyện Gio Linh) thi công là một điển hình”, ông Trần Văn Quảng đơn cử.

Ông Nguyễn Đức Bắc, Trưởng phòng Tổ chức hành chính Công ty CP Trường Danh (trụ sở ở xã Gio Châu, Gio Linh) cho biết, năm 2022, Công ty trúng đấu giá mỏ đất ở thôn Phong Bình 1, xã Phong Bình, huyện Gio Linh với mức giá cao ngất ngưởng, trên 30 tỉ đồng/25ha đất lâm nghiệp. Sở dĩ đơn vị cố đấu trúng là để khai thác nguồn đất phục vụ SLMB, xây dựng nền, móng công trình của các dự án trước đó đã đấu trúng. Tuy nhiên, sau thời gian dài do không thể thỏa thuận được đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) với hơn 20 hộ dân là chủ sở hữu diện tích đất ở đây, nên công ty buộc phải bỏ cuộc.

Còn ông Trương Mạnh Linh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Linh (phường 5, TP Đông Hà, Quảng Trị) chia sẻ, công ty của gia đình ông trúng đấu giá mỏ đất ở xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong với 30ha đất lâm nghiệp. Hơn một năm qua, công ty đã bồi thường 9 tỉ đồng/15ha đất của nhiều hộ dân ở đây để GPMB, thực hiện các thủ tục hành chính theo yêu cầu. Cùng với đó, công ty cũng đã nộp 8,1 tỉ đồng tiền ký quỹ trong hoạt động khai thác mỏ và các lệ phí khác, nâng tổng chi phí đến thời điểm hiện tại lên gần 20 tỉ đồng. Song, sau một “núi” thủ tục hồ sơ và các loại kinh phí này, đến nay công ty vẫn chưa thể khai thác được do vẫn còn thiếu… thủ tục hồ sơ (!).

“Nếu phải “xé rào” để lấy nguồn đất thi công các dự án trọng điểm của tỉnh mà vừa qua đơn vị đã đấu trúng nhằm đảm bảo tiến độ công trình thì sẽ vi phạm. Nhưng nếu không “xé rào”, nguy cơ dự án bị dừng là rất cao do không đảm bảo được tiến độ này”, ông Linh than thở.

Qua trao đổi, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị nhìn nhận rằng, đúng là nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều dự án công, tư bị chậm tiến độ, đang xây dựng dở dang thì bị cắt nguồn vốn, thậm chí sau khởi công “đắp chiếu” cho đến nay. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nguyên nhân do thiếu nguồn vật liệu san lấp. Trước tình hình trên, tỉnh Quảng Trị thực hiện nhiều giải pháp để tháo gỡ, đặc biệt đẩy nhanh công tác quy hoạch, cấp giấy phép khai thác mỏ đất.

Song, trong thực tế, đất đai nông, lâm nghiệp có mặt bằng sạch có thể khai thác được vật liệu này còn lại ở địa phương là không nhiều, hầu hết manh mún và đa số đã có chủ. Bên cạnh đó, việc đảm bảo các thủ tục từ quy hoạch, thăm dò trữ lượng, đấu giá mỏ, bồi thường cho các cá nhân, tổ chức có đất để GPMB, rồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, cấp đất và trồng rừng thay thế, đến cấp giấy phép khai thác mỏ mất thời gian rất dài, ít nhất 1 – 2 năm, nhiều nơi cần 3 năm mới hoàn thành việc cấp phép này. Vì vậy, tỉnh đang tiến hành kiến nghị Chính phủ giao cho HĐND tỉnh có thẩm quyền điều chỉnh các quy định liên quan đấu giá, cấp phép khai thác mỏ vật liệu linh hoạt, phù hợp thực tế của địa phương.

Thanh Bình
.
.
.