V.League và chuyển nhượng kiểu quốc tế

Chủ Nhật, 21/08/2022, 09:20

Những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng, Lee Nguyễn và Đặng Văn Lâm đổ bộ trở lại Việt Nam. Cả hai thương vụ đều tạo nên tiếng vang lớn trong phiên “chợ chiều” của bóng đá Việt Nam. Và đó đều là những vụ chuyển nhượng đúng kiểu quốc tế. Trong đó, việc Bình Định chiêu mộ Đặng Văn Lâm từ Cerezo Osaka chuẩn mực hơn cả.

Chuyển nhượng kiểu V..League

Người hâm mộ bóng đá trên thế giới nói chung và với riêng CLB Man United nói riêng đang chứng kiến cảnh đội bóng nước Anh hoạt động một cách vội vã trong những ngày cuối cùng của thị trường chuyển nhượng mùa hè. 60 triệu bảng với một loạt những điều khoản là cách để Man United thuyết phục Real Madrid đồng ý bán tiền vệ phòng ngự Casemiro. Tất nhiên, sau khi ngoài cái gật đầu tới từ Real Madrid, Man United cũng phải đưa ra một đề nghị lương “khủng” cho cầu thủ người Brazil. Với mức 300.000 bảng/tuần, Casemiro trở thành cầu thủ nhận lương cao thứ 3 tại sân Old Trafford, sau Cristiano Ronaldo và David de Gea.

anh 1.jpeg -0
Thủ môn Đặng Văn Lâm là thương vụ hiếm hoi mà CLB V.League chuyển nhượng sòng phẳng.

Tất nhiên, thái độ mua sắm của Man United trên thị trường chuyển nhượng là điều mà không nhiều người hâm mộ đội bóng này hài lòng. Bởi trong bối cảnh mà Man City và Liverpool đều đã hoàn thành xong kế hoạch nhân sự từ nhiều tuần trước đó cho mùa giải mới thì Man United vẫn phải vắt chân lên cổ hòng khỏa lấp chỗ trống đến từ đội hình vốn dĩ gặp quá nhiều vấn đề, nhất là sau 2 thất bại không tưởng trước các CLB “chiếu dưới” là Brighton và Brentford.

Tuy nhiên, ở góc độ quy trình chuyển nhượng, Man United vẫn thực hiện đúng sự chuẩn mực của một đội bóng hàng đầu thế giới. Cơ bản, họ đưa ra phí chuyển nhượng đủ để CLB chủ quản sở hữu cầu thủ mà họ muốn chiêu mộ gật đầu. Kế đến, khi đội bóng đó chấp nhận khoản đề nghị mà họ đưa ra, CLB muốn mua phải tiếp tục thuyết phục cầu thủ về những khoản đãi ngộ và thời hạn hợp đồng sao cho hợp lý. Điểm kết thúc của thương vụ này là những thủ tục kiểm tra y tế, thị thực và giấy phép lao động tại quốc gia trước khi cầu thủ chào sân CLB mới.

Đó là một quy trình vốn dĩ xuất hiện trên thị trường chuyển nhượng bóng đá quốc tế trong hàng chục năm qua. Nhưng ở Việt Nam, “V.League chúng tôi” không thế. Đa số các thương vụ chuyển nhượng thường được cắt bước đầu tiên. Tức là rất hiếm có chuyện đội A đưa ra mức phí chuyển nhượng để lấy người của đội B. Phần lớn trường hợp đều chứng kiến đội A chờ cho đến khi cầu thủ mà mình cần ở đội B đã hết hợp đồng. Khi đó, họ sẽ tiến hành luôn giai đoạn 2, tức là tiếp xúc cầu thủ đó. Lúc này, trong tâm thế tự do, cầu thủ và người đại diện sẽ đàm phán về lương và đặc biệt là tiền lót tay với đội A, trước khi thương vụ hoàn tất.

Cần lắm những thương vụ như Đặng Văn Lâm

HLV Hoàng Anh Tuấn, một người cũng đã lăn lộn với bóng đá Việt Nam từ cấp độ CLB chuyên nghiệp đến đội tuyển trẻ quốc gia chỉ ra bản chất cốt lõi của vấn để văn hóa chuyển nhượng của Việt Nam: “Câu chuyện suy cho cùng nằm ở bài toán tài chính. Ở V.League, không phải CLB nào cũng dư dả ngân sách để sẵn sàng cho hoạt động chuyển nhượng hay giữ người. Nếu không có tiền, CLB không thể giữ chân được cầu thủ. Họ chỉ còn cách chứng kiến cầu thủ của mình thi đấu hết hợp đồng và ra đi theo diện tự do. Mà con số này không phải thiểu số.

