Vượt qua chính mình tại ASIAD
Với nhiều vận động viên Việt Nam đến tham dự Á vận hội Hàng Châu, giành huy chương không phải mục tiêu duy nhất họ hướng đến. Việc tranh tài với những VĐV đẳng cấp thế giới chính là động lực để họ vượt qua chính mình, đồng thời bứt phá tốt hơn trong tương lai.
Những kỷ lục cá nhân
Sau cơn mưa HCV của SEA Games 32, bản thân VĐV điền kinh Nguyễn Thị Oanh nhận thức rõ hơn ai hết về khả năng của mình khi tiến ra đấu trường châu lục. Vận động viên Đông Nam Á hiếm có cơ hội tranh huy chương ASIAD trên đường chạy cự ly trung bình và dài. Đó là sân chơi riêng của những chân chạy Trung Đông vốn có nguồn gốc châu Phi.
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI Bahrain đã quyết định "đốt cháy giai đoạn" để phát triển thể thao bằng việc dồn toàn lực cho môn điền kinh. Rất nhiều VĐV gốc Phi được họ nhập tịch để cạnh tranh HCV ASIAD và Olympic. Chiến lược đó của Bahrain đã thành công vang dội, nhưng cũng khiến nhiều quốc gia khác gặp khó.
Làm thế nào để giành huy chương ASIAD từ những đối thủ vốn có khả năng cạnh tranh ngôi vô địch Olympic, nhưng chuyển từ châu Phi, châu Mỹ sang châu Á thi đấu? Đó là câu hỏi rất khó trả lời với những người làm điền kinh Việt Nam. Về phần cá nhân Nguyễn Thị Oanh, hẳn cô chỉ biết chạy về đích nhanh nhất có thể.
Ở nội dung chạy 3.000m vượt chướng ngại vật nữ, Nguyễn Thị Oanh về thứ 6 chung cuộc với thành tích 9 phút 57 giây 13. Đương nhiên Oanh chưa thể giành huy chương, nhưng cô có thể ngẩng cao đầu rời giải đấu này. Bởi, đó cũng là thông số tốt nhất Oanh đạt được tại các giải đấu quốc tế cô tham gia trong năm nay.
Cũng có thành tích tốt nhất năm giống Nguyễn Thị Oanh là tổ chạy tiếp sức 4x400m nữ của Nguyễn Thị Ngọc, Hoàng Thị Minh Hạnh, Nguyễn Thị Huyền và Nguyễn Thị Hằng. Thông số 3 phút 31 giây 61 của 4 VĐV Việt Nam là kỷ lục trong năm nay, vượt qua cả thành tích ở giải vô địch châu Á 2023, nơi họ từng giành HCV.
5 năm trước, cũng tại ASIAD, Việt Nam giành HCĐ tiếp sức 4x400m nữ với thành tích 3 phút 33 giây 23. Sau 5 năm, các chân chạy Việt Nam thi đấu ngày một nhuần nhuyễn hơn, và họ cũng chạy nhanh hơn. Điều duy nhất đội tuyển điền kinh Việt Nam không lường trước, đó là các đối thủ của họ lại tiến bộ quá nhanh chỉ sau vài tháng.
Ấn Độ, Sri Lanka từng về đích sau Việt Nam, nay lại vượt qua để giành huy chương. Đó cũng là lý do khiến Nguyễn Thị Hằng, người chạy cuối cùng nội dung 400m tiếp sức, đã gửi lời xin lỗi đến khán giả. Họ đã vượt qua chính mình, nhưng lòng tự trọng không cho phép các VĐV có quyền tự mãn khi không đạt được kỳ vọng.
Ở tuổi 26, Nguyễn Thị Hằng có trên dưới 10-15 năm kinh nghiệm tập luyện, thi đấu thể thao thành tích cao. Cô hiểu rõ hơn ai hết áp lực giành huy chương mà một VĐV phải gánh lên vai. Áp lực đó càng rõ hơn với tổ chạy 400m, bởi đây là nội dung cuối cùng của điền kinh Việt Nam có thể mang về huy chương tại ASIAD 19.
