Võ gậy sẽ lại vượt khó

Thứ Năm, 02/03/2023, 08:04

Ít ngày trước, tức chỉ hơn hai tháng trước thềm SEA Games 32, đội tuyển võ gậy (Arnis) Việt Nam nhận được gói tài trợ gồm 50 bộ gậy cứng để tập luyện. Nhờ đó, đội mới đủ gậy tập luyện để đảm nhận chỉ tiêu giành tối thiểu 2 Huy chương vàng (HCV) tại SEA Games 32 tới. Chắc chắn, câu chuyện về hành trình chuẩn bị của đội tuyển võ gậy sẽ còn được nhắc tới nhiều, trong đó chứa đựng sự vượt khó không ai mong muốn.

Thiếu vì Thông tư?

Trong lịch sử SEA Games, số lần xuất hiện của võ gậy xuất hiện trên đầu ngón tay. Trong đó, lần đầu tiên môn thể thao này có xuất xứ từ Philippines  xuất hiện ở SEA Games là vào năm 2005. Năm đó, Philippines đăng cai SEA Games và đương nhiên đưa "đặc sản" võ gậy vào chương trình thi đấu. Năm đó, thể thao Việt Nam cũng thành lập đội tuyển võ gậy quốc gia và giành ngay 3 HCV ở SEA Games năm đó. Đáng tiếc, ở nhiều kỳ SEA Games sau đó, võ gậy không được đưa vào chương trình thi đấu.

Võ gậy sẽ lại vượt khó -0
VĐV đội tuyển võ gậy trình diễn kỹ thuật cơ bản của võ gậy.

Cũng phải đến kỳ SEA Games năm 2019 diễn ra tại Philippines, võ gậy mới được đưa trở lại chương trình thi đấu. Năm đó, đội tuyển võ gậy Việt Nam cũng được cấp tốc thành lập và vẫn kịp giành 4 HCV, 10 HCB.

Kể ra như vậy để thấy võ gậy cũng từng gắn với thể thao Việt Nam và hoàn toàn có thể xuất hiện trong chương trình thi đấu của SEA Games. Tuy nhiên, Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL ban hành ngày 25/6/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về Quy định tiêu chuẩn, định mức trang thiết bị tập huấn, thi đấu thể thao cho VĐV, HLV đội tuyển quốc gia lại không có môn võ gậy trong số các môn thể thao được phép mua sắm trang thiết bị phục vụ tập luyện, thi đấu quốc tế. Trong khi đó, tất cả trang thiết bị mà ngành thể thao muốn mua sắm chuẩn bị cho các đội tuyển quốc gia phục vụ thi đấu các giải trong năm đều phải theo Thông tư này.

Vấn đề ở đây có lẽ nằm ở khâu xây dựng Thông tư khi những người có trách nhiệm đã "quên" về sự xuất hiện của võ gậy trong các kỳ SEA Games hoặc không dự báo được sự xuất hiện thường xuyên hơn của môn này trong làng thể thao Đông Nam Á. Điều đó đã thể hiện ở SEA Games 32, sẽ diễn ra ở Campuchia vào tháng 5 tới, khi võ gậy có tên trong chương trình thi đấu. Đó cũng là lần đầu tiên ở một kỳ SEA Games diễn ra ngoài Philippines, môn võ gậy xuất hiện.

Đương nhiên, khi võ gậy xuất hiện ở SEA Games thì thể thao Việt Nam vẫn tham gia. Đội tuyển võ gậy chuẩn bị cho SEA Games 32 được thành lập gấp rút với 23 tuyển thủ được chuyển sang từ một số môn thể thao khác, chủ yếu là Pencak Silat. Thành phần đội tuyển cũng chỉ còn 3 tuyển thủ từng tham dự SEA Games 30 năm 2019. Tuy nhiên, đến đây mới thấy cái thiếu từ Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL dẫn đến trong suốt thời gian đầu tập trung, đội tuyển võ gậy quốc gia lâm vào tình cảnh thiếu thiết bị tập luyện. Ngoại trừ một số VĐV từ Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội còn có gậy tập từ đơn vị chủ quản, các VĐV khác đều không có. Như người trong nghề bảo rằng không có gậy thì sao gọi là “võ gậy”. Vì thế, các HLV đành thực hiện giải pháp tình thế là lấy ống nước nhựa thay gậy tập. Trong thời gian đầu làm quen với môn thể thao này, lại tập gậy không đúng tiêu chuẩn, đương nhiên VĐV gặp nhiều khó khăn hơn.