Trái ngược lại là đa số. Và khi nguồn cầu thủ tự do sau mỗi mùa giải đủ lớn thì các CLB đương nhiên sẽ chỉ tập trung vào việc thuyết phục cầu thủ tự do đó về thi đấu cho mình. Còn nếu như các CLB trên thế giới, họ thường giữ chân được các cầu thủ giỏi của mình trước khi hợp đồng đáo hạn 1 năm hoặc 2 năm. Khi ấy, những CLB khác nếu muốn có cầu thủ này thì phải trả cho đội bóng chủ quản một khoản phí chuyển nhượng đủ lớn”.

Thực tế, đó có thể xem là một vòng luẩn quẩn khó tìm ra được lời giải tháo gỡ ở Việt Nam. Bởi nếu các CLB muốn tài chính tốt hơn thì song song với những bản hợp đồng quảng cáo, nguồn tiền từ nhà tài trợ thì ngân quỹ trong chuyển nhượng phải thật sự được đẩy mạnh. SLNA đáng ra có thể bỏ túi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng từ việc bán những tài năng. Nhưng suy cho cùng trước khi tập đoàn Tân Long hỗ trợ, họ cũng mất đi hàng loạt những ngôi sao giá 0 đồng. Câu chuyện cũng đến với chính Hà Nội FC, một trong những CLB giàu nhất tại V.League. Họ cũng chứng kiến cảnh Quang Hải, Đình Trọng chuyển sang đội bóng mới mà không thu được một đồng nào.

Quả thực, những thương vụ xoay quanh Đặng Văn Lâm là điều hiếm hoi hiện diện trong cách chuyển nhượng ở V.League. Năm 2019, Hải Phòng đút túi 500.000 USD nhờ việc bán Văn Lâm cho Muangthong United. 3 năm sau, Bình Định được cho là đã trả hơn 1 tỷ đồng cho 5 tháng lương còn lại hợp đồng giữa Đặng Văn Lâm và Cerezo Osaka.

Hay câu chuyện CLB TP.HCM chấp nhận trả một nửa năm lương còn lại để thuyết phục Sint Truidense của Bỉ “nhả” Công Phượng lại cho mình. Đó chính là cách chuyển nhượng kiểu quốc tế, khi quá trình mua bán giữa những đội bóng được diễn ra một cách sòng phẳng. Mà ở đó, bên mua có được cầu thủ mà mình cần trong khi bên bán cũng hưởng được giá trị quy đổi bằng tiền từ việc chấp nhận họ ra đi.

Tuy nhiên ở V.League, những thương vụ mua bán công khai và sòng phẳng này lại chỉ như muối bỏ bể.

Thử Tây trước khi ký hợp đồng

Ngoài việc chuyển nhượng khác lạ, các đội bóng ở V.League cũng có cách lấy ngoại binh rất khác so với Thái Lan, Indonesia, Malaysia chứ chưa nói đến châu Á hay châu Âu. Đó là phần lớn các đội bóng ở V.League không thích “mua đứt, bán ngọn” với ngoại binh. Cách chiêu mộ ngoại binh của đa số CLB V.League đa phần là liên hệ với những nhà môi giới. Khi đó, các tay “cò” sẽ đưa cầu thủ ngoại về… thử việc trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng. Xuyên suốt thời gian ấy, các đội tại V.League sẽ thử từ 4-5 “Tây” cùng lúc trước khi chọn ra 1-2 cái tên ưng ý.

Điều này khiến nhiều ngoại binh có chất lượng khá trở lên không chấp nhận. Bởi họ không thể tự bỏ chi phí ăn ở tại Việt Nam và thấp thỏm chờ đợi rằng liệu mình có được ký hợp đồng. Vậy nên, chất lượng ngoại binh vô hình trung bị giới hạn ở tầm thấp, khi họ vốn dĩ chẳng có lựa chọn nào khả dĩ hơn là phải thử việc tại V.League cả.

Thùy Vi
.
.
.