Vùng trắng bóng đá

Chủ Nhật, 18/09/2022, 10:32

Việt Nam có 63 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Hơn một nửa trong số đó là vùng trắng bóng đá. Một số địa phương từng có phong trào rất mạnh về bóng đá nhưng hoặc lụi tàn, hoặc không thể phát triển lên chuyên nghiệp. Một trong số đó sắp là Cần Thơ.

Kiềng 3 chân làm nên bóng đá ở Việt Nam

Ngày 15/9, thành phố Bắc Giang hồ hởi đón chào một sự kiện thể thao lớn của địa phương. Đây có thể là bước ngoặt giúp cho địa phương này thoát khỏi cảnh vùng trắng bóng đá. Trong dự án đầu tư tiền tỷ của tập đoàn T&T và Hà Nội FC, Chủ tịch Hà Nội FC  - Đỗ Vinh Quang, con trai của bầu Hiển hy vọng: Ngoài việc Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Bắc Giang T&T được khánh thành và đào tạo nên những tài năng trẻ đóng góp cho đội bóng, thì địa phương này cũng sẽ sử dụng nguồn lực để phát triển nên một CLB chuyên nghiệp vào năm 2030.

anh 1.jpg -0
 Bắc Giang hồ hởi sắp có đội bóng chuyên nghiệp.

Bắc Giang tìm thấy hướng ra thoát khỏi vùng trắng bóng đá bằng một cách tương đối căn cơ dựa trên cái kiềng 3 chân: Nguồn lực trẻ, sự ủng hộ của địa phương và nền tảng tài chính vững mạnh của doanh nghiệp hay ông bầu bóng đá. 20 năm trước, HAGL cũng bắt đầu cách làm bóng đá như vậy.

5 năm sau, Hà Nội FC cũng dựa trên nền móng ấy để vươn mình thành  một trong những thế lực hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Những địa phương gần đây cũng thắp lên hy vọng làm bóng đá chuyên nghiệp có Hòa Bình, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Tất cả cũng đều xuất phát từ cái kiềng 3 chân tương hỗ với nhau như vậy.

Nhưng cũng vì đó là một mối quan hệ chặt chẽ dựa theo những quyền lợi tương tác với nhau mà chỉ cần một trong số ba yếu tố không hiện diện, bóng đá chuyên nghiệp của địa phương đó cũng chẳng thể xuất hiện hay tái sinh. Hải Dương, Tuyên Quang, Thái Bình - ba địa phương tạo nên hàng loạt tên tuổi cho đội tuyển Việt Nam không có một đội bóng chuyên nghiệp cũng là vì lý do như vậy.

Hay như Cần Thơ, đội bóng đang chơi ở giải hạng Nhất và một thuở tung hoành tại V.League cũng sắp lụi tàn vì thế. Bởi ở nơi này, thành phố không quá "nhiệt" với bóng đá trong khi những nhà đầu tư cũng tháo chạy, hoặc không tìm được một điều kiện thuận lợi để họ đầu tư vào bóng đá.

Cần Thơ gạo trắng và sắp trắng bóng đá

Như một sự trớ trêu của số phận. Đúng trong cái ngày mà Bắc Giang mở ra hy vọng về một thời điểm có bóng đá chuyên nghiệp thì đấy cũng là lúc Cần Thơ chấp nhận không còn lối ra trong việc giữ lại sự tồn tại của đội bóng. Lại một sự trớ trêu nữa, cái mà Cần Thơ cần để sống hiện tại là 25 tỷ đồng, con số tương đương với ngân sách hoạt động 1 mùa giải của họ. Con số ấy lại chỉ bằng đúng số tiền của chiếc xe mà Chủ tịch Đỗ Vinh Quang, con trai bầu Hiển lái đến Bắc Giang dự sự kiện mở ra một tương lai bóng đá của địa phương này!

Nhưng con số 25 tỷ dù sao cũng chỉ là một điều kiện cần cho sự chênh lệch tồn vong và khác biệt giữa hai địa phương nêu trên. Bởi yếu tố cốt lõi mà Cần Thơ không có mà Bắc Giang sắp có chính là kiềng 3 chân như đề cập. Nếu như Bắc Giang hội tụ đủ sự hậu thuẫn từ phía nhà đầu tư, chính quyền địa phương và sự hồ hởi của các cầu thủ nhí muốn theo con đường bóng đá thì Cần Thơ "sạch tinh" mọi yếu tố ấy để tồn tại trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp.

