Trước Đại hội VFF khóa IX: Cuộc đua giành "ghế nóng"
Nếu như chiếc ghế Chủ tịch VFF không tạo được sự cạnh tranh khi chẳng có ứng viên nào ứng cử ngoài ông Trần Quốc Tuấn thì những chiếc ghế ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn và tài chính lại đang thu hút sự quan tâm. Bởi các ứng viên cạnh tranh 2 chiếc ghế này đang tích cực chạy đua “tranh cử”.
Ông Trần Anh Tú có lợi thế lớn
Tại vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách Chuyên môn khóa IX, hai ứng viên đang tranh cử là ông Trần Anh Tú - Ủy viên Thường trực BCH VFF khóa VIII cùng ông Dương Nghiệp Khôi - Trợ lý Quyền Chủ tịch VFF khóa VIII. Tuy nhiên, dấu ấn của ông Trần Anh Tú đang lớn hơn rất nhiều so với đối thủ cạnh tranh với mình.
Đầu tiên, ông Trần Anh Tú là người đã và đang có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của futsal Việt Nam trong nhiều năm qua. Việc ĐT futsal Việt Nam liên tiếp giành vé dự VCK World Cup ở 2 kỳ đã qua là minh chứng rõ nét cho chiến lược phát triển futsal đúng đắn của ông Trần Anh Tú. Bên cạnh đó, trong vai trò Chủ tịch HĐQT VPF, ông Trần Anh Tú cũng dành nhiều tâm huyết để phát triển, nâng tầm các giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam. Đặc biệt ở những ngày qua, VPF lại tạo nên một cơn địa chấn thực sự, khi gói bản quyền truyền hình của V.League tính từ mùa 2023 sẽ nhận về con số lên tới 2,5 triệu USD (tương đương với hơn 60 tỷ đồng)/mùa. Đáng nói hơn, giá trị bản quyền truyền hình V.League được quy đổi thành tiền mặt, qua đó tạo nguồn thu trực tiếp cho VPF và các CLB. Nhờ vậy, ngay từ thời điểm hiện tại, các chuyên gia đã đánh giá rất cao và tin tưởng V.League sẽ có một cú hích lớn trong tương lai gần.
Cần nói thêm, ông Trần Anh Tú chính là một trong những người có công lớn ở việc đàm phán với nhà đài mới, liên quan đến V.League có nguồn thu lớn đến từ bản quyền truyền hình. Rõ ràng, đây chính là đòn bẩy rất quan trọng để vị doanh nhân này nhận được tín nhiệm cao ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn, trước khi Đại hội VFF khóa IX diễn ra vào ngày 6/11 này.
Trái ngược với ông Trần Anh Tú, ông Dương Nghiệp Khôi vẫn án binh bất động. Những gì mà ông Dương Nghiệp Khôi đã làm được phần nhiều nghiêng về quá khứ, khi ông đã có hơn 40 năm kinh nghiệm gắn bó với công tác huấn luyện và đảm nhiệm nhiều vai trò khác nhau tại VFF, BTC V.League, đội trẻ Hà Nội FC hay Sài Gòn FC… Rõ ràng đưa lên bàn cân so sánh, ông Trần Anh Tú đang “nặng ký” hơn hẳn khi đua tranh ghế Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn so với ông Dương Nghiệp Khôi.
Hấp dẫn cuộc đua song mã ở vị trí Phó Chủ tịch tài chính
Một cuộc đua “song mã” khác diễn ra ở vị trí Phó Chủ tịch VFF phụ trách Tài chính và vận động tài trợ, với hai ứng viên là ông Nguyễn Trung Kiên (Tổng giám đốc Next Media) và ông Lê Văn Thành (Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Động Lực). Thực tế, đây mới chính là cuộc đua song mã đúng nghĩa cả về số lượng (2 ứng viên tham gia) đến chất lượng.
