Vòng quay SEA Games
Sau Hội nghị Liên đoàn thể thao Đông Nam Á diễn ra tại Campuchia, 44 môn thi đấu tại SEA Games 32 năm 2023 đã được thông qua bên cạnh một số môn sẽ được tiếp tục vận động để đưa vào chương trình thi đấu. Chỉ cần nhìn vào danh sách này, các nhà quản lý thể thao Việt Nam cũng hiểu rằng sẽ khó có thể giành ngôi đầu như ở SEA Games 31. Một vòng quay SEA Games mới đã diễn ra với nhiều khó khăn cho thể thao Việt Nam.
Môn Olympic cũng tạm đứng ngoài cuộc
44 môn thi đấu ở SEA Games 32 được thông qua, gồm: Điền kinh, thể thao dưới nước, cầu lông, bóng rổ, boxing, billiards, xe đạp, đua thuyền truyền thống, cờ, dance sports, đấu kiếm, bóng đá, golf, thể dục, hockey, judo, karate, thể hình, bi sắt, đua thuyền buồm, cầu mây, bóng mềm, tennis, bóng bàn, taekwondo, thể thao hiện đại (phối hợp các môn bơi, đạp xe, chạy), bóng chuyền, vật, cử tạ, wushu, cricket, lặn, floorball, thể thao vượt chướng ngại vật, võ gậy, jiujitsu, võ Khmer, kick boxing, vovinam, muay, taekwondo, pencak silat, thể thao điện tử; đua môtô nước.
Như vậy, vẫn có 32 môn, phân môn ở SEA Games 31 tiếp tục được tổ chức tại SEA Games 32. Trong khi đó, những môn từng có tên tại SEA Games 31 nhưng đến lúc này lại không trong danh sách 44 môn tại SEA Games 32 có bắn súng, đua thuyền, bắn cung, cờ vua, kurash, futsal, bóng ném... - những môn đã mang về 33 HCV cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 31. Đáng chú ý, bắn súng, đua thuyền (rowing, canoeing), bắn cung đều là những môn thi đấu của Olympic.
Đây cũng là câu chuyện được các nhà quản lý thể thao các nước Đông Nam Á nhắc đến nhiều trong những năm qua. Tất cả đều nhìn ra những bất cập trong chương trình thi đấu các kỳ SEA Games khi các môn trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD không được duy trì ổn định. Điều này ảnh hưởng phần nào đến việc nâng tầm SEA Games cũng như cho chính nhiều nền thể thao. Tại các kỳ SEA Games 29,30, 31, các nước chủ nhà đều cố gắng tổ chức tối đa các môn trong chương trình thi đấu của Olympic. Trong đó, gần đây nhất, ở SEA Games 31, với tư cách chủ nhà, Việt Nam đã đưa vào hầu hết các môn trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD phù hợp với điều kiện tổ chức của mình. Đồng thời giữ đúng số nội dung thi đấu của các môn này như đang được duy trì trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn của thể thao Đông Nam Á là việc một số quốc gia không có đủ cơ sở vật chất để tổ chức những môn trong chương trình thi đấu của Olympic, ASIAD. Ở đây, nước chủ nhà Campuchia chưa thể chuẩn bị đủ về điều kiện cơ sở vật chất và lực lượng tham dự thì những môn như bắn súng, bắn cung, đua thuyền vẫn tạm ở ngoài chương trình thi đấu SEA Games 32.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn cho hay, trong thời gian tới, các quốc gia trong khu vực sẽ tiếp tục vận động và đề xuất với Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á đưa thêm các môn Olympic như bắn cung, bắn súng, đua thuyền (canoeing, rowing) vào chương trình thi đấu của SEA Games 32.
Tuy nhiên, người trong nghề cũng nhận định, khả năng những môn trên góp mặt ở SEA Games 32 vẫn rất thấp, đặc biệt khi nước chủ nhà không có chủ trương phát triển những môn này. Việc đầu tư xây dựng địa điểm bắn súng, bắn cung, đua thuyền cũng ngốn nhiều kinh phí và chỉ phục vụ cho một kỳ SEA Games cũng đặt ra những bài toán cho nước chủ nhà. Vì thế, một kỳ SEA Games vắng mặt cả 3 môn thường xuất hiện trong chương trình thi đấu của Olympic là hoàn toàn có thể xảy ra.