Cựu giám đốc điều hành Lê Minh Dũng của Cần Thơ FC kể lại: "Bắt đầu từ tháng 5, tình hình tài chính của đội không ổn. Kế hoạch tài chính, ngân sách của đội không được phê duyệt chính thức. Ở thời điểm ban đầu, tiền được chuyển rất nhiều, chắc chắn. Nhưng đến tháng 5 thì tôi thấy sự chậm chạp ở đây. Đến tháng 6 thì giới chủ biến mất. Anh Văn là người duy nhất thuộc thành phần lãnh đạo công ty đồng hành, đối thoại với tôi, HLV Việt Thắng và nhân viên tại đây.

Tôi có cảm nhận giới chủ đã không hình dung hết bức tranh của việc tài trợ hay sở hữu đội bóng là như thế nào. Mọi thứ không diễn ra như họ suy nghĩ và dẫn đến xử lý rất dở. Thực tế từ tháng 5 hoặc tháng 6 vừa rồi, Tây Đô Group có gửi văn bản cho thành phố Cần Thơ về việc dừng tài trợ nếu không đáp ứng được một số điều kiện. Cho đến bây giờ, thành phố vẫn chưa phản hồi. Tôi cũng xin ghi nhận nỗ lực của thành phố trong việc cố gắng động viên cho đội bóng nhưng các cầu thủ, nhân viên, HLV của đội vẫn quá thiệt thòi".

Giới chủ biến mất theo cách nói của cựu Giám đốc điều hành Lê Minh Dũng. Một đơn vị khác với sự giúp đỡ của người bạn HLV Nguyễn Việt Thắng cũng muốn hỗ trợ cho Cần Thơ FC. Nhưng mọi chuyện một lần nữa đi vào bế tắc.

"Họ thậm chí hoàn toàn cởi mở việc tài trợ năm tiếp theo. Đổi lại, họ yêu cầu rõ ràng về quyền lợi. Tuy nhiên sau một thời gian trao đổi và làm việc với lãnh đạo các bên, đơn vị này cho biết sẽ không hỗ trợ đội. Họ thông báo vào buổi trưa hôm qua, trước khi cuộc gặp kể trên diễn ra. Đây là lý do chính khiến tôi và anh Việt Thắng quyết định nghỉ. Chúng tôi cảm thấy không có lối ra, không có hướng đi nào nữa để giải quyết vấn đề CLB".

Nhà đầu tư tháo chạy vì không đảm bảo quyền lợi. Thành phố cũng khó khăn trong việc hỗ trợ, giúp đỡ đội bóng. Hai trong số ba cái chân kiềng đều vụn vỡ. Và sự tồn vong của Cần Thơ xem chừng bắt đầu đếm ngược bằng ngày…     

Ảo tưởng bóng đá nuôi bóng đá

Theo tìm hiểu, Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn của Cần Thơ FC cũng đã nỗ lực hết sức để cứu nguy tình cảnh đội bóng Cần Thơ, trong bối cảnh CLB bắt đầu khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên xét lại vấn đề từ ban đầu, ông cũng đã đặt quá nhiều kỳ vọng với các nhà đầu tư cho đội bóng về khả năng lấy bóng đá nuôi bóng đá tại miền Tây. Thực tế, Cần Thơ không phải là một nơi mà người hâm mộ quá "máu" bóng đá và sẵn sàng tạo nên sự lan tỏa dựa trên tính địa phương như Thanh Hóa, Nam Định hay Hải Phòng, Nghệ An.

Cũng chính vì không thể hình dung được đúng bức tranh thực tế bóng đá ở khu vực này mà Chủ tịch Nguyễn Đắc Văn cũng rơi vào thế kẹt sau đó. Ngoài ra, sự thay đổi lớn trong thượng tầng đến từ nhà đầu tư cũng là một trong những lý do lớn dẫn đến cuộc "tháo chạy" vào tháng 6. Bởi những đề xuất đến từ nhà đầu tư đối với thành phố Cần Thơ để đổi lại việc "nuôi" Cần Thơ thật sự quá tham vọng!

An Khánh
.
.
.