Đồng Tháp thúc đẩy sản phẩm xoài ra thị trường

Chủ Nhật, 30/04/2023, 06:56

Ngày 28/4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội thảo "Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài" nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển theo hướng xây dựng chuỗi bền vững, tận dụng tối đa những giá trị mang lại từ trái xoài.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Đồng Tháp xác định ngành hàng xoài là một trong 5 ngành hàng được chọn trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đồng Tháp sẽ phát triển các vùng sản xuất tập trung có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra để người dân yên tâm, mạnh dạn sản xuất và thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết, có khả năng dẫn dắt, tạo ổn định đầu ra cho sản phẩm. 

xoai1.jpg -0
Xoài là một trong 5 ngành hàng được chọn trong đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp.  

Đồng Tháp có 14.399ha diện tích trồng xoài (sản lượng gần 140.000 tấn/năm), chiếm 33,7% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh và xếp thứ 2 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, xoài Cát Hòa Lộc chiếm tỉ lệ 19,0%, xoài Cát Chu chiếm 41,3%, xoài tượng Da Xanh chiếm 35,7%, xoài khác chiếm 4,0%. Sản lượng hàng năm ước đạt 185.000 tấn. Không chỉ phát triển về diện tích, sản lượng mà chất lượng xoài Đồng Tháp cũng ngày càng được nâng cao thông qua việc chăm sóc, thu hoạch theo quy trình sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ.

Để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, Đồng Tháp có khoảng 8.228ha xoài đã đăng ký mã số vùng trồng với 296 mã số và 9 cơ sở đóng gói đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói. 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP trên cây xoài, với diện tích 353ha. Xoài Đồng Tháp đã xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga và Singapore. Năm 2022, giá trị xuất khẩu của ngành hàng xoài ước đạt hơn 2.680 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, diện tích đăng ký mã số vùng trồng không ngừng tăng và sẽ được chia sẻ với doanh nghiệp để cùng với địa phương nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị của ngành hàng xoài. Những mã số vùng trồng được sử dụng một cách minh bạch, có trách nhiệm.

Tỉnh Đồng Tháp đang tạo điều kiện để các hợp tác xã thực hiện việc "mua chung, bán chung" nhằm giảm bớt khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao lợi nhuận và phát triển bền vững ngành hàng xoài. Đồng Tháp cũng đang kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, phát triển hệ thống (logistics) và quản lý chuỗi cung ứng để người dân an tâm đầu ra sản phẩm xoài và các loại nông sản khác gắn với chợ đầu mối trái cây, phục vụ các chợ nội địa và xuất khẩu.

Cùng với đó là chú trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến lương thực, các mặt hàng nông sản thực phẩm, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng, tiêu thụ hàng hóa và ưu tiên xây dựng các điểm và kết nối tuyến du lịch.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Diện tích, năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế của cây xoài từng bước được nâng cao. Khâu sơ chế, chế biến, đa dạng sản phẩm từ xoài còn khiêm tốn và hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành xoài, đặc biệt là những thị trường lớn.

Cần rà soát, quy hoạch sản xuất tập trung, hình thành liên kết sản xuất theo chuỗi; cải tạo, trồng mới các vùng sản xuất xoài già cỗi, kém hiệu quả bằng giống mới có năng suất, chất lượng và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, xuất khẩu xoài; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Văn Vĩnh
.
.
.