Triết lý của HLV Kim Sang-sik: Gây tranh cãi ở Hàn Quốc nhưng phù hợp với Việt Nam?

Chủ Nhật, 05/05/2024, 07:51

Tân HLV tuyển Việt Nam, Kim Sang-sik từng là cái tên gây tranh cãi lớn nhất tại Hàn Quốc cách đây vài năm vì chiến thuật thực dụng ở Jeonbuk. Tuy nhiên, đó lại là “triết lý” phù hợp với bóng đá Việt Nam hiện tại.

Ở thời điểm thay thế HLV José Morais vào cuối năm 2020, Kim Sang-sik đối mặt với nhiệm vụ tiếp tục duy trì thành công ở Jeonbuk cho dù chỉ được tiếp quản đội hình già nua và không có cầu thủ xuất sắc nhất K-League 2020, Son Jun-ho - người chuyển sang Shandong Luneng của Trung Quốc.

Ngay từ đầu, việc Jeonbuk chọn Kim Sang-sik gây ra nhiều tranh cãi, bởi lẽ đội bóng này đang có sẵn quá nhiều vấn đề nan giải trong khi cựu trung vệ của họ thiếu kinh nghiệm dẫn dắt đội một. Sau khi treo giày vào năm 2013, Kim Sang-sik trải qua 8 năm liên tiếp trong vai trò trợ lý.

Trong năm đầu tiên, Kim Sang-sik phần nào chứng minh tài năng bằng cách giúp Jeonbuk bảo vệ thành công chức vô địch K-League và giành luôn danh hiệu HLV xuất sắc nhất mùa giải 2021. Tuy nhiên, màn trình diễn xuyên suốt của Jeonbuk không thể thuyết phục người hâm mộ khó tính của họ.

Jeonbuk chỉ lên ngôi với 2 điểm nhiều hơn Ulsan Hyundai, đội đánh bại họ ở tứ kết Cúp C1 châu Á 2021. Đội bóng của Kim Sang-sik từng trải qua chuỗi 8 trận không thắng liên tiếp từ ngày 21/4 đến ngày 29/5 năm 2021. Họ cũng chịu trận thua đáng xấu hổ trước đội bóng vô danh Yangju Citizen ở Cúp Quốc gia Hàn Quốc. Nếu như Ulsan không bất ngờ lao dốc ở cuối mùa giải và đánh mất danh hiệu vào tay Jeonbuk, Kim Sang-sik nhiều khả năng bị sa thải ngay sau mùa giải đầu tiên.

Phong độ thiếu ổn định của đội bóng là vấn đề thường xuyên xảy ra với Kim Sang-sik trong suốt thời gian dẫn dắt Jeonbuk, và xu hướng này tiếp diễn ở mùa giải 2022. Sau chiến thắng ở trận mở màn trước Suwon FC, Jeonbuk đã trải qua chuỗi 5 trận không thắng, trong đó có 3 trận thua. Những kết quả kém cỏi này góp phần khiến Jeonbuk đánh mất chức vô địch K-League lần đầu tiên kể từ năm 2016. Điều đã cứu rỗi công việc của Kim Sang-sik là Cúp Quốc gia Hàn Quốc và suýt vào đến chung kết Cúp C1 châu Á 2022, giải đấu mà họ bị Urawa Reds gỡ hòa vào phút chót hiệp phụ và thua trên chấm 11m ở vòng bán kết.

Đây là giai đoạn làn sóng phản đối Kim Sang-sik tăng cao. Người hâm mộ Jeonbuk nổi giận khi CLB này gia hạn hợp đồng với ông đến năm 2023. Kim Sang-sik bị chỉ trích nặng nề vì lối chơi phòng thủ quá mức và kiểm soát bóng an toàn. Dưới thời HLV này, Jeonbuk không bao giờ vội vàng tìm kiếm bàn thắng trừ khi trận đấu sắp kết thúc hoặc khi họ bị dẫn trước.

kim-sang-sik.jpg -0
Triết lý của Kim Sang-sik phù hợp với tuyển Việt Nam?

Chiến thuật thực dụng của Kim Sang-sik mang lại hiệu quả trong giai đoạn đầu, trước khi bị các đội bóng ở K-League bắt bài. Hầu hết các đối thủ ở Hàn Quốc bị đánh giá thấp hơn Jeonbuk và họ sẵn sàng chơi giằng co, “thi gan” với Jeonbuk để chờ đợi cơ hội phản công. Bị thủng lưới trong các tình huống phản công là một trong những vấn đề lớn nhất của Jeonbuk dưới thời Kim Sang-sik. Nhiều lúc, họ quá dễ bị thủng lưới vì hàng phòng ngự dâng cao.