Minh chứng là chỉ trong tuần này, cả hai đều đã tạo nên những cú “áp phe” bằng các bản hợp đồng đình đám có giá trị ảnh hưởng cao với bóng đá Việt Nam. Đầu tiên, vào ngày 24/10 vừa rồi, Tập đoàn Thể thao Động Lực đã ký kết hợp tác cùng VFF (2022 - 2024) và VPF (2023 - 2025) tại các giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp với giá trị và các sản phẩm tài trợ tăng cao so với hợp đồng các năm trước.
Theo đó, ngoài giá trị tài trợ bằng tiền mặt, Động Lực sẽ cung cấp thêm bóng thi đấu, bóng tập luyện và trang phục làm nhiệm vụ cho Trọng tài, Giám sát tại hệ thống các Giải bóng đá chuyên nghiệp và ngoài chuyên nghiệp với tổng giá trị tài trợ ước tính gần 90 tỷ đồng. Cần nói thêm, ông Lê Văn Thành chính là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Thể thao Động Lực. Vậy nên, gói tài trợ lên đến 90 tỷ đồng không những có đóng góp trực tiếp cho bóng đá Việt Nam mà còn đủ “sức nặng” để ông Lê Văn Thành - Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính khóa VIII thêm tự tin trong hy vọng tái đắc cử cương vị này.
Ứng cử viên khác ở vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Tài chính là ông Nguyễn Trung Kiên – Tổng Giám đốc Next Media cũng không phải dạng vừa. Ngày 26/10 vừa qua, Next Media cũng tổ chức họp báo ở khách sạn 5 sao hoành tráng ở Hà Nội để thông báo về việc đã thuyết phục thành công CLB Borussia Dortmund mang đội hình chính thi đấu giao hữu quốc tế với ĐT Việt Nam vào ngày 30/11 tới. Nên nhớ, đây chỉ là 1 trong những thỏa thuận hợp tác mà Next Media với ông Nguyễn Trung Kiên làm Tổng giám đốc đứng ra làm cầu nối giữa VFF và Dortmund, trong sự phát triển toàn diện cho bóng đá Việt Nam trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, chi phí để mời Dortmund sang Việt Nam thi đấu giao hữu cũng không hề nhỏ. Như chính ông Nguyễn Trung Kiên tiết lộ, gần 200 thành viên của Dortmund sẽ tới Hà Nội và đưa ra yêu cầu ở khách sạn cao cấp tại Thủ đô. Rõ ràng, đây có thể xem như “vũ khí nặng đô” mà ông Nguyễn Trung Kiên tận dụng nhằm cạnh tranh một cách sòng phẳng với ông Lê Văn Thành.
Khó lường vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông
Tính đến hiện tại, vị trí Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông VFF chỉ còn 3 ứng viên bao gồm ông Cao Văn Chóng (Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông và đối ngoại VFF khóa VIII, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương); ông Nguyễn Xuân Vũ (Chủ tịch CLB Phù Đổng) và bà Nguyễn Thị Hoàng Phương (Phó Tổng giám đốc VTVcab). Bởi ông Nguyễn Quốc Hội (Ủy viên BCH VFF khóa VIII, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thể thao Hà Nội T&T) đã xin rút lui, không tham gia ứng cử.
Trong thời gian qua, ông Cao Văn Chóng cũng gặp nhiều khó khăn và áp lực. Trên mạng xã hội, nhiều ý kiến trái chiều đã đưa ra xoay quanh vị đương kim Phó Chủ tịch phụ trách Truyền thông của VFF. Không ít quan điểm còn muốn hạ thấp uy tín của ông Cao Văn Chóng, bất chấp nỗ lực phát triển hoạt động truyền thông giữa VFF và báo chí xuyên suốt 4 năm qua của vị Phó Chủ tịch này. Vậy nên, hành trình hướng tới việc tái đắc cử của ông Cao Văn Chóng xem ra còn nhiều chông gai.