Sau một kỳ ASIAD 18 đại thành công với 2 HCV, điền kinh Việt Nam đã không thể có thêm huy chương tại Á vận hội Hàng Châu. Nhưng với nỗ lực của các vận động viên, cũng như sự cầu tiến họ thể hiện, thể thao Việt Nam nói chung, cũng như bộ môn điền kinh, có thể hướng đến một tương lai tươi sáng với những thành tích tốt hơn.
Trèo lên đỉnh núi
Châu Á được ví như tâm bão của cầu lông, khi 90% tay vợt hàng đầu thế giới tập trung tại đây. Một người từng lọt vào top 5 thế giới như Tiến Minh cũng chỉ có thể lọt vào tứ kết 2 lần. Anh thua trong cả 2 trận tứ kết đó khi đối thủ lần lượt là Lin Dan và Lee Chong Wei, 2 trong "tứ đại thiên vương" của cầu lông thế giới.
Lá thăm môn cầu lông của ASIAD 19, nội dung đơn nam đã đưa Nguyễn Hải Đăng chạm trán một tay vợt rất mạnh. Đó là Kunlavut Vitidsarn, tay vợt Thái Lan được xếp hạt giống số 3 tại giải. Hơn 1 tháng trước, Kunlavut thậm chí đã giành tấm HCV tại giải cầu lông vô địch thế giới, và anh được kỳ vọng sẽ làm điều tương tự ở ASIAD.
"Hy vọng tiến sâu tại ASIAD của Hải Đăng đã chấm dứt ngay từ khi bốc thăm". Hẳn nhiều người đã nghĩ như vậy khi chứng kiến tên của hai tay vợt xuất hiện trên bảng điện tử. So với Kunlavut, Hải Đăng thua quá xa về trình độ, đẳng cấp, lẫn kinh nghiệm thi đấu. Một người đã nằm trong top 3 thế giới, người kia chỉ ở top 100.
Làm thế nào khi bạn gặp đối thủ vượt trội về đẳng cấp? Hẳn không ít người sẽ nghĩ đến chuyện buông xuôi. Nhưng Hải Đăng thì không. Anh đã thua Kunlavut, nhưng là một thất bại theo kịch bản rất khác với những gì khán giả có thể nghĩ đến. Anh thắng trước set 1, rồi thua 2 set còn lại khi trận đấu chuẩn bị bước sang phút thứ 100.
Có lẽ, nhà vô địch thế giới Kunlavut cũng không nghĩ mình đã gặp phải một đối thủ khó chơi như vậy. Hải Đăng khiến tay vợt Thái Lan lúng túng trong những tình huống điều cầu, đặc biệt là cầu bền. Nếu Hải Đăng may mắn hơn một chút, anh thậm chí có thể đã thắng Kunlavut trong set 2 để giành thắng lợi chung cuộc.
Câu chuyện của Hải Đăng, Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Hằng chỉ là 3 trong số vô vàn mảnh ghép làm nên thành tích đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD. Có những người không vượt qua chính mình, nhưng chẳng ai trong số họ đến giải đấu này với tâm thế chuẩn bị thất bại. Họ đều muốn giành chiến thắng, hoặc thua khi đã cống hiến hết khả năng.
Cơn gió mới của Karate
Sau 13 năm, Karate mới tiếp tục giành thêm một HCV ở đấu trường Á vận hội. Người làm nên điều này là bộ ba VĐV Nguyễn Thị Phương, Lưu Thị Thu Uyên và Nguyễn Ngọc Trâm. Họ đều là những võ sĩ mới ở tuổi ngoài đôi mươi, nhưng đã dạn dày bản lĩnh thi đấu quốc tế. Cũng tại SEA Games 32, bộ ba này đã giành HCV.
Tấm HCV của bộ ba VĐV Kata Việt Nam, cũng như một số HCB và HCĐ nội dung Kumite, là thành quả từ quá trình trẻ hóa lực lượng Kết thúc kỳ SEA Games 31 diễn ra trên sân nhà, Karate Việt Nam đã thay tuyển thủ giàu kinh nghiệm bằng lứa đàn em trẻ trung. Vị trí nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, cũng như cơn mưa huy chương ASIAD đã chứng minh cho điều đó.