Võ tổng hợp Việt Nam còn thiếu những gì để vươn tầm quốc tế?

Thứ Hai, 20/03/2023, 06:59

Hiệu ứng tích cực từ giải vô địch MMA (võ thuật tổng hợp hay võ thuật tự do) chuyên nghiệp Lion Championship đã thổi một luồng gió mới vào phong trào phát triển võ thuật tổng hợp tại Việt Nam. Nhưng sau những danh hiệu vô địch quốc gia, võ sĩ MMA Việt Nam vẫn còn rất nhiều điểm cần cải thiện để bước ra sân chơi thế giới.

Đẳng cấp chênh lệch

Ít ngày sau khi vòng bán kết Lion Championship 2022 khép lại, nhiều võ sĩ Việt Nam tham dự giải MMA Angel's Fighting Championship (AFC) lần thứ 21. Là đấu trường MMA quy tụ nhiều võ sĩ Hàn Quốc, AFC 21 trở thành sự kiện đầu tiên của giải đấu này tổ chức tại Việt Nam. Đây cũng là nơi các võ sĩ Việt Nam có dịp tận mắt chứng kiến MMA đẳng cấp quốc tế.

"Lần đầu gặp những võ sĩ Hàn Quốc chuẩn bị thi đấu ở sự kiện AFC 21, chúng tôi đều thấy giật mình. Ấn tượng đầu tiên về họ là thể hình, thể trạng rất khác chúng tôi", một võ sĩ Việt Nam từng tham dự AFC 21 chia sẻ. Cùng một hạng cân thi đấu, nhưng võ sĩ Hàn Quốc sở hữu vóc dáng to lớn, chắc chắn hơn hẳn võ sĩ Việt Nam.

anh1.jpg -0
Võ sĩ Việt Nam cần cải thiện rất nhiều bộ kỹ năng của MMA.

Một điểm khác biệt nữa ở những võ sĩ MMA Hàn Quốc là phần lớn họ sở hữu đôi tai xoăn đặc trưng của VĐV tập vật lâu năm. Cộng thêm thể thức thi đấu giúp tối ưu hóa những đòn vật của AFC, võ sĩ Hàn Quốc càng có thêm nhiều ưu thế trước khi trận đấu diễn ra. Ở chiều ngược lại, nhiều võ sĩ Việt Nam dần hình dung về một cuộc đối đầu không cân sức.

Sự kiện AFC 21 đã diễn ra đúng như suy nghĩ của họ. Phần lớn võ sĩ Hàn Quốc giành chiến thắng chóng vánh. Họ không giữ khoảng cách để sử dụng đòn đấm và đá như võ sĩ Việt Nam, mà nhanh chóng áp sát rồi vật đối thủ xuống sàn. Họ nhanh chóng giành chiến thắng ở hiệp 1 và 2 bằng những đòn khóa siết.

Kịch bản tương tự AFC 21 tiếp tục diễn ra tại sự kiện AFC 23 vừa qua. Lần này, chỉ có một võ sĩ Việt Nam thi đấu là Hoàng Nam Thắng. Vốn là võ sĩ Wushu, Nam Thắng từng tham dự Lion Championship và có một vài thành tích nhất định trước khi đấu ở AFC. Nhưng giống như những đồng nghiệp Việt Nam trước đó, anh cũng trải qua một trận đấu đáng quên.

Đối đầu với võ sĩ Hàn Quốc Oh Su-hwan, Hoàng Nam Thắng chỉ trụ được 45 giây trước khi bị xử thua knock-out kỹ thuật. Đòn đánh tưởng chừng vô hại ngay đầu trận Oh Su-hwan tung ra với với Nam Thắng, hóa ra lại gây tổn thương nghiêm trọng đến phần đầu gối của võ sĩ Việt Nam. Chấn thương này cũng khiến Nam Thắng không thể tham dự sự kiện Lion Championship 4 như dự kiến.

Đáng chú ý hơn, những võ sĩ như Oh Su-hwan chỉ có trình độ nằm trong top 40 ở Hàn Quốc. Trình độ giữa họ và nhóm võ sĩ hàng đầu vẫn còn chênh lệch rất nhiều. Điều đó cho thấy khoảng cách giữa MMA quốc tế và Việt Nam vẫn còn rất lớn. Những võ sĩ Việt Nam còn thiếu rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm thi đấu trước khi bước ra đấu trường thế giới.

Không "lăn" thì khó "ăn"

"Phần lớn võ sĩ MMA Việt Nam là người chuyển từ môn võ khác qua thi đấu như Wushu, Muay hoặc Kickboxing. Họ có bộ kỹ năng đánh đứng (đấm, đá, đánh chỏ, lên gối) khá tốt, nhưng chỉ vậy là chưa đủ nếu muốn thi đấu MMA chuyên nghiệp", một chuyên gia thuộc Liên đoàn MMA Việt Nam cho biết. Bên cạnh bộ kỹ năng đánh đứng, võ sĩ MMA buộc phải thành thục đánh nằm, gồm vật và khóa siết.

