Hà Tĩnh quyết liệt xử lý nạn săn bắt, buôn bán chim trời
Đến hẹn lại lên, từ tháng 8 âm lịch hằng năm trở đi là vào mùa di cư của các loài chim tự nhiên. Tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh lại tái diễn nạn đánh bẫy, giăng bắt chim trời để kiếm thu nhập. Lực lượng Công an phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về săn bắt, buôn bán chim tự nhiên.
Ngày 13/10, Công an thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Thị P. (SN 1988), trú tại xã Kỳ Hoa khi có hành vi đăng bán chim trời trên mạng xã hội Facebook. Theo điều tra của cơ quan chức năng, Trần Thị P. thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook có tên Trần P. đăng bán các loại chim trời như cói, diệc, vạc... Chủ tài khoản này còn công khai livestream (phát sóng trực tiếp) cảnh sơ chế chim hoang dã trên mạng xã hội.
Với hành vi vi phạm nêu trên, Trần Thị P. bị cơ quan Công an xử phạt 7,5 triệu đồng về hành vi quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3/2/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Quá trình xử lý, được Công an thị xã Kỳ Anh giải thích, tuyên truyền về hành vi cấm trong săn bắt, buôn bán chim trời, Trần Thị P. thừa nhận hành vi vi phạm và cam kết không tái phạm. Thời gian qua, dù cơ quan chức năng cùng chính quyền các địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp xử lý nạn đánh bắt, mua bán chim tự nhiên. Tuy nhiên, vì lợi nhuận nên tại một số địa phương như huyện Cẩm Xuyên, thị xã Kỳ Anh, huyện Nghi Xuân vẫn tái diễn nạn săn bắt chim trời và được bày bán công khai trên mạng xã hội cũng như tại các chợ dân sinh. Trước thực trạng này, vào cuộc để ngăn chặn, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp săn bắt, mua bán chim trời.
Đơn cử, vào hồi 6h30 ngày 19/9/2023, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Cẩm Xuyên phối hợp với Công an xã Cẩm Duệ phát hiện chị Trần Thị Ph., trú tại xã Cẩm Thạch đang có hành vi bày bán chim trời tại khu vực chợ Vực, xã Cẩm Duệ. Lực lượng chức năng đã tịch thu, tiêu hủy tang vật gồm 16 con chim cò và 19 con chim sẻ tự nhiên; đồng thời ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng đối với chị Trần Thị Ph. Từ đầu tháng 9/2023 đến nay, Công an huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức 67 lượt kiểm tra, truy quét; thu giữ 27 cá thể chim hoang dã, tiêu hủy 21 bộ lưới các loại để bắt chim; phá hủy tại chỗ hơn 25.000 thẻ nhựa, 7.000 cò mồi giả và phát hiện, xử lý 1 vụ, 1 đối tượng về hành vi buôn bán chim trời trái phép. Cùng với đó, đã thả hàng trăm chim mồi tự nhiên về trời.
Cũng trong thời gian nói trên, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và các đơn vị liên quan tổ chức 155 cuộc tuyên truyền, vận động ký cam kết đối với 30 hộ đánh bắt, tiêu thụ chim trời; tổ chức kiểm tra, truy quét, tiêu hủy gần 5.000m lưới các loại, tháo dỡ 22 lùm, lán ẩn nấp, 4.510 que nhạ, gần 1.000 chim giả, 1 loa phát tín hiệu, thả về tự nhiên 243 cá thể chim.
Được biết, từ tháng 8 đến tháng 2 âm lịch năm sau là mùa cao điểm chim di cư nên các "thợ săn" lén lút đặt nhiều loại bẫy để đánh bắt chim trời. Đặc biệt, các xã ven biển thuộc các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh số lượng chim di cư về nhiều cũng đồng nghĩa với việc có hàng trăm hộ dân đặt bẫy bắt chim để bán cho các nhà hàng, quán nhậu.
Ông Hồ Thế Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nghi Xuân cho biết: So với các năm trước, tình trạng săn bắt, mua bán trái phép chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều nhưng vẫn chưa xử lý triệt để. Một số người dân xem đây là nghề "mưu sinh" nên vẫn lén lút vi phạm. Việc xử lý các trường hợp này cũng gặp khó bởi khi phát hiện lực lượng chức năng họ sẽ "bỏ của chạy lấy người", sau khi cơ quan chức năng rút đi lại lén lút hoạt động trở lại.
Ngoài ra, một số hộ dân còn coi đây là một nghề để kiếm thêm thu nhập nên bất chấp các thủ đoạn để tận diệt chim trời. Tại một số địa phương, các hộ dân thường đánh bắt chim tự nhiên đều được yêu cầu ký cam kết trước khi vào mùa chim di cư nhưng mỗi khi vắng bóng cơ quan chức năng lại lén lút đặt bẫy. Nhiều nhà hàng, quán ăn cũng thực hiện ký cam kết nhưng không ít cơ sở vẫn không chấp hành và địa phương cũng chưa kiểm soát hết được.
Thời gian tới, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp với kiểm lâm và chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ và người dân trên địa bàn không tham gia săn bắt, mua bán, tàng trữ các loài chim tự nhiên trái pháp luật. Cùng với đó, đồng loạt ra quân truy quét liên tục nhằm tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép chim, phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp tái diễn, cố tình vi phạm. Song song với việc ngăn chặn nguồn cung, Công an Hà Tĩnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, xử phạt nghiêm các nhà hàng, quán nhậu, chợ dân sinh có hành vi buôn bán, kinh doanh chim trời.
Ông Nguyễn Cự Duẩn, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, để ngăn chặn tình trạng săn bắt, buôn bán chim trời, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền các cấp thì rất cần sự chung tay của mỗi người dân. Bởi, vấn nạn săn bắt chim trời đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh là do sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, hám lợi và do chính thói quen ăn uống sinh hoạt của một số cộng đồng người dân, cũng như sự thiếu kiên quyết của không ít địa phương.
Được biết, để tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên trên địa bàn, ngày 28/9/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đã ký văn bản yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác bảo vệ chim hoang dã, chim di cư.
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục chỉ đạo các phòng, ngành, UBND cấp xã và các đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng, triển khai ngay các biện pháp cấp bách để tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài chim tự nhiên trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Địa phương nào không tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm để xảy ra vi phạm thì Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và UBND tỉnh.