Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi

Thứ Năm, 04/07/2024, 08:48

Thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng ngày càng tinh vi. Các loại thực phẩm thiết yếu hàng ngày như sữa, nước uống, bánh kẹo, mỹ phẩm đến gạo đều bị làm giả, nhái. Các cơ quan chức năng đưa ra nhiều biện pháp để xử lý tình trạng này như tuyên truyền cho người dân, trưng bày hàng giả, hàng nhái để người tiêu dùng nhận diện. 

Ở Việt Nam, nguồn hàng hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT được xác định bởi hàng hoá nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước. Trên thị trường, các mặt hàng bị làm giả, xâm phạm quyền SHTT xuất hiện ở hầu hết các nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, thuốc tân dược, đông dược, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, đồ điện tử, điện dân dụng, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá, thực phẩm chức năng.

Ông Đỗ Hồng Trung, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, khác với trước đây, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) chỉ xuất hiện đối với một số nhóm sản phẩm xa xỉ có giá trị cao như: Thời trang, phụ kiện thời trang, mỹ phẩm. Hiện nay, tất cả các sản phẩm hàng hoá đều có nguy cơ bị làm giả, nguy cơ bị xâm phạm quyền SHTT do các đối tượng có chủ đích nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng. Các vụ việc do các lực lượng chức năng kiểm tra trong thời gian gần đây có dấu hiệu hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT sản xuất trong nước tăng dần cả về quy mô và số vụ việc.

Hàng giả, hàng nhái ngày càng tinh vi -0
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất giả mạo Gạo Ông Cua bán trên Shopee ở Bắc Ninh.

Về nhóm, ngành hàng tiêu dùng lương thực, thực phẩm, ông Phạm Khắc Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, thời gian qua, thông qua các vụ việc lực lượng QLTT xử lý cho thấy mặt hàng thực phẩm bị làm giả rất nhiều, điển hình như gạo, sữa, đồ uống... Gần đây nhất, QLTT xử lý nhiều hành vi vi phạm trên thương mại điện tử (TMĐT), vi phạm về giả mạo nhãn hiệu, thương hiệu và bảo hộ quyền SHTT.

Thời gian tới lực lượng QLTT sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát cả trên môi trường thương mại truyền thống cũng như TMĐT, đặc biệt là những mặt hàng trọng tâm sẽ tập trung vào các mặt hàng thực phẩm.

Ông Đỗ Hồng Trung cho rằng, đối với doanh nghiệp, người tiêu dùng cần chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin đồng hành cùng lực lượng thực thi kiểm tra loại bỏ các vi phạm về SHTT, hàng giả sản phẩm của doanh nghiệp. Tuyên truyền trong nội tại doanh nghiệp đến người lao động nói không với hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. Nâng cao chất lượng hàng hoá, đa dạng về mẫu mã, đồng thời cơ cấu giá thành hợp lý để người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với mức tiêu dùng cá nhân.

Ở góc độ địa phương, theo Cục QLTT Hà Nội, thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường. Qua đó, từng bước đẩy lùi thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, bảo đảm quyền lợi, sức khoẻ người tiêu dùng. Thời gian tới, Cục QLTT Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thực phẩm, kiên quyết xử lý đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh thực phẩm.

“Thực tế cho thấy trên TMĐT, đối với những sản phẩm được bày bán có thể họ trưng bày ảnh của sản phẩm thật, nhưng khi nhận được lại là sản phẩm không đảm bảo chất lượng, hoặc bị giả mạo nhãn hiệu, hoặc không đúng như quảng cáo,… cái này xảy ra rất là nhiều, do đó, lực lượng QLTT đã phối hợp rất chặt chẽ với các lực lượng chức năng như Cục An ninh mạng, các đơn vị vận chuyển, để có những giải pháp xử lý những vi phạm này”, ông Huy cho hay.

Để giúp người tiêu dùng phòng tránh hàng giả, nhái, Tổng cục QLTT đã liên tục trưng bày sản phẩm này để người dân nhận diện. Theo ông Phạm Khắc Huy, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT, hơn 400 sản phẩm thật - giả đang lưu thông trên thị trường được trưng bày ở đây để người tiêu dùng nhận diện thật - giả là một ví dụ thực tế nhất. Từ đó nâng cao nhận thức, cũng như kinh nghiệm trong việc lựa chọn hàng hóa, thực phẩm và các địa chỉ tin cậy để mua sắm an toàn.

“Thực phẩm gắn liền với mỗi gia đình, tiêu dùng hàng ngày nên lượng tiêu thụ rất lớn. Do vậy, đối với thực phẩm tiêu dùng vi phạm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới sức khoẻ, quyền lợi của người tiêu dùng. Cùng với đó, hàng hoá, sản phẩm, thực phẩm do người nông dân sản xuất, nên đối với những sản phẩm vi phạm cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ sản xuất, những người kinh doanh, mà trực tiếp là những người nông dân”, ông Huy cho biết.

Phan Đức
.
.
.