Mức độ thành thạo kỹ thuật vật, khóa siết là một trong những khác biết cơ bản giữa võ sĩ MMA quốc tế và Việt Nam. Võ sĩ thi đấu ở những giải MMA hàng đầu thế giới như UFC, ONE Championship, Bellator đều phải học rất nhiều khóa về Jujitsu và vật nằm mới có thể thi đấu chuyên nghiệp. Đây là một trong những lý do khiến võ sĩ MMA quốc tế thường chỉ thành danh khi đã ngoài 30 tuổi.

Ở phạm vi Việt Nam, tầm quan trọng của đánh nằm đã được thể hiện phần nào tại vòng chung kết Lion Championship. Những võ sĩ giành đai vô địch đều thành thục ít nhiều về Jujitsu. Điều đó giúp họ có lợi thế khi đấu trong nước, cũng như nhanh chóng bắt nhịp với kỹ thuật MMA quốc tế. Phạm Văn Nam hay Filonenko chính là những gương mặt tiêu biểu nhất.

Tầm quan trọng của Jujitsu trong MMA đã khiến hàng loạt võ sĩ tầm sư học đạo môn võ này. Nhưng càng học, họ càng thấy kỹ thuật của Jujitsu khó lĩnh hội hơn bất kỳ môn võ nào khác. Một võ sĩ đang được xếp hạng cao tại Lion Championship thừa nhận: "Tôi và nhiều đồng nghiệp đã liên tục tập Jujitsu hơn 1 năm qua, nhưng khả năng tiến bộ khi thi đấu không nhiều".

Có 2 nguyên nhân khiến nhiều võ sĩ Việt Nam gặp khó khi chuyển qua tập Jujitsu. Thứ nhất, môn võ "địa chiến" này yêu cầu những bộ kỹ năng khác với đánh đứng như Kickboxing, Wushu và Muay. Thứ hai, những võ sĩ Việt Nam có hình thể chiếm lợi thế khi đánh đứng, thì chính điều đó lại khiến họ gặp bất lợi nếu tập đánh nằm trong MMA.

Không ít HLV Muay và Kickboxing thích chọn VĐV theo tiêu chí thể hình cao, sải tay dài để chiếm ưu thế về tầm đánh khi thi đấu. Đó là nguyên nhân khiến Việt Nam có không ít võ sĩ cao xấp xỉ 1m80 nhưng mang cân nặng 50-55kg để thi đấu đối kháng. Vóc người cao và gầy đó lại khiến họ dễ bị vật hơn khi đánh nằm, và vô tình biến những "cây sào" không thích hợp để đấu MMA.

Là môn võ mới, quy tụ tinh hoa của võ thuật thế giới, MMA trên thực tế mới phát triển ở Việt Nam trên dưới 1 thập niên. Võ tổng hợp Việt Nam còn nhiều dư địa mở rộng, nhưng không thể phủ nhận võ sĩ đã đi sau thế giới khá lâu. Như chia sẻ của một VĐV top đầu, anh kỳ vọng nhiều hơn vào thế hệ võ sĩ sinh năm 2000-2005, bởi đó mới là tương lai thực sự của MMA Việt Nam.

Võ sĩ MMA chưa thể sống được với nghề

Theo quy định của Ban tổ chức Lion Championship, võ sĩ giành chiến thắng trong một trận đấu tranh đai nhận tiền thưởng lên tới 200 triệu đồng. Nếu đã giành đai và bảo vệ thành công, họ nhận 120 triệu đồng tiền thưởng. Ở chiều ngược lại, người thua nhận 40 triệu. Những trận đấu phân hạng của Lion Championship cũng không có mức tiền thưởng quá cao, tối đa 40 triệu cho mỗi trận thắng.

Không giống nhiều môn võ thành tích cao khác, MMA chuyên nghiệp yêu cầu sức mạnh và sức bền vượt trội. Mức độ tổn thương lên cơ thể khiến võ sĩ MMA chuyên nghiệp thường phải mất 3-4 tháng hồi sức mới có thể thi đấu tiếp. Vì thế, võ sĩ MMA thường chỉ thi đấu 2-3 trận mỗi năm. Nhưng với mức tiền thưởng như hiện nay, võ sĩ MMA chưa thể sống được với nghề.

"Võ sĩ MMA không tập luyện và thi đấu một mình. Chúng tôi luôn có êkíp, đội ngũ đi cùng. Với mức tiền thưởng như hiện nay, MMA Việt Nam chưa thể có võ sĩ ăn tập toàn thời gian. Phần lớn võ sĩ chuyên nghiệp của MMA Việt Nam thường duy trì ăn tập ở môn võ khác, và chỉ tập luyện ít ngày trước khi chuyển sang đấu MMA", một võ sĩ tâm sự.

An Khánh
.
.
.