Tính toán kỹ chỉ tiêu
Ngay từ lúc này, thể thao Việt Nam cần chuẩn bị cho một kỳ SEA Games 32 sẽ khó khăn hơn và chắc chắn không thể giành nhiều HCV như ở SEA Games 31. Đương nhiên, thể thao Việt Nam có thế mạnh ở những môn này, kể cả từng không giành HCV ở môn bắn cung tại SEA Games 31, cũng sẽ phải tính toán kỹ chỉ tiêu huy chương.
Ngoài sự vắng mặt của môn bắn súng, bắn cung, đua thuyền (rowing và canoeing), cũng còn phải tính đến việc phân chia nội dung thi đấu của từng môn. Đây là yếu tố quan trọng để xác định tương đối chính xác khả năng giành huy chương của từng đoàn tham dự. Trong khi đó, đến lúc này, việc tổ chức hết nội dung thi đấu như ở Olympic, ASIAD với những môn trong chương trình thi đấu của các sân chơi này vẫn chưa được công bố.
Đó là những yếu tố khách quan trong khi về mặt chủ quan, thể thao Việt Nam đang đối mặt không ít thách thức đến từ làn sóng nhập tịch VĐV của nhiều nền thể thao tại Đông Nam Á. Việc nhập tịch này diễn ra với VĐV có gốc bố, mẹ là người nước được nhập tịch, hoặc cả với những VĐV không liên quan đến nước được nhập tịch. Bản thân thể thao Việt Nam cũng đã chú ý đến nguồn VĐV này nhưng mức độ vẫn còn sự khiêm tốn so với nhiều nước khác.
Rõ nhất là ở môn bóng đá nữ. Bản đồ bóng đá nữ Đông Nam Á đã thay đổi chóng mặt khi Philippines nhập tịch hơn 20 cầu thủ gốc Philippines, chủ yếu đang sinh sống và tập luyện tại Mỹ. Nhờ đó, bóng đá nữ Philippines vừa có lần đầu lên ngôi vô địch Đông Nam Á sau khi vượt qua cả Việt Nam, Thái Lan. Cũng nhờ chiến lược này mà trước đó, ở SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ Philippines cũng đã lần đầu giành HCĐ ở sân chơi SEA Games.
Trong khi đó, Campuchia từng nhập tịch cho 2 đô vật gốc Iran nên đã giành 1 HCV, 1 HCB ở SEA Games 31 tại môn vật. Đến SEA Games 32, có thể số VĐV nhập tịch của đội vật Campuchia còn tăng so với SEA Games 31 đi kèm tham vọng giành nhiều hơn 1 HCV môn vật. Việc này cũng sẽ khiến các đô vật Việt Nam khó duy trì sự áp đảo tại sân chơi SEA Games như nhiều kỳ vừa qua.
Dù thế nào thì thể thao Việt Nam vẫn đặt mục tiêu vào nhóm 3 nước dẫn đầu SEA Games 32 như chia sẻ của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn. Nhưng rõ ràng, con đường để khẳng định vị thế ở sân chơi SEA Games, nơi vẫn là thách thức cao vời vợi với nhiều VĐV Việt Nam, sẽ chông gai hơn. Quan trọng hơn cả, thể thao Việt Nam phải cần giữ được sự đầu tư cho cả những môn trong chương trình thi đấu Olympic, ASIAD không có tên trong SEA Games 32 để hướng đến những sân chơi Olympic, ASIAD.
Hướng về nguồn vận động viên gốc Việt
Thực tế, tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam có sự xuất hiện nhiều VĐV gốc Việt, trước đó sinh sống ở nước ngoài, tại các môn như thể dục dụng cụ, bóng rổ… Hiện tại, nguồn VĐV gốc Việt ở nước ngoài vẫn nhiều nên nhiều bộ môn đang hướng đến khai thác nguồn lực này như bóng đá nữ, vật… bên cạnh việc đầu tư cho hệ thống đào tạo trẻ. (Minh Khuê)