Chính vì văn bản trên nên nhà quản lý không thể có phương cách để mua sắm trang thiết bị dụng cụ cho đội tuyển võ gậy quốc gia. Muốn sớm giải quyết chỉ còn trông vào nguồn xã hội hóa hoặc điều chỉnh Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL trong đó cập nhật thêm về danh mục trang thiết bị của môn võ gậy. 

Cũng phải kể thêm về Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL khi không chỉ thiếu môn võ gậy mà kể cả việc đề ra mức mua sắm thiết bị ở môn thể thao xuất hiện trong Thông tư còn khiến người trong cuộc “lăn tăn”. Đơn cử ở môn bóng bàn khi một tuyển thủ đội tuyển quốc gia mỗi năm được cấp bóng tập 2 lần và mỗi lần là 40 quả. Dựa trên thực tế chuyên môn thì con số 40 quả bóng cho một lần trang bị là quá ít bởi tính trung bình một buổi tập, mỗi VĐV cũng tập hỏng khoảng 5 quả. Như vậy, chỉ 8 ngày tập là có thể hết số bóng tập được trang bị… Rõ ràng, việc không bám được thực tế của Thông tư đương nhiên sẽ làm khó cho những người thực thi trực tiếp, muốn các điều kiện tốt hơn cho các tuyển thủ.  

Tìm cách khắc phục

Trong lúc nhà quản lý đang bí về nguồn đầu tư trang thiết bị cho đội tuyển võ gậy thì gần đây đã có dấu hiệu tích cực từ nguồn xã hội hóa. Chỉ hơn 2 tháng trước thềm SEA Games 32, trường Cao đẳng FPT Polytechnic đã tài trợ trang thiết bị tập luyện cho đội, cũng như công bố những suất học bổng cho thành viên của đội tuyển nếu giành huy chương tại SEA Games 32. Trong đó, đội tuyển võ gậy đã nhận được 50 bộ gậy cứng (mỗi bộ 2 chiếc) để phục vụ tập luyện. Có mặt ở buổi lễ, người ta dễ nhìn thấy những nụ cười thỏa mãn từ các thành viên đội tuyển khi được cầm tận tay bộ gậy tập mới toanh. Còn Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT) Hoàng Quốc Vinh cũng cho rằng, việc Cao đẳng FPT Polytechnic hỗ trợ 50 bộ gậy cứng để đội tuyển võ gậy tập luyện là sự tiếp ứng vật chất cần thiết và cũng là sự động viên khích lệ tinh thần kịp thời cho đội tuyển.

Nhưng trước mắt mới chỉ yên tâm về gậy tập. Còn trong thời gian tới, khi bước vào các bài tập đối kháng, đội tuyển vẫn cần trang thiết bị khác như gậy mềm, giáp bảo hộ... Đến lúc này, nhà quản lý cũng chưa biết sẽ mua sắm bằng cách nào khi Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL đã bộc lộ bất cập.  Bên cạnh đó, do môn võ gậy không có trong hệ thống thi đấu quốc gia nên đội tuyển chỉ có thể trông vào đợt tập huấn nước ngoài, dự kiến vào tháng 4 tới để nâng cao trình độ.

Rõ ràng, với quỹ thời gian hơn 60 ngày mà phải hoàn thành hàng loạt đầu việc thực sự là bài toán khó cho cả nhà quản lý cũng như các thành viên đội tuyển võ gậy quốc gia. Trong khi đó, như HLV Nguyễn Thái Linh của đội tuyển chia sẻ thì không dễ hoàn thành nhiệm vụ tại SEA Games 32 kể cả khi có đủ trang thiết bị tập luyện cũng như chuyên gia.

Còn như hiện nay, đúng là mọi việc đang bộn bề với những cái khó muôn thuở. Và có lẽ cũng chỉ trông vào nguồn xã hội hóa để có thêm trang thiết bị cho đội tuyển võ gậy thay vì trông vào sự đột phá từ việc bổ sung Thông tư 05/2021/TT-BVHTTDL trong ít ngày tới. Việc này được giải quyết càng sớm càng tốt, sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu giành ít nhất 100 HCV của thể thao Việt Nam tại SEA Games tới.

Giành huy chương, nhận học bổng

Trường Cao đẳng FPT Polytechnic thông báo sẽ dành gói học bổng toàn thời gian (2 năm) theo các mức miễn phí 100%, 70% và 50% cho các VĐV đội tuyển võ gậy giành Huy chương vàng-bạc-đồng tại SEA Games 32 khi nhập học trước 31/12/2023. Theo ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao 1 (Tổng cục TDTT), bên cạnh con đường thể thao thì học bổng của FPT Polytechnic sẽ mở ra một cơ hội khác để VĐV đội tuyển võ gậy tìm hướng đi tốt cho tương lai.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.