Khi không có bóng, Jeonbuk có xu hướng lùi sâu đội hình phòng ngự chặt. Thế nhưng, Jeonbuk lại không triển khai phản công nhanh khi giành lại bóng ở phần sân nhà. Thay vào đó, họ tiếp tục chuyền bóng chậm rãi như muốn “ru ngủ” đối thủ cũng như chính người hâm mộ của họ.

Một vấn đề khác của Kim Sang-sik là thích sử dụng cầu thủ ở vị trí không phải sở trường của họ. Ví dụ Paik Seung-ho vốn là cầu thủ tấn công trưởng thành ở lò đào tạo Barcelona và từng chơi bóng tại Đức ở Darmstadt 98, nhưng anh lại bị Kim Sang-sik kéo về đá như tiền vệ phòng ngự suốt giai đoạn 2021-2022. Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng đó là sự lãng phí, bởi lẽ Paik Seung-ho mang đến nhiều điều hơn khi được dâng cao và giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự. Trong khi đó, tiền vệ phòng ngự Park Jin-seop lại bị Kim Sang-sik sử dụng ở vị trí trung vệ.

Chính vì thế, Kim Sang-sik gây tranh cãi ngay cả khi giúp Jeonbuk giành danh hiệu. Và đến mùa giải thứ 3, ông không còn kiểm soát được tình hình. Vào thời điểm Kim Sang-sik từ chức, Jeonbuk đã tụt xuống vị trí thứ 10 sau 10 vòng đấu với 6 trận thua, 3 trận thắng và 1 trận hòa, kém Ulsan đến 15 điểm. Người hâm mộ Jeonbuk thậm chí tổ chức biểu tình trước trụ sở CLB để yêu cầu Kim Sang-sik ra đi.

Nhìn vào hành trình của Kim Sang-sik, không ít người yêu mến bóng đá Việt Nam lo ngại cho đội tuyển nước nhà. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế. Vị thế của Jeonbuk và vị thế của đội tuyển Việt Nam hoàn toàn trái ngược. Jeonbuk là gã khổng lồ của Hàn Quốc và luôn đòi hỏi thành công với lối chơi tấn công hấp dẫn. Ngược lại, đội tuyển Việt Nam vẫn đang trên hành trình phát triển để thoát khỏi vùng trũng Đông Nam Á. Chiến thuật của Kim Sang-sik không phù hợp với Jeonbuk, nhưng hoàn toàn có thể hữu ích với đội tuyển Việt Nam. Đó là câu chuyện luôn tồn tại trong bóng đá.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã cố gắng tìm kiếm những điều mới mẻ với HLV Troussier và mơ mộng về thứ bóng đá kiểm soát, bài bản đẹp mắt nhưng thất bại thảm hại. Sai lầm đó khiến họ thận trọng hơn, và Kim Sang-sik được lựa chọn một phần dựa trên triết lý thực dụng của ông.

Kim Sang-sik có thể giúp cầu thủ trẻ Việt Nam phát triển

Cho dù bị nhiều chuyên gia ở Hàn Quốc chỉ trích, đánh giá không cao về chiến thuật cũng như khả năng sử dụng ngôi sao, nhưng Kim Sang-sik vẫn được thừa nhận ở một điểm quan trọng. Đó là phát triển cầu thủ trẻ. Khoảng thời gian Kim Sang-sik dẫn dắt đội bóng 9 lần vô địch K-League 1 là thời điểm chuyển giao. Vấn đề “đội hình bị lão hóa” cơ bản đã được giải quyết khi rất nhiều cầu thủ trẻ được ra mắt và trao cơ hội đá chính, đặc biệt ở mùa giải cuối cùng.

Kim Sang-sik không mang đến niềm vui cho người hâm mộ Jeonbuk vì triết lý bóng đá thực dụng. Tuy nhiên, nhìn lại cả quá trình mà ông dẫn dắt đội bóng này, một số người tin rằng ông không có lựa chọn nào khác. Đội hình của Jeonbuk đã sa sút và họ không thể vừa chơi bóng đẹp mắt, vừa đảm bảo thành công trên mọi đấu trường.

Khả năng liệu cơm gắp mắm của Kim Sang-sik hứa hẹn sẽ được đánh giá đúng hơn khi ông dẫn dắt một đội bóng yếu như tuyển Việt Nam.

An Khánh
